Đạo đức báo chí trong môi trường số: Thách thức và thích nghi của Việt Nam

Đăng ngày: 27/06/2021 , 10:10 GMT+7

Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông – Chủ trì Tiểu ban Thông tin phối hợp với Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức“Hội thảo về Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số: thách thức và thích nghi của Việt Nam”, diễn ra trong 2 ngày từ 24 đến 25/6/2021 tại Hà Nội dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Quang cảnh phòng hội thảo

Mục tiêu chính của Hội thảo nhằm nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức cho các nhà báo, các nhà quản lý, những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí của Việt Nam để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số, đưa ra báo cáo khuyến nghị về việc xây dựng và ban hành các nguyên tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam cũng như xây dựng mạng lưới và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đạo đức báo chí trên môi trường số hướng tới mục tiêu chung của UNESCO về bảo vệ và xây dựng năng lực cho các nhà báo. Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả trong nước và quốc tế với những chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên UNESCO trong việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc đạo đức báo chí để thích ứng trong môi trường số. Hơn ai hết, những nhà báo, những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí phải là những người gương mẫu đi đầu trong thực hiện các quy tắc đạo đức.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, trong đó các chuyên gia và nhà báo sẽ cùng nhau tập trung thảo luận và làm rõ các vấn đề như: Khái niệm đạo đức báo chí và hệ quả; Kỷ nguyên số, truyền thông đa phương tiện mới và sai phạm thường gặp khi đưa tin trên mạng; Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số tại châu Âu và một số nước thành viên UNESCO; Thực tiễn triển khai các quy định liên quan đến đạo đức báo chí trong môi trường số tại Việt Nam.

Thực hiện các “Quy tắc đạo đức báo chí” vì lợi ích chung của cộng đồng

Các diễn giả tham gia Hội thảo sang ngày 24/6/2021

Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến hiện nay, Việt Nam, các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên môi trường số, đặc biệt là thời gian gần đây vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch… trên mạng internet ngày càng trở nên nghiêm trọng. Không chỉ là những công dân “nhấn nút chia sẻ” một cách vô thức mà ngay cả các nhà báo/chuyên gia truyền thông cũng chia sẻ thông tin hoặc viết/đăng một bài báo dựa trên thông tin chưa được xác minh, chưa được biên tập.

Đây là nội dung được các chuyên gia, các đại biểu tham dự đưa ra thảo luận tại “Hội thảo về Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số: thách thức và thích nghi của Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức.

Bà Sasion Kamon, cho rằng báo chí là một hoạt động tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, truyền tải những thông tin đã được kiểm chứng vì lợi ích cộng đồng. Vì vậy, nguyên tắc cốt lõi của báo chí là đảm bảo tính chính xác, sự độc lập, công bằng, bảo mật, tính nhân đạo, trách nhiệm xã hội và sự minh bạch. Những tiêu chuẩn nhằm tránh cho người ta lạm dụng để gây nguy hại cho khách hàng hay chính uy tín của toà soạn đó. Nghề nghiệp báo chí là việc trình bày các thông tin cho công chúng được biết. Vấn đề đặt ra là thông tin từ những câu chuyện đáng để kể ra. Như vậy, nhà báo là người phải xác định, lựa chọn những câu chuyện nào thì xứng đáng được kể ra và phải kể trung thực cho công chúng về những câu chuyện đó. Mục tiêu của báo chí là cung cấp nhưng thông tin mà công chúng cần có và mong muốn có được. Vì thế, nhiệm vụ của nhà báo là cần phải trung thực với câu chuyện cần kể, đảm bảo hấp dẫn để công chúng muốn đọc. Như vậy, nhà báo cần phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định.

Trong môi trường số, bất kỳ ai có kỹ năng viết, hoàn toàn có thể viết tin, làm tin đưa tin trên môi trường số và có thể thực hiện chức năng như một nhà báo. Chuyên gia Sasion Kamon cho rằng sự phát triển của môi trường số đã thay đổi hoàn toàn cách sản xuất và truyền đạt thông tin, từ đó khái niệm “nhà báo” và “báo chí” cũng được mở rộng. Như vậy, định nghĩa về báo chí đã được mở rộng. Báo chí là một hoạt động được hướng dẫn bởi các tiêu chuẩn đạo đức của những nguồn thông tin được kiểm chứng và được chia sẻ vì lợi ích của công chúng. Điều quan trọng ở đây không phải với tư cách chính thống của một nhà báo, ai cũng có thể là một nhà báo nếu họ thực hiện hoạt động này. Trước sự thay đổi đó, các tiêu chuẩn đạo đức báo chí cũng cần cải tiến để phù hợp với xu thế phát triển của môi trường số.

Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến hiện nay, Việt Nam và các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên môi trường số, đặc biệt là thời gian gần đây vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch… trên mạng internet ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Trên thực tế, không chỉ những công dân “nhấn nút chia sẻ” một cách vô thức mà ngay cả các nhà báo, chuyên gia truyền thông cũng chia sẻ hoặc đăng một bài báo dựa trên thông tin chưa được xác minh, chưa được biên tập. Chuyên gia Sasion Kamon cũng đưa ra một ví dụ minh hoạ: một nhà báo tốt khi đưa ra một thông tin về loại sản phẩm gây hại đối với sức khoẻ của cộng đồng của doanh nghiệp đưa ra thị trường, nếu không có sự điều tra chính xác, không xác thực thì sẽ bị kiện ngược cho dù thông tin đó đưa ra là vì lợi ích chung của cộng đồng.

Như vậy, với định nghĩa mở rộng về báo chí, Bà Sasion cũng nhận định rõ vai trò của đạo đức BC và đưa ra 7 nguyên tắc đạo đức báo chí trong môi trường truyền thông, môi trường báo chí bao gồm: chính xác, độc lập, công bằng, bảo mật, nhân văn, trách nhiệm và minh bạch. Bà nhấn mạnh, với những nguyên tắc này trong môi trường số thì cần phải làm gì và những vấn đề liên quan đó là hậu quả khi mà chúng ta vi phạm đạo đức báo chí. Các vấn đề như vi phạm bản quyền, làm mất lòngtin của công chúng, dẫn đến hậu quả mất khả năng kinh doanh, để lại những hậu quả rất lớn và nêu ra vấn đề chúng ta cần phải xây dựng một hệ sinh thái báo chí để phát triển hơn.

Bà Lucila Carrasco, chuyên gia Thông tin và Truyền thông của UNESCO Việt Nam (Ảnh chụp màn hình)

Nhìn nhận về môi trường báo chí tại Việt Nam, bà Lucila Carrasco khẳng định sự phát triển của kỷ nguyên số và truyền thông đa phương tiện kéo theo nhiều sai phạm trên mạng. Bà đưa ra hai mảng, chuỗi hành động của UNESCO. Thứ nhất là khích lệ tự do ngôn luận, sự an toàn của nhà báo, sự đa dạng và tham gia của truyền thông và báo chí. Thứ 2, xây dựng xã hội tri thức thông qua công nghệ thông tin. Bà phân biệt các loại tin giả và nêu lên tầm quan trọng của thông tin báo chí. Bà đưa ra các hành động của UNESCO trong việc chống tin giả với những chiến dịch cụ thể. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp. Bà cho rằng, đây là vấn đề quan trọng và được mổ xẻ rất nhiều và đã có những hướng đi cụ thể và các hành động thích hợp đối với từng cấp độ ở khu vực, quốc gia và thế giới. UNESCO luôn sẵn sàng tư vấn cho các nước thành viên với mục đích tất cả mọi người đều có quyền thể hiện quan điểm của mình, có quyền tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ thông tin.

Ông Mogens Blicher Bjerregård, Chủ tịch của Liên đoàn nhà báo của Liên minh châu Âu

Diễn giả Mogens Blicher Bjerregård, đến từ Đan Mạch, ông là Chủ tịch của Liên đoàn nhà báo của Liên minh châu Âu. Trong bài tham luận của mình, ông bàn rất nhiều đến đạo đức báo chí, cơ chế tự kiểm soát của đạo đức báo chí. Ông cho rằng tự do báo chí là thước đo của báo chí chuyên nghiệp. Báo chí phải có trách nhiệm trong việc đưa thông tin và phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng thông tin khi đưa thông tin đến công chúng. Ông cũng đưa ra các tiêu chuẩn về đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số và đưa ra những thách thức trong tình hình mới. Cụ thể, những thác thức có thấy như tin tức trong thời đại này phải nhanh hơn, báo chí công dân thì sẵn sàng tham gia vào môi trường truyền thông số, mạng xã hội đôi khi giữ vài trò dẫn dắt công chúng và định hướng thông tin. Trẻ em đang ngày càng có nhiều hoạt động trong môi trường không gian mạng hơn dẫn đến nhiều vấn đề hệ luỵ. Những nguồn tin trên mạng xã hội khó xác định và chúng ta ngày càng khó bảo vệ được các nguồn tin. Ông cũng đưa ra 3 cơ chế tự kiểm soát bao gồm tự kiểm soát của báo chí, cùng kiểm soát và nhà nước kiểm soát. Ông cũng đưa ra các nguyên tắc cơ bản của một hiệp hội báo chí đó là độc lập, đại diện, minh bạch, tin cậy và đặt câu hỏi “Liệu có nên thành lập một hội đồng của mạng xã hội không?”. Ông đưa ra một số mô hình hoạt động của Hội đồng báo chí như của Na Uy, Đan Mạch. Vấn đề thành ập hội đồng của mạng xã hội thì đang còn có nhiều tranh cãi ở trên thế giới.

Theo bà Phạm Thị Phương Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, với các bài học được chia sẻ cũng như những kinh nghiệm quý từ các chuyên gia nước ngoài đã góp phần nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức cho các nhà báo, các nhà quản lý, những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí của Việt Nam để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số.

Những thách thức của báo chí trong kỷ nguyên số

Trong phiên thảo luận ngày 25/6, các chuyên gia sẽ đưa ra báo cáo khuyến nghị về việc xây dựng và ban hành các nguyên tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam. Từ kinh nghiệm của các nước khác, các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ cách thức xây dựng mạng lưới và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đạo đức báo chí trên môi trường số hướng tới mục tiêu chung của UNESCO về bảo vệ và xây dựng năng lực cho các nhà báo.

Cùng với sự phát triển của truyền thông hiện đại, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với các thách thức trên môi trường số, đặc biệt là thời gian gần đây vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch… trên mạng Internet ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng không gian mạng rộng mở khiến cho ai cũng có thể đưa tin, phản ánh, bình luận, từ đó xuất hiện khái niệm “nhà báo công dân.” Báo chí truyền thống có thêm nhiệm vụ chống lại tin giả trong khi vẫn phải nỗ lực thay đổi hình thức truyền tải thông tin. Môi trường số đang tác động mạnh mẽ đến tất cả mọi người.

“Chúng ta phải biết được những điểm mạnh, điểm yếu của môi trường số để khai thác hợp lý. Mỗi nhà báo nên nắm rõ 10 quy tắc đạo đức của người làm báo và quy tắc ứng xử trên không gian mạng để áp dụng một cách phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam,” ông Lâm chia sẻ.

Những năm gần đây, mặt trái của môi trường mạng đã tác động đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, trở thành vấn đề nhức nhối, báo động. Hơn lúc nào hết, các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cần được những người làm báo tuân thủ nghiêm ngặt.

Bà Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh chụp màn hình)

Bà Nguyễn Thị Trường Giang chỉ ra nhiều loại vi phạm như: Thông tin sai sự thật, thiếu khách quan, giật gân, câu khách; bỏ qua các nguyên tắc hành nghề, không kiểm chứng độ tin cậy, chính xác của nguồn tin; phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội; “nhà báo salon,” xa rời thực tiễn, ngại đi cơ sở, chỉ lấy thông tin trên mạng xã hội để viết bài ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập báo VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam, cho hay bản thân báo chí cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong thời đại kỹ thuật số. Ông lấy ví dụ: “Khi có một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, người dân với những chiếc điện thoại thông minh trong tay ngay lập tức có thể ghi lại những hình ảnh đó và phát tán trên mạng”. Trong khi tin tức báo chí trước khi đưa lên đều phải kiểm chứng, biên tập, còn các mạng xã hội thì không. Những nền tảng này nhân danh tự do ngôn luận để lan tràn nhiều thông tin xấu độc.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập báo VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam (Ảnh chụp màn hình)

Từ đó, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật đặt ra những vấn đề nan giải của truyền thông hiện đại như: Các mô hình mới (Google, Facebook...) bỏ qua trách nhiệm của nhà xuất bản tin tức, hành lang pháp lý hiện tại chưa đủ để giải quyết những vấn đề mới phát sinh, làm thế nào để xây dựng những thang giá trị mới trong văn hóa và truyền thông…

 

Những thách thức lớn nhất

Bên cạnh đó, báo chí chính thống cũng phải đối mặt với áp lực thu hút độc giả. Ông cho hay trong danh sách 20 trang web có lượng truy cập nhiều nhất tại Việt Nam hoàn toàn vắng bóng những cơ quan ngôn luận của Nhà nước như Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… chỉ có vài tờ báo điện tử lọt vào danh sách này, trong khi đó lại có những trang web có nội dung xấu, độc cũng xuất hiện trong Top 20.

Ở khía cạnh kinh tế báo chí, Báo VietnamPlus là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện thu phí sản phẩm chất lượng cao. Đó là xu hướng đang được Nhà nước ủng hộ nhưng lại gặp phải khó khăn ở vấn đề bản quyền. “Bản quyền tác phẩm báo chí có được bảo vệ thì mới có thể nghĩ đến chuyện thu phí. Thực tế sự vi phạm bản quyền vẫn đang diễn ra tràn lan. Khi một nội dung vừa được đưa lên thì đã có nhiều trang khác lấy lại. Do đó, độc giả sẽ không bỏ tiền đọc báo nữa,” ông Nhật cho biết.

Trước những thách thức như vậy, ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng trong kỷ nguyên số, hoạt động báo chí cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để thích ứng hơn nữa. Ông khẳng định bối cảnh mới với nhiều vấn đề nảy sinh đòi hỏi báo chí tiếp tục nêu cao chức năng định hướng dư luận xã hội, trở thành luồng thông tin chính thống, lành mạnh, là dòng chủ lưu trong môi trường truyền thông rất đa dạng và phức tạp hiện nay. “Cách thức làm nghề, phương thức làm nghề không ngừng đổi mới nhưng đạo đức làm nghề, lý tưởng làm nghề thì không thể khác. Đó là vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì những giá trị tốt đẹp, bằng tinh thần trách nhiệm, tính chuẩn mực và đạo đức làm nghề của người làm báo,” nhà báo Phan Hữu Minh nói.

Ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ thêm về vai trò của các nhà báo khi tham gia các trang mạng xã hội, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng nhiều nhà báo tham gia mạng xã hội như một nhu cầu. Họ tìm cảm hứng, nguồn tin, chất liệu cho bài viết của mình và mục đích này là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động trên mạng xã hội, họ đôi khi quên mất là mình đang là nhà báo, cần phải có cách quan sát, phát ngôn đúng chuẩn mực của nhà báo. Ông đưa ra lời khuyên rằng người làm báo đôi khi để cho cảm xúc và cái tôi cá nhân lấn át quy tắc đạo đức báo chí khi tương tác trên môi trường số. Ông nói: “Nhà báo cũng có lúc cảm thấy bị tổn thương, cũng ‘xù lông’ lên để bảo vệ quan điểm cá nhân của mình dù chưa biết điều đó đúng hay sai. Họ có những lúc bấm ‘like’ hơi vội, có những chia sẻ khi chưa kiểm chứng”. Ông cho rằng nhà báo phải biết kiểm soát cảm xúc của mình, đừng quên rằng xã hội, bao gồm bạn bè, đối tác, người quen hay những nhân vật mình từng phỏng vấn vẫn đang nhìn nhận mình dưới danh nghĩa một nhà báo.

Ông Nguyễn Thanh Lâm lấy dẫn chứng từ vụ việc một cá nhân livestream trên mạng xã hội gần đây, thu hút hàng triệu lượt người xem. Khi một cá nhân có những phát ngôn chưa rõ đúng sai như vậy, các nhà báo có thể nhìn nhận sự việc này như một hiện tượng truyền thông đáng chú ý. Tuy nhiên, nhiều người lại quay ra so sánh với báo chí truyền thống. Cụ thể, họ cho rằng truyền thông là phải như thế, báo chí hiện nay đang nói những điều người dân không quan tâm, không hấp dẫn dư luận và ông cho rằng đó là nhận định không thỏa đáng.

Ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, khi được hỏi cũng đồng tình với quan điểm này. Ông khẳng định báo chí chính thống không thể nhanh bằng mạng xã hội nhưng mạng xã hội không thể đưa ra nhưng thông tin chính xác, nhân văn, khách quan như báo chí vì vậy, các cơ quan báo chí không cần đua tranh, chỉ cần đầu tư vào sản phẩm để nâng cao chất lượng, giữ vững vị thế của mình.

Chia sẻ thêm về vấn đề đạo đức báo chí, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng hiện nay có hai công cụ để đảm bảo môi trường báo chí lành mạnh là pháp luật và bộ quy tắc ứng xử. Ông nhấn mạnh rằng nếu chỉ quản lý xã hội bằng luật pháp mà không có quy tắc đạo đức để mọi người cùng thực hiện thì đó không phải một xã hội văn minh toàn diện. Nếu chỉ chiếu theo luật thì xã hội sẽ không có sự tiến bộ tự thân mà chỉ là sự đối phó khi người ta sợ bị trừng phạt. Bên cạnh việc ban hành luật, chúng ta vẫn cần những tiêu chuẩn đạo đức để cùng thực hiện, qua đó chúng ta nhận ra rằng đó là trách nhiệm với xã hội, là sự tôn trọng lẫn nhau. Ông cũng cho rằng không cần phải nâng cao quan điểm, “lên gân” khi nói về vấn đề đạo đức. Nhà báo cũng là người bình thường, vì vậy, trước khi thực hiện đạo đức báo chí thì hãy thực hiện quy tắc công dân bình thường. Cuối cùng, ông kết luận, các nhà báo hãy biết kiểm soát cảm xúc, đôi khi chỉ cần đơn giản là giữ im lặng, tạo sự quan sát độc lập, bình tĩnh nhìn nhận vấn đề.

Thay cho lời kết, Bà Nguyễn Thị Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: Trong kỷ nguyên số, từ khi mạng xã hội ra đời, trong bối cảnh mới, quá trình thông tin được minh bạch hơn và đã trao cơ hội để mọi người dân, mọi công chúng có quyền tiếp cận và có quyền xuất bản các thông tin, quan điểm, ý kiến của mình đến đông đảo công chúng. Tuy nhiên mạng xã hội không phải là báo chí. Khái niệm “nhà báo công dân”, “báo chí công dân” được sử dụng xuất phát từ phương Tây nhưng ở Việt Nam, báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân. Vỉ thế, báo chí của chúng ta không có báo chí chính thống hay báo chí không chính thống và chỉ có khái niệm báo chí và mạng xã hội. Hện nay, theo luật báo chí của Việt Nam, thì báo chí Việt Nam có 4 loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Vì thế, cụm từ “báo chí chính thống” được sử dụng với mục đích phân biệt rõ hơn báo chí với mạng xã hội. Với Việt Nam tất cả các cơ quan báo chí được cấp phép bởi cơ quan quản lý báo chí theo quy định pháp luật Việt Nam thì đều chính thống.

Hiện nay, trong kỷ nguyên số, hoạt động báo chí có nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức đặt ra, đặc biệt là những vấn đề cấp bách như nâng cao trình độ cả về kỹ năng, nhận thức và nghiệp vụ, trong đó có yêu cầu nâng cao về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Từ bối cảnh mới với những vấn đề mới nảy sinh, đòi hỏi báo chí phải tiếp tục nâng cao chức năng về định hướng dư luận xã hội và phải trở thành luồng thông tin chính thống, chủ lưu trong môi trường truyền thông số rất đa dạng và phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, cách thức làm nghề, phương thức làm nghề không ngừng thay đổi cần được bổ sung, thay mới để cập nhật và tiếp cận với thời đại nhưng đạo đức là nghề, lý tưởng làm nghề thì không thể khác. Đó là đặt lợi ích của công chúng, lợi của nhân dân, lợi ích của đất nước vì những giá trị tốt đẹp, tinh thần trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức cao quý của người làm báo luôn là những giá trị không thay đổi, luôn hướng tới.

Vũ Trìu

Đăng ngày: 27/06/2021 , 10:10 GMT+7

Tin liên quan