Thực thi CPTPP - Hiệu quả xây dựng pháp luật và Hàm ý chính sách

Đăng ngày: 10/11/2021 , 15:36 GMT+7

Trong khuôn khổ Chương trình Australia Hỗ trợ Cải cách Kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, sáng ngày 10/11/2021, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Hoạt động Xây dựng Pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách”.

Tính đến nay, CPTPP đã có hiệu lực với Việt Nam được gần 03 năm. Là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Việt Nam từng tham gia, CPTPP có tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật nội địa của Việt Nam. Do đó, khác với nhiều FTA trước đây, công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi Hiệp định này. Trên thực tế, có thể nói CPTPP là hiệp định đầu tiên sau WTO đòi hỏi Việt Nam phải triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật (XDPL) thực thi cam kết ở phạm vi rộng như vậy. Một phần đáng kể trong số này đã được triển khai trong giai đoạn 2019-2020, với các văn bản được ban hành mới, sửa đổi/bổ sung trong nhiều lĩnh vực, ở các cấp độ pháp lý khác nhau.

Hội thảo được diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

Khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng “Việc tổng kết quá trình thực hiện các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP đã triển khai, đánh giá các thành công và bất cập, nhận diện những nguyên nhân liên quan có ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt, đây là cơ sở để Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm trực tiếp cho giai đoạn tiếp theo của quá trình thực thi các cam kết có lộ trình dài hơn, có nội dung thử thách hơn của CPTPP. Mặt khác, những hàm ý chính sách từ đây có thể là kim chỉ nam hữu dụng cho các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trong thời gian tới” và đây là lý do thúc đẩy VCCI thực hiện Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Rà soát các kết quả đã thực hiện và Hàm ý chính sách cho giai đoạn sắp tới” cũng như tổ chức Hội thảo này.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo Ông Charles Thursby-Pelham, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia tại Việt Nam: “Việc rà soát toàn diện các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP này là nguồn thông tin hữu ích cho các cơ quan Nhà nước, VCCI, các hiệp hội và mỗi doanh nghiệp khi đánh giá về những lợi ích từ Hiệp định này. Các kết quả rà soát cũng sẽ là tiền đề có ý nghĩa cho các bước tiếp theo trong quá trình thực thi CPTPP nói riêng và các FTA nói chung trong thời gian tới”.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), thực thi CPTPP từ góc độ pháp luật có 3 nội dung chính là tổ chức thực thi các cam kết trên thực tế, bảo đảm pháp luật, thể chế nội địa tương thích với cam kết CPTPP và thiết lập môi trường chính sách, pháp luật “sẵn sàng cho các tác động từ CPTPP. Tổng hợp của VCCI cho thấy theo các dự kiến và kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành thì có tổng cộng 07 Luật, 06 Nghị định và 06 Thông tư cần được sửa đổi hoặc xây dựng mới. Các hoạt động XDPL này dự kiến chia làm 02 đợt: đợt đầu thực hiện với các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và đợt sau thực hiện với các cam kết CPTPP có lộ trình muộn hơn. Rà soát của VCCI thực hiện với tổng cộng 11 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 04 văn bản được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình trong giai đoạn 2019-2021.

Về các VBQPPL được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay, tất cả 11 văn bản (bao gồm 02 Luật, 02 Nghị định và 07 Thông tư, thực thi 63 nhóm cam kết CPTPP về thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động) đều đảm bảo phù hợp với Hiến pháp Việt Nam (hợp hiến), đúng thẩm quyền, trình tự, thể thức (hợp pháp), và cơ bản hài hòa, không mâu thuẫn với các quy định khác trong hệ thống pháp luật liên quan (thống nhất trong hệ thống pháp luật).

Về tính tương thích, phần lớn các quy định trong các VBQPPL này đều tương thích với cam kết CPTPP mà chúng “nội luật hóa”. Thậm chí một số quy định có nội dung vượt chuẩn cam kết, thực hiện ở mức cao hơn so với yêu cầu hoặc với lộ trình sớm hơn (chủ yếu liên quan tới quy trình đấu thầu gói thầu CPTPP). Chỉ có một trường hợp quy định chưa đủ để bảo đảm thực thi các cam kết CPTPP trên thực tế (về lao động) và do đó cần được điều chỉnh để đảm bảo tuân thủ.

Về thời điểm ban hành và có hiệu lực, mặc dù tất cả đều được soạn thảo và ban hành trong thời gian ngắn hơn quy trình thông thường theo Luật Ban hành VBQPPL, nếu so sánh với mốc 14/1/2019 theo yêu cầu CPTPP thì trung bình mỗi văn bản này ban hành chậm 246 ngày. Tuy nhiên, tất cả các văn bản này đều bảo đảm hiệu lực thực thi từ 14/1/2019 theo đúng cam kết CPTPP, bằng nhiều cách thức khác nhau như hồi tố thời điểm hiệu lực, ban hành văn bản hướng dẫn thực thi tạm thời.

Về tính minh bạch, rà soát cho thấy tất cả các văn bản đều được công khai dự thảo để lấy ý kiến của công chúng, nhưng đa số không kèm theo bất kỳ tài liệu giải thích/giải trình nào gây khó khăn nhất định cho việc tìm hiểu và góp ý của các chủ thể liên quan.

Về tính khả thi, mặc dù hầu như tất cả các văn bản đều được thiết kế hợp lý, rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm khả thi trên thực tế, nhưng vẫn gây ra một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai (nhất là liên quan tới các quy định về quy tắc xuất xứ, xác minh xuất xứ, đấu thầu quyền nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng).

Về các hoạt động XDPL chuẩn bị cho việc thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình, các quy định tại cả 04 dự thảo VBQPPL (03 Luật và 01 Nghị định, nhằm thực thi 11 nhóm cam kết CPTPP có lộ trình thực thi từ 2022-2024 về mở cửa thị trường hàng hóa, sở hữu trí tuệ, lao động) đều bảo đảm tương thích với yêu cầu cam kết.

Về các hàm ý chính sách cho hoạt động XDPL thực thi CPTPP trong thời gian tới, từ những bài học kinh nghiệm từ các hoạt động XDPL thực thi CPTPP giai đoạn 2019-2021, VCCI đã đưa ra các khuyến nghị để nâng cao hiệu quả XDPL để tiếp tục thực thi CPTPP cũng như các FTA mới ký kết/có hiệu lực của Việt Nam. Thứ nhất, hoạt động rà soát tính tương thích với cam kết FTA và lập kế hoạch XDPL thực thi cam kết cần đươc thực hiện một cách bao trùm hơn, có tính liên ngành, minh bạch và tham vấn đầy đủ với các đối tượng liên quan. Thứ hai, việc soạn thảo nội dung cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí từ khi văn kiện FTA được ký kết chính thức mà không chờ tới khi phê chuẩn. Thứ ba, cơ quan soạn thảo cần đặc biệt chú trọng hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động trong quá trình dự thảo, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp nên bao gồm không chỉ dự thảo văn bản mà còn các tài liệu thuyết minh và giải trình. Thứ tư, quá trình thực thi cam kết cần được theo dõi thường xuyên, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, và thiết lập các đầu mối tư vấn hướng dẫn cụ thể, xử lý ngay các bất cập cũng như sửa đổi, điều chỉnh quy định khi cần thiết. Cuối cùng, các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA cần được xem xét mở rộng mục tiêu, xây dựng pháp luật không chỉ để tuân thủ cam kết mà còn để đáp ứng chính nhu cầu nội tại của Việt Nam trong quá trình hội nhập FTA.

Trao đổi - Hỏi đáp giữa diễn giả, các chuyên gia và đại biểu tham dự

Tại Hội thảo, Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương và Ông Cao Xuân Phong - Trưởng Ban Nghiên cứu Pháp luật quốc tế - Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, đã chia sẻ những thông tin hữu ích về công tác XDPL thực thi các FTA nói chung và CPTPP nói riêng từ góc độ của các cơ quan Nhà nước và trong định hướng pháp luật của Việt Nam.

