Thanh Hóa: Đảm bảo ổn định thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Đăng ngày: 18/02/2022 , 23:36 GMT+7
Để đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp cơ quan liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời điểm cuối năm 2021, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, trước Tết Nguyên đán từ ngày 26 Tết âm lịch trở về trước (trước ngày 28/01/2022), tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị đã bày bán đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý, không xảy ra hiện tượng găm hàng, sốt giá, đứt gãy nguồn cung hàng.

Người dân mua sắm hàng hóa dịp Tết. Ảnh minh họa.

Thị trường hàng hóa năm nay phong phú, không xảy ra bất ổn, thiếu hụt và tăng giá đột biến. Tại siêu thị, trung tâm thương mại, Vinmart, Co.opmart, Big C…bày bán nhiều loại hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết.

Gian hàng trang trí bắt mắt, đa phần là bánh kẹo, nước ngọt, bia, thực phẩm... từ thương hiệu Việt nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Cầu Tre, Vissan,… Bên cạnh sự phong phú về hàng hóa, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn thực hiện các chương trình khuyến mại, tặng hàng hóa đi kèm nhằm kích cầu, thu hút người dân mua sắm.

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hệ thống bán lẻ chuẩn bị đầy đủ phương án phòng dịch như để nước sát khuẩn trước cửa, nhắc nhở nhân viên và khách đeo khẩu trang đầy đủ, giữ khoảng cách an toàn. Nhiều siêu thị đẩy mạnh bán hàng online nên doanh số tăng gấp nhiều lần ngày thường.

Dịp giáp Tết Nguyên đán dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng thị trường mua bán hàng hóa vẫn tăng cao, sôi động, an toàn, luôn đảm bảo thông điệp 5k an toàn.

Lực lượng chức năng kiểm tra đảm bảo hàng hóa dịp Tết.

Diễn biến tình hình thị trường trước, trong Tết tương đối ổn định, không có biểu hiện khan hiếm hoặc đầu cơ găm hàng, nâng giá, ép giá. Một số mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm, gia súc gia cầm, thủy hải sản, hoa quả, bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, rượu, bia các loại tăng nhẹ nhưng không có đột biến.

Người dân có xu hướng chuyển sang biếu tặng các mặt hàng trái cây cao cấp nhập ngoại đóng bao sang trọng thay vì bánh kẹo. Mặt hàng cây cảnh, đào, quất, hoa các loại đa dạng, phong phú về chủng loại, đủ đáp ứng nhu cầu chơi Tết của nhân dân; tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COIVD-19 thị trường cây cảnh, hoa cảnh trầm lắng hơn.

Giá cả hàng hóa 3 ngày cuối năm dù tăng nhẹ nhưng vẫn tương đối ổn định.

Cụ thể: Lương thực bình quân chung tăng 3,3% cụ thể: giá gạo nếp từ 30.000-32.000đ/kg (tăng 6,7%); giá gạo tẻ ổn định.

Thực phẩm tươi sống bình quân chung tăng 8,1% (giá giao động từ 3,4% đến 14%) cụ thể: thịt lợn giá từ 110.000-135.000đ/kg (tăng từ 3,8% đến 9,1%); thịt bò giá từ 290.000 - 300.000đ/kg (tăng 3,4%); thịt gà ta (hơi) giá từ 125.000-140.000đ/kg (tăng 12%); ngan (hơi) giá từ 75.000-85.000đ/kg (tăng 13,3%); cá thu giá từ 230.000-250.000đ/kg (tăng 8,7%).

Thực phẩm chế biến bình quân chung tăng 13,1% (giá giao động từ 10,7% đến 28,6%) cụ thể: giá giò nạc từ 140.000-180.000đ/kg (tăng 28,6%); giá giò bò từ 280.000-310.000đ/kg (tăng 10,7%).

Rau xanh, củ quả bình quân chung tăng 11,3% do thời tiết ấm dần lên, nên nguồn cung dồi dào. Nhóm hoa quả bình quân chung tăng 49,2% do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết.

Đồ uống bình quân chung tăng 3%; (giá giao động từ 2% đến 7,1%), cụ thể: giá bia (tăng từ 2,4% đến 4,2%); giá rượu vang (tăng 3,7 đến 7,1%); giá rượu ngoại (tăng từ 2,3% đến 4,8%); giá nước giải khát (tăng từ 2% đến 5,9%).

Bánh, mứt, kẹo giá tăng nhẹ so với ngày thường; do các cơ sở kinh doanh đã chuẩn bị nguồn hàng và điều chỉnh giá phù hợp trước thời điểm giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Nhiên liệu, Vật tư y tế phục vụ trong dịp Tết nguyên đán ổn định.

3 ngày Tết Nguyên đán (mùng 01 - 03 Tết), giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân tương đối ổn định so với trước Tết, giá rau xanh tăng nhẹ. Hoạt động thương mại ở một số chợ nhỏ, chợ tạm tại các huyện, thị xã, thành phố đã diễn ra mua bán hàng hóa từ trưa ngày 1 Tết, chủ yếu các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, cá, rau củ quả… Sáng ngày mùng 02 Tết âm lịch siêu thị BigC và một số các cửa hàng tạp hóa gia đình đã mở cửa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, tuy nhiên nhu cầu mua sắm không cao do người dân đã mua sắm trước Tết.

Sau Tết 100% các siêu thị, cửa hàng đã mở cửa trở lại nên nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, ổn định, giá cả tăng nhẹ.

Hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT nói riêng và các lực lượng chức năng nói chung trước và trong Tết đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức đối với các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng.

Do vậy, nhìn chung giá cả thị trường trước và trong Tết trên địa bàn tỉnh giá tăng nhẹ và nằm trong biên độ chung của thị trường cả nước. Hoạt động cung - cầu hàng hoá trên thị trường diễn ra bình thường, hạn chế được kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng lậu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công tác tuyên truyền với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thông qua cách thức tuyên truyền linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, tâm lý người dân. Bên cạnh đó, việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát, tăng cường cán bộ chỉ đạo cơ sở nên tình trạng đốt pháo, thả “đèn trời” trước, trong Tết, nhất là trong thời điểm giao thừa được kiểm soát, góp phần cho nhân dân đón Tết cổ truyền vui tươi, an toàn, tiết kiệm.  

Sau Tết, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 1917/KH-BCĐ ngày 07/12/2021 của BCĐ 389 tỉnh về tuyên truyền phổ biến pháp luật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Kế hoạch truyền thông của Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa năm 2022.

Phối hợp cơ quan thông tấn báo chí đưa tin kịp thời về diễn biến tình hình thị trường, cung cầu giá cả hàng hóa, kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, một số vụ điển hình về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đưa tin kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng tổ chức cá nhân vi phạm để tạo sức răn đe, giáo dục trên đĩa CD. Chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tham mưu cho 27/27 BCĐ 389 cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Quản lý chợ, hệ thống loa phát thanh  xã, phường, thị trấn và tuyên truyền lưu động bằng xe Ôtô phát nội dung truyền đĩa CD về tác hại và chế tài xử phạt đối với các hành vi liên quan về vận chuyển, buôn bán, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm...

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ, tác động ảnh hưởng đến sức khỏe từ việc sử dụng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm...

Treo băng rôn, khẩu hiệu nội dung: “Không sản xuất, kinh doanh vận chuyển và sử dụng pháo nổ và đồ chơi trẻ em gây kích động bạo lực”; “Toàn dân tích cực tham gia đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.

Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng đã lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích phổ biến pháp luật đến người kinh doanh, người dân để nắm được các quy định của pháp luật khi tham gia kinh doanh, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành chính sách pháp luật góp phần bình ổn giá cả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng.

Để bình ổn thi trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã phân công cán bộ trực đường dây nóng 24/24 giờ tại Văn phòng Cục, 15 Đội QLTT trực thuộc để nắm thông tin phản ánh từ nhân dân về các đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Các tổ công tác thường xuyên xuất hiện tại các địa bàn để tuyên truyền, tiếp nhận thông tin, phản ánh của người tiêu dùng về hành vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý kịp thời, nghiêm túc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua sắm Tết.

Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cử cán bộ tham gia 03 Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNN, Sở Công thương chủ trì kiểm tra trước, trong, sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo của BCĐ 389 tỉnh đến các lực lượng chức năng nhằm đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Tiếp  tục quán triệt nghiêm túc, đầy đủ văn bản chỉ đạo của Ban Bí Thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, Bộ Công thương, Tổng cục QLTT, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, về Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đến toàn lực lượng Quản lý thị trường.

Phối hợp cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng  công tác chống buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1917/KH-BCĐ ngày 07/12/2021 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về tuyên truyền phổ biến pháp luật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Các Đội QLTT quản lý địa bàn có diễn ra các hoạt động Lễ Hội Xuân phối hợp Cơ quan Công an, Cơ quan Văn hóa, Ban quản lý các khu di tích, tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc tuân thủ quy định về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, để ngăn chặn chặn, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng không niêm yết giá, bán hàng, thu tiền các dịch vụ cao hơn giá niêm yết, đặc biệt là việc nâng giá, ép khách để bảo vệ quyền lợi cho khách tham quan, du lịch.

Các Đội QLTT quản lý địa bàn tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc tuân thủ quy định về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, để ngăn chặn chặn, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP, nhất là vật tư y tế, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và phục vụ sản xuất; kiên quyết không để xảy ra hiện tượng không niêm yết giá, bán hàng, thu tiền các dịch vụ cao hơn giá niêm yết, đặc biệt là việc găm hàng, tăng giá khi có những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19./.                                                                                       

Tài Tiến

Đăng ngày: 18/02/2022 , 23:36 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác