“Chăm sóc F0 tại nhà và phòng chống Covid-19 tại cộng đồng”

Đăng ngày: 04/09/2021 , 17:15 GMT+7

Đó là chương trình Hội thảo trực tuyến tại địa chỉ: https://youtu.be/RuYOMLEjwNQ, diễn ra sáng nay 04/9/2021, do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp Hội Quân Dân Y Việt Nam, Hội Giáo dục –Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam tổ chức, thu hút rất đông người tham dự. Theo ban tổ chức, dù gần cuối giờ nhưng vẫn còn 671 người tham dự trên mã số Team, 1.200 hội viên tham dự qua trang web Bộ môn Y học Gia đình, hơn 2.500 người tham dự qua youtube.

PGS.TS.BS Phạm Lê Tuấn - Chủ tịch Hội Quân Dân Y Việt Nam, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng các báo cáo viên cam kết quyết tâm cùng người dân đẩy lùi dịch bệnh Covid-19

Chương trình có chuyên môn sâu rất thiết thực

Chương trình Hội thảo tập huấn miễn phí này dành cho thành viên Hội Quân Dân Y Việt Nam, nhân viên y tế và tình nguyện viên đang tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Hội thảo cũng được mở rộng cho đối tượng người dân, nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng. 

Đây là chương trình có chuyên môn sâu rất thiết thực trong điều kiện dịch bệnh hiện nay với 7 báo cáo chuyên sâu như: Tầm quan trọng và tính cấp thiết triển khai các chương trình Chăm sóc F0 tại cộng đồng; Bảo vệ và Chăm sóc cho đối tượng yếu thế trước bệnh dịch Covid-19; Cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid-19 tại cộng đồng – Nhận diện sớm các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà; Tổ chức khám bệnh từ xa (Telemedicine) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Hiệu quả - Kinh nghiệm triển khai mô hình hoạt động của “Tổ y tế từ xa” của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Một số vấn đề về sức khỏe tâm thần trên bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà; Vai trò của Điều dưỡng trong theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà.
Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của TS.BS. Nguyễn Quốc Triệu – Nguyên Ủy viên TW Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyên Trưởng ban Bảo vệ Sức khỏe Cán bộ TW, Nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Chủ tịch danh dự Hội Quân Dân Y Việt Nam; PGS.TS.BS. Phạm Lê Tuấn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Quân Dân Y Việt Nam; đ/c Nguyễn Hồng Quân – Nguyên Ủy viên TW Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Giáo dục – Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam; PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; TS.BS. Hoàng Thị Bạch Dương - Chủ tịch & Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăm sóc giảm nhẹ Chân trời mới, Giám đốc Trung tâm Giáo dục chăm sóc Sức khỏe cộng đồng Hà Nội; TS.BS. Hồ Đặng Trung Nghĩa – Trưởng Bộ môn Nhiễm Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch...

Tại buổi Hội thảo, có nhiều câu hỏi đặt ra khá thiết thực như: F0 chuyển nặng có dấu hiệu cơ năng và thực thể thế nào? F0 kết thúc điều trị thế nào? Khi nào có thể dùng Corticoid và có thể dùng cho kháng đông được hay không?

Tại Hội thảo, các bác sĩ chuyên khoa đã có những bài báo cáo khoa học cụ thể cho từng đối tượng bệnh nhân mà các tình nguyện viên khi tham gia “Tổ y tế từ xa” của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có thể tham khảo, tư vấn, theo dõi và điều trị.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận định: qua buổi Hội thảo thu hút đến hơn 5.300 người theo dõi như khẳng định vai trò của đội ngũ y bác sĩ, giảng viên của nhà trường…trên mặt trận chống dịch, dịch bùng phát là nguy cơ của TP.HCM nhưng cũng là cơ hội cho ngành y ứng dụng khoa học vào khám chữa bệnh cộng đồng. Mở ra mô hình Đào tạo liên tục, hướng đến việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe cộng đồng.
PGS.TS.BS. Phạm Lê Tuấn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: tôi rất hoan nghênh Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chuẩn bị cho buổi Hội thảo này chỉ trong vòng 10 ngày; với sự tham gia của đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm thực tiễn của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, vừa làm vừa nghiên cứu mô hình để tham mưu cho Bộ Y tế. Chúng ta cần rất nhiều chính sách y tế cho người cao tuổi, người có bệnh nền, người yếm thế…qua Hội thảo này, Bộ Y tế cần nghiên cứu hàn lâm và chính sách y tế cho người dân trong tương lai.

Kết thúc Hội thảo, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ cấp Giấy chứng nhận Đào tạo liên tục và gửi email cho nhân viên y tế có đăng ký cấp Giấy chứng nhận (thông qua mã QR trước giờ khai mạc 24h) với điều kiện hoàn thành bài lượng giá cuối buổi (≥ 5 điểm) và tham dự trên 70% thời lượng Hội thảo.

Rất cần mô hình y tế cộng đồng

Hiện nay; cả nước có 1.400 bệnh viện công lập và 275 bệnh viện ngoài công lập, 30.000 phòng khám đa khoa, 11.500 trạm y tế xã - phường cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Tháng 9/2020; Bộ Y tế đã triển khai công nghệ khám chữa bệnh từ xa Telehealth đã giúp các tuyến dưới nhận được các kỹ thuật ở tuyến trên sâu và nhanh hơn. Mô hình Telehealth là công cụ giúp cho việc Việt Nam chống dịch, chiến thắng dịch Covid-19, các bệnh viện đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn và 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối.

Nhưng đến thời điểm đại dịch diễn ra tại TP.HCM, Telehealth không đáp ứng kịp điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tháng 07/2021, trong tình hình dich bệnh chuyển biến nặng, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đưa ra giải pháp và kịch bản cho công tác y tế địa phương thông qua “Telemedicine – y tế từ xa”, là mô hình Tổ y tế từ xa.
Nhu cầu sử dụng Telemedicine tại các nước đang phát triển có thể nói còn cao hơn so với các nước phát triển khi mà số lượng bác sĩ chưa đủ so với dân số tương ứng, vùng nông thôn còn thiếu các bác sĩ chuyên khoa và cần được hỗ trợ trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các mục tiêu chính của các dự án ứng dụng Telemedicine bao gồm: hệ thống chẩn đoán và tư vấn từ xa (Remote diagnosing and teleconsulting system), hệ thống theo dõi người bệnh từ xa (Remote monitoring system), hệ thống can thiệp từ xa (Remote intervention system).

Dựa trên những tiêu chí đó, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã triển khai mộ hình “Tổ y tế từ xa”, mang lại hiệu quả cho F0 được điều trị tại nhà trong tình hình dịch bệnh. Đây là giải pháp tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện. Công việc của “Tổ y tế từ xa” sẽ: nhận bệnh để sàng lọc F0, kết hợp với các tổ y tế lưu động cho nhận bệnh, hoặc kết nới với các bệnh viện thông qua Tổng đài 115 và taxi cấp cứu.

Tính đến thời điểm này có khoảng 184 bác sĩ tham gia vào “Tổ y tế từ xa” của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bao gồm: y tế tư nhân, các bác sĩ công tác tại bệnh viện ở TP.HCM từng là sinh viên của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, sinh viên đang theo học và và nghiên cứu sinh tại Áo…

“Tổ y tế từ xa” của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hoạt động trên 10 cụm dân sinh như cụm 01: TP.Thủ Đức, cụm 02 là quận 12 – Củ Chi – Hóc Môn, cụm 03: quận 4 – 7 – Nhà Bè – Cần Giờ, cụm 04: quận 5 – 8, cụm 05: quận 10, cụm 06: quận 6 – 11, cụm 07: quận Nhất – 3 – 8, cụm 08: Bình Thạnh – Tân Phú, cụm 9: Phú Nhuận – Gò Vấp – Bình Tân, cụm 10: Tân Bình.

MINH NAM

Đăng ngày: 04/09/2021 , 17:15 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác