Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và chuyển đổi số. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/5/2022 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đối số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và ban hành các văn bản để triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 09/10/2020 về triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ngãi; Kế hoạch 169/KH-UBND ngày 09/12/2021 về Phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 31/12/2021 về phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Quảng Ngãi năm 2022.
Chuyển đổi số đang dần hiện diện trong mọi mặt đời sống ở Quảng Ngãi. Đại dịch COVID-19 bùng phát dai dẳng đã đặt ra thách thức và đã có những chuyển biến trong y tế thông minh và giáo dục thông minh ở Quảng Ngãi. Các cơ sở giáo dục, trường học trong tỉnh đã tổ chức học trực tuyến thành công. Ứng dụng nền tảng công nghệ trong quản lý giáo dục, quản lý sức khỏe người dân. Các bệnh viện, cơ sở y tế đã kết nối liên thông với nhau, và cùng nhau kết nối với các bệnh viện trên cả nước trong hội chẩn từ xa, họp trực tuyến.
Công tác xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số được tỉnh Quảng Ngãi tích cực triển khai, xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC). Trung tâm IOC là bước đi ban đầu của việc phát triển chính quyền số ở tỉnh Quảng Ngãi, với kỳ vọng sẽ giúp lãnh đạo tỉnh quản lý, theo dõi trên nhiều lĩnh vực, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch. Trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh được đưa vào sử dụng, bảo đảm để vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung thống nhất trong toàn tỉnh đã liên thông 4 cấp và liên thông với các cơ quan đảng cấp huyện trong toàn tỉnh; triển khai gần 4.000 chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước trong tỉnh; Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Hệ thống phần mềm một cửa đã triển khai đồng bộ đến cấp xã; công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng được chú trọng, đã đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng tỉnh (SOC).
Việc ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình CCHC và triển khai chính phủ điện tử. Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Ngãi phấn đấu 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính. Thanh toán trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính là một trong những giải pháp thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, thanh toán trực tuyến mang lại nhiều tiện ích, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, minh bạch trong thu ngân sách, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại. Trong thời gian qua, Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính công tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều giải pháp để mở rộng hình thức thanh toán này. Theo số liệu thống kê việc thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai tại Trung tâm trong thời gian qua đạt được tín hiệu tích cực, đến tháng 8/2022 số tiền thanh toán đạt gần 10 tỷ đồng.
Trong năm 2022, công tác chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ngãi tập trung vào các nội dung quan trọng liên quan đến thủ tục hành chính trên môi trường điện tử như: chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ trong giải quyết thủ tục hành chính; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; chỉ đạo điều hành và xử lý công việc trên môi trường mạng; thúc đẩy cung cấp chứng thư số và ứng dụng chữ ký số; xây dựng kho dữ liệu số; triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng; triển khai chuyển đổi IPv6; thiết lập nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Quảng Ngãi; kết nối Cổng Dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh,…
Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và chuyển đổi số ở tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều khoảng trống cần sớm cải thiện như: chưa có sự quan tâm đúng mức từ các cấp lãnh đạo; công dân số chưa được phát triển dẫn đến tình trạng nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 không phát sinh hồ sơ trực tuyến; các ứng dụng chuyên ngành còn mang tính cục bộ, chưa hình thành các nền tảng số, dữ liệu số dùng chung; trình độ, năng lực của một số công chức tham mưu triển khai thực hiện, phụ trách công tác ứng dụng CNTT ở các cơ quan trong tỉnh còn hạn chế và thường xuyên thay đổi; nguồn lực tài chính và nhân lực bố trí cho việc triển khai còn hạn chế...
Chuyển đổi số tốt sẽ tạo ra nhiều cơ hội, tiềm năng mới cho Quảng Ngãi trong mọi lĩnh vực từ thu hút đầu tư, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, phát triển y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông… đến quản trị hành chính, tương tác giữa người dân với chính quyền và ngược lại. Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số với phương châm: Nhận thức đóng vai trò quyết định; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nền tảng số là đột phá; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là then chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số.
Mai Phương
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại – Số 9/2022