Ngành Công Thương Bắc Giang: Vượt qua thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế

Đăng ngày: 11/06/2024 , 06:23 GMT+7

Nhờ sự chủ động, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành và được sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế của tỉnh Bắc Giang những tháng đầu năm đạt kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2024 ước đạt 14,18%, con số này vượt kịch bản dự tính (kịch bản dự tính quý I/2024 là 11,79%),cho thấy kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Các ngành sản xuất đều có tăng trưởng, trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 18,0%, dịch vụ tăng 6,32%.

 Góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của Bắc Giang dẫn đầu cả nước

Năm 1023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang đạt 13,4%. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng trưởng 20,2% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt hơn 541,16 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với năm 2022. Thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt 56,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Những kết quả này đã góp phần quan trong đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế Bắc Giang vươn lên dẫn đầu cả nước.

Bước sang năm 2024, trước diễn biến về kinh tế, chính trị trong nước và thế  giới, song sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn Bắc Giang vẫn duy tri ổn định và có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm ước đạt 266.878 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 19,05 tủ USD, gấp 1,2 lần so với cùng kỳ, đạt 31,7% so với kế hoạch năm.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024

Đạt được thành quả trên, ngành Công Thương Bắc Giang  tập trung tham mưu rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, quy hoạch, kế hoạch thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành; hướng dẫn các đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp tăng cường đầu tư hạ tầng; đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp; theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư cụm công nghiệp triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư; Bám sát chủ đầu tư, chính quyền các địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Bắc Giang đã thành lập 09 KCN với tổng diện tích quy hoạch 2.238,71ha. Trong đó, 03 KCN đạt tỷ lệ lấp đầy 100% (Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung); 03 KCN đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90% (Quang Châu 93,5%, Hòa Phú 95,3% và Việt Hàn GĐ1 đạt 95%); KCN Tân Hưng đạt 83%, KCN Yên Lư đạt 8,96%; 02 KCN mới được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trong tháng 02/2024 (KCN Phúc Sơn, diện tích 123,94ha và KCN Việt Hàn mở rộng, diện tích 147,31ha) và 01 KCN vẫn đang trong quá trình thực hiện GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật (KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1).Tổng số các dự án đầu tư trong các KCN đến nay là 504 dự án còn hiệu lực, trong đó có 389 dự án FDI và 115 dự án DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 10,466 tỷ USD và 21.196 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt khoảng 7,8 tỷ USD và khoảng 11.912 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 191.000 lao động.

CCN cũng tang nhanh, Bắc Giang đã thành lập 55 CCN với tổng diện tích 2.329 ha, diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch chi tiết là 1.485 ha. Hiện 35/55 CCN được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với diện tích 1.245ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê 604 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN trên địa bàn tỉnh 40,6%; đã thu hút được 271 dự án, với vốn đăng ký đạt 33.324 tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 9.834 tỷ đồng, bằng 29,5% vốn đăng ký; đã có 226 dự án đi vào sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho gần 45.000 lao động.

Bắc Giang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại

Giai đoạn 2021-2030 tỉnh Bắc Giang quy hoạch thêm mới 24 CCN với tổng diện tích 1.361ha, mở rộng thêm 03 CCN với diện tích tăng thêm 91,54ha; đưa ra khỏi quy hoạch 03 CCN với diện tích 36,2ha; sáp nhập 03 CCN vào KCN với diện tích 148ha; theo đó, đến năm 2030 tỉnh sẽ có 63 CCN với tổng diện tích 3.006ha.

Công tác khuyến công được quan tâm, đẩy mạnh

Hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại được tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm. Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang năm 2024 trong đó đẩy mạnh các sản phẩm chủ lực.

Để triển khai thực hiện hiệu quả, ngành Công Thương Bắc Giang xây dựng kế hoạch nhằm quảng bá, giới thiệu thành tựu và tiềm năng phát triển của tỉnh; thu hút đối tác, doanh nghiệp hợp tác, đầu tư tại Bắc Giang.  Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối, xây dựng niềm tin vào sản phẩm nội địa của người tiêu dùng. Đồng thời, xúc tiến tiêu thụ vải thiều gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, quảng bá địa phương; tăng cường trao đổi, hợp tác thúc đẩy thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch; thực hiện chiến lược dài hạn trong tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Bắc Giang tham dự các hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm… Tiếp tục tập trung thực hiện, phấn đầu hoàn thành 100% kế hoạch thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2024. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; chú trọng hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích và kỹ năng xúc tiến thương mại trong sản xuất kinh doanh. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi xuất khẩu xanh, huy động nguồn lực vì thương mại xanh…

 Được biết, năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư cho khuyến công là 3,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Bắc Giang tập trung hỗ trợ các nội dung trọng tâm, trọng điểm như chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm OCOP, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ đã đưa công nghiệp nông thôn của tỉnh khởi sắc và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Cán bộ ngành Công Thương Bắc Giang kiểm tra thiết bị được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Sông Hồng

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp thông qua nguồn vốn đầu tư cho khuyến công đã phần nào khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động ổn đinh, mở rộng quy mô sản xuất, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Sông Hồng với ngành nghề chính là sản xuất, gia công thiết bị cơ khí chính xác. Từ quy mô hoạt động năm 2018 trên diện tích 100m2 với số vốn ban đầu 300 triệu cùng 02 lao động, đến nay, Công ty đã mạnh dạn đầu tư gần 100 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, di chuyển toàn bộ nhà xưởng, máy móc nằm sát khu dân cư để vào khu công nghiệp Việt - Hàn thuê hơn 6000m2 đất. Công ty hiện tạo việc làm cho hơn 45 lao động với thu nhập 10 - 15 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến khi công ty đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Việt - Hàn sẽ nâng số lao động lên 80- 100 người.  

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Cùng với xu thế chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đang là xu thế và dần đạt những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực của Bắc Giang, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Ngành Công Thương Bắc Giang đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, các sàn thương mại điện tử tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động trên lĩnh vực thương mại điện tử, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu và bán hàng hóa, sản phẩm nông sản đặc trưng, tiêu biểu, tiềm năng của tỉnh.

Địa phương cũng xây dựng Kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại hàng năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh có cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các Sàn giao dịch thương mại điện tử lớn.

Sàn thương mại điện tử giao dịch các sản phẩm của tỉnh Bắc Giang

Bắc Giang có trên 113.670 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình được 2 Sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn khởi tạo gian hàng đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử; nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, chủ lực, đặc trưng của tỉnh đã và đang được quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ tốt trên các sàn giao dịch điện tử Voso.vn, Postmart.vn...

Hy vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành Công Thương Bắc Giang sẽ đat mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 sẽ đạt khoảng 665,76 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 64 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD, tăng 20,4%; kim ngạch nhập khẩu 27 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2023./.                                                                                                                                                     

Tuấn Thành

Đăng ngày: 11/06/2024 , 06:23 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác