Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 27

Đăng ngày: 10/10/2021 , 20:42 GMT+7

Ngày 09/10/2021, Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 27 với chủ đề “Giải pháp ứng phó của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đối với đại dịch COVID-19 và cơ hội để xây dựng một tương lai bền vững” diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhỏ Niu Di-lân Hon Stuart Nash. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhỏ Niu Di-lân Hon Stuart Nash chủ trì Hội nghị trực tuyến. Ảnh: MPI

Số hóa là động lực phục hồi hiệu quả trước những cú sốc của nền kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cảm ơn và đánh giá cao Niu Di-lân trong việc nỗ lực tổ chức thành công Hội nghị khi thế giới vẫn đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19.

Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cả tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen và lối sống con người, khiến các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích nghi trong bối cảnh mới.

Chuyển đổi số (CĐS) là một xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng cho các DNNVV trên toàn thế giới nhằm khôi phục, nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới. Chuyển đổi số hiệu quả giúp các doanh nghiệp thu thập dữ liệu; khai thác và quản lý tài nguyên tốt hơn; cải thiện trải nghiệm khách hàng; mang tới sự linh hoạt; thích ứng và nâng cao hiệu quả, năng suất, lợi nhuận.

Việt Nam rất ủng hộ chủ đề “Số hóa là động lực phục hồi hiệu quả trước những cú sốc của nền kinh tế” và luôn chú trọng nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp cũng như tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Từ tháng 01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và triển khai “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” nhằm thay đổi nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quy trình sản xuất; hỗ trợ CĐS toàn diện để tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ và mô hình mới cho các doanh nghiệp. Chương trình hướng tới mục tiêu: 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về CĐS; Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về CĐS; Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình CĐS điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Chương trình đã phối hợp với nhiều đối tác trong nước và quốc tế để triển khai thực hiện với hơn 10.000 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 4.500 doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về CĐS, 350 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu để giải quyết các vấn đề cụ thể về CĐS.

Thứ trưởng gửi lời cảm ơn đến các nền kinh tế APEC, đặc biệt là Xinh-ga-po (ESG),Hoa Kỳ (USAID) vì sự hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc hỗ trợ các DNNVV tham gia vào quá trình CĐS. Hội nghị cũng là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm, các phương pháp hay nhất từ những chuyên gia có chuyên môn cao. Đồng thời hi vọng, Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác, chia sẻ nhiều hơn nữa trong khuôn khổ APEC để cùng nhau hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát triển bao trùm và thịnh vượng

Việt Nam đã thành công trong việc xóa đói giảm nghèo và cải thiện mức sống kể từ giữa những năm 1980 khi đất nước bắt đầu cải cách kinh tế trong thời kỳ Đổi mới. Để duy trì sự phát triển bao trùm, Việt Nam cần tạo ra các cơ hội mới về thu nhập, trả mức lương cao hơn cho những người có thu nhập thấp; đồng thời cung cấp hàng hóa và dịch vụ phù hợp với giá cả phải chăng hơn.

Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN lần thứ tư) với những thách thức về biến đổi khí hậu, cùng với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, đã làm thay đổi phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp. Các mô hình kinh doanh bao trùm (Inclusive Business -IB), hướng tới người thu nhập thấp sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn diện thông qua thúc đẩy đầu tư vào các mô hình kinh doanh sáng tạo, thương mại mới và các mô hình đang phát triển nhằm cung cấp hàng hóa và dịch vụ phù hợp, giá cả tốt hơn cho người thu nhập thấp ở quy mô lớn; hoặc các cơ hội sinh kế được cải thiện cho những người khó khăn. Mô hình IB sẽ mang lại lợi ích cho 03 đối tượng: chính các doanh nghiệp, người nghèo và cho toàn xã hội; đồng thời và còn giúp tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Vì vậy, mô hình IB không chỉ đóng góp đáng kể vào việc xóa đói, giảm nghèo mà còn thu hẹp khoảng cách giới trong xã hội.

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Việt Nam ủng hộ Chương trình nghị sự: Thúc đẩy mô hình IB để hòa nhập và phát triển thịnh vượng trong kế hoạch hỗ trợ các DNNVV và cho biết, Việt Nam đã lồng ghép chủ đề này vào việc tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững.

Một chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (DNNVV) kinh doanh bao trùm và bền vững tại Việt Nam đang được xây dựng và dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới. Chương trình hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bao trùm và bền vững của các doanh nghiệp khu vực tư nhân, đặc biệt là các DNNVV; đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả nền kinh tế với trách nhiệm xã hội, đồng thời bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Chương trình cũng nhằm huy động các nguồn lực xã hội để từng bước phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và hòa nhập, góp phần tích cực để tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người có thu nhập thấp và yếu thế, các DNNVV do phụ nữ làm chủ, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Để thực hiện các mục tiêu này, Chương trình sẽ triển khai các hoạt động chủ yếu sau: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mô hình kinh doanh bền vững; Xây dựng cơ sở dữ liệu để chia sẻ thông tin về các doanh nghiệp bền vững; Xây dựng các công cụ đo lường, đánh giá và xác định các doanh nghiệp bền vững; Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân triển khai mô hình kinh doanh bền vững; Thúc đẩy phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp bền vững.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nhân nữ, tập trung vào 3 vấn đề: thúc đẩy môi trường chính sách thuận lợi; đẩy các các dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV do phụ nữ làm chủ; tăng cường xây dựng năng lực cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ và các bên liên quan. Một chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV do phụ nữ làm chủ trong 5 năm (2021-2025) sẽ được xây dựng vào cuối năm 2021. Bên cạnh đó, trang thông tin hỗ trợ nữ doanh nhân cũng đang được thiết kế và sẽ nằm trong Cổng thông tin doanh nghiệp Quốc gia. Mục tiêu của trang thông tin nhằm tạo nền tảng on-line kết nối vàcung cấp thông tin về chính sách, các chương trình hỗ trợ, các nguồn E-learning cũng như các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến, bao gồm hỗ trợ tâm lý xã hội cho các doanh nhân nữ.

Việt Nam đề nghị Ban thư ký APEC khuyến khích các nền kinh tế thành viên xây dựng thêm các sáng kiến và năng lực chính sách nhằm thúc đẩy kinh doanh bao trùm và bền vững, hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ thông qua việc xây dựng và chia sẻ các thông tin hữu dụng nhất về tăng trưởng bao trùm./.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đăng ngày: 10/10/2021 , 20:42 GMT+7

Tin liên quan