Nhiều chính sách của Việt Nam đã mở cửa hơn, vượt lên cả những cam kết thực hiện CPTPP. Việc tăng các tiêu chuẩn trong thực thi pháp luật về môi trường kinh doanh thì việc tiếp nhận các chính sách từ phía doanh nghiệp. Trong định hướng phát triển của VN, tập trung xây dựng nội lực kinh tế trước khi gia nhập với thế giới. Chú trọng nội luật hóa các điều luật quốc tế, tiếp tục ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế để gia nhập thị trường chung, đẩy mạnh công tác kỹ kết các điều ước quốc tế, song phương, đa phương. Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội Việt Nam khóa XV cũng đề ra rất nhiều nội dung thực hiện. Báo cáo tổng hợp của VCCI đã rất cụ thể và chi tiết về hoạt động xây dựng pháp luật của Việt Nam trong thực thi CPTPP. Xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được cải tiến quy trình trên cơ sở nghiên cứu từ các nước tiên tiến. Nội dung các chính sách pháp luật của VN đã được hài hòa hóa với các điều ước quốc tế. Trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ, các chính sách pháp luật phải đạt được trung tính về mặt công nghệ để phù hợp với sự phát triển của công nghệ. Các văn bản ban hành cần phải nghiên cứu chính sách thì phải thực hiện nghiên cứu chính sách phù hợp và kịp thời. Thười gian qua, một số văn bản chính sách điều chỉnh phù hợp với CPTPP ban hành chậm so với yêu cầu là do nguồn lực không đủ cả về nhân lực và kinh phí. Vì vậy việc đầu tư cho xây dựng chính sách pháp luật cần phải được đầu tư thỏa đáng hơn.

Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn chính sách Thương mại quốc tế VCCI đặt ra vấn đề làm sao có thể XDPL vượt lên trên cam kết để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập hiệu quả. Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, vấn đề các chính sách vượt hơn cả các cam kết quốc tế phục vụ cho các lợi ích quốc gia, đan xen với các lợi ích quốc tế. Từ những phạm vi cam kết, Việt Nam đã mở rộng các phạm vi, nâng chuẩn cao hơn và dài hạn hơn. Tuy nhiên, khó khăn trong thực hiện được nêu ra là xây dựng chính sách phải lọa trừ được tiêu cực trong xây dựng chính sách như xây dựng chính sách có những lợi ích cục bộ. Việt thực hiện tiên phong sẽ luôn tiềm ẩn những rủi ro nhưng đều có những cơ sở để bảo vệ cho việc nghiên cứu tiên phong vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và quốc gia.

Tao đổi tại Hội thảo, Bà Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, lại nhấn mạnh các thách thức thể chế và giải pháp để tiếp tục thực thi hiệu quả CPTPP ở Việt Nam trong bối cảnh Anh, Trung Quốc và một số đối tác mới muốn tham gia Hiệp định này. Trong bối cảnh rộng hơn, khi CPTPP có sự tham gia của các thành viên mới. CPTPP đã mang lại những động lực mới cho Việt Nam để vươn lên và hội nhập với thế giới nhất là việc hoàn thiện thể chế xây dựng cơ chế thị trường. CPTPP đã giúp cho doanh nghiệp và Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều nước thành viên tham gia và sắp tham gia CPTPP có năng lực và thể chế kinh tế thị trường cao hơn, vượt trội hơn Việt Nam như Trung Quốc, Anh, Đài Loan. Đặc biệt là việc thực thi các chính sách khôn ngoan, linh hoạt có lợi nhất cho doanh nghiệp và quốc gia của họ. Thách thức lớn nhất của Việt Nam là xây dựng, củng cố năng lực cạnh tranh khi tham gia CPTPP, Việt Nam cần phải tự vươn lên bằng việc xây dựng các thể chế chính sách kinh tế đặc biệt. Các lợi thế hiện nay của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi Trung Quốc tham gia CPTPP ví dụ như làn sóng dịch chuyển sản xuất công nghiệp của các nhà đầu tư sang các nước thứ 3 sẽ bị hạn chế khi Trung Quốc trở thành thành viên CPTPP.

Tại Hội thảo nhiều nội dung, vấn đề về xây dựng pháp luật thực hiện CPTPP được các chuyên gia đề cập đến sẽ là những nội dung để các nhà nghiên cứu tập trung phân tích trong thời gian tới. Hội thảo và Báo cáo nghiên cứu về hoạt động XDPL thực thi CPTPP nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về CPTPP và các FTA của VCCI.

Trong thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin về nội dung cam kết và tình hình thực thi các FTA của Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan trong quá trình thực thi các Hiệp định này nhằm đem lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế của Việt Nam.

PV.

Đăng ngày: 10/11/2021 , 15:36 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác