Triển vọng phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2021

Đăng ngày: 11/03/2021 , 10:24 GMT+7

Năm 2020 với nhiều biến động do đại dịch Covid đã tác động rất mạnh đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Tuy vậy, đó không hoàn toàn là thách thức mà cũng có những cơ hội nhất định. Năm 2021, với sự hỗ trợ của Chính phủ và việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, công nghiệp hỗ trợ hứa hẹn sẽ mở ra nhiều triển vọng mới.

 

TS. Trương Chí Bình - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký - Hiệp hội CNHT Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Cơ hội và thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu tại VIMEXCO 2020

1. Vấn đề của Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà doanh nghiệp Việt Nam hiện sản xuất có giá trị gia tăng thấp, do chúng ta phải nhập hầu hết đầu vào. Bên cạnh đó, loại linh kiện có giá trị cao thì doanh nghiệp nội địa không được sản xuất, hoặc không đủ năng lực. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ngay cả khi đã đạt về chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá, so với các quốc gia láng giềng, kể cả ngay tại thị trường Việt Nam.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đủ năng lực để có thể tham gia các chuỗi cung ứng còn rất ít, khoảng 300 công ty. Để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và xuất khẩu, linh kiện sản xuất ra cần phải hoàn thiện dưới dạng cụm, như thế cần có nhiều doanh nghiệp đảm nhận các khâu. Việc chia nhỏ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Hiện tại nhiều hạng mục hoàn thiện doanh nghiệp phải gửi ra nước ngoài, rồi gửi về, nên chi phí rất cao. Số lượng doanh nghiệp khởi sự trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ các năm qua rất ít ỏi và không đáp ứng sự thiếu hụt này. Ngay cả với các doanh nghiệp đang phát triển tốt, quy mô trung bình chỉ 200-300 lao động, chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ. Trong khi muốn cung cấp cho các chuỗi toàn cầu thì cần sản lượng lớn, và sản lượng lớn thì giá mới giảm để cạnh tranh được.

2. Triển vọng phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2021

Mặc dù luôn có các khó khăn như vậy, năm 2020, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia phải đóng cửa vì Covid, một số linh kiện đã được các công ty đầu chuỗi chuyển sang Việt Nam và nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của chúng ta đã đáp ứng được sự thay đổi của các chuỗi cung ứng toàn cầu này. Năm 2021 sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội mới, khi mà nhiều tập đoàn đa quốc gia đã quyết định đa dạng hóa nguồn cung, tìm thêm các nhà cung cấp mới, trong đó có Việt Nam, để tránh rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia.

Như vậy, để có thể tận dụng các cơ hội từ hậu Covid, và ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực thời gian qua (như EVFTA, CPTPP),doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần tiếp tục giảm chi phí sản xuất, bằng cách tinh gọn và tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm tối đa tỉ lệ sản phẩm hỏng, chia sẻ hợp tác để hỗ trợ nhau các công đoạn gia công còn thiếu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc việc đầu tư mới, gia tăng quy mô, bổ sung công đoạn thiếu, tiêu chuẩn hóa quy trình và chất lượng, vì đây là cơ hội mang tính thời cơ đối với công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam.

3. Kỳ vọng hành động kịp thời của Chính phủ

Gian hàng trưng bày Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp Việt Nam tại Hội chợ triển lãm quốc tế VIMEXCO 2020

Theo kinh nghiệm của các quốc gia Đông Á đã công nghiệp hóa thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các quốc gia Đông Nam Á đã phát triển thành công công nghiệp hỗ trợ như Thái Lan, Malaysia, vai trò của chính phủ trong phát triển công nghiệp hỗ trợ là đặc biệt quan trọng. Vì công nghiệp hỗ trợ không phải là ngành có biên lợi nhuận cao, lại đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao và đầu tư lớn, chậm thu hồi vốn.

Để khai thác hiệu quả các triển vọng của năm 2021, Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, nên xây dựng chương trình để đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng hậu Covid, cũng như khai thác triệt để các lợi thế của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chính phủ cũng nên hỗ trợ thay đổi quy mô doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ thành lập các liên doanh gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ, để có doanh nghiệp quy mô lớn hơn, đáp ứng các yêu cầu của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương và Cục phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với chức năng quản lý nhà nước của mình, cần phối hợp xây dựng Chương trình hỗ trợ khởi sự trong Công nghiệp hỗ trợ và Công nghiệp chế tạo, để gia tăng số lượng doanh nghiệp có chất lượng, đặc biệt các lĩnh vực còn thiếu hiện phải thuê gia công. Chính phủ cũng cần có chính sách xây dựng các Khu công nghiệp chuyên công nghiệp hỗ trợ, ở những vị trí tốt gần các công ty đầu chuỗi. Các địa phương là trung tâm phát triển công nghiệp hiện nay hiện có giá thuê đất rất cao, nên doanh nghiệp mới khởi sự khó có thể tiếp cận được. Các Khu công nghiệp này cần có mặt bằng xây sẵn, đáp ứng đầy đủ các điều kiện hạ tầng để sản xuất công nghiệp hỗ trợ, để các doanh nghiệp mới thành lập được thuê với giá rẻ và có thể bắt tay sản xuất được ngay. Có thể giao đất cho các Hiệp hội đứng ra kêu gọi đầu tư. Đây cũng là kinh nghiệm mà các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia đã thực hiện rất thành công và vẫn đang tiếp tục thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Trong dài hạn, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đời sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu về các loại sản phẩm tiêu dùng của công nghiệp chế tạo ở quốc gia đang phát triển với dân số đông như Việt Nam ngày càng tăng cao. Trong thời gian đến năm 2030, Việt Nam nên tập trung đến nhu cầu này của thị trường nội địa. Như vậy, Chính phủ cần khẳng định lại, ngành công nghiệp chế tạo nào ở Việt Nam sẽ phải huy động mọi nguồn lực để phát triển, nhằm tạo ra dung lượng thị trường lớn, chẳng hạn như công nghiệp ô tô, điện tử tiêu dùng. Với việc xác định ưu tiên và có các chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chế tạo này mới có tiền đề để phát triển một cách bền vững. Các cơ quan quản lý nhà nước ở các bộ ngành, trung ương và địa phương, cũng cần tiếp tục giảm thủ tục hành chính, cắt bỏ chi phí không chính thức, thay đổi thái độ của đội ngũ công chức đối với doanh nghiệp: chuyển triệt để từ kiểm tra, giám sát sang hỗ trợ, đồng hành.

Như vậy để công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả tác động hậu Covid, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, chính phủ cần có sự đồng hành cụ thể và hiệu quả. Có như vậy, bên cạnh sự nỗ lực không mệt mỏi của mỗi doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ các năm qua, Việt Nam mới có đủ nguồn lực để khai thác các triển vọng mà năm 2021 hứa hẹn sẽ mang tới cho công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo Việt Nam./.


TS. Trương Chí Bình 
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký - Hiệp hội CNHT Việt Nam

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại - Số 01/2021

 

Đăng ngày: 11/03/2021 , 10:24 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác