Bình Định khơi thông dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội

Đăng ngày: 29/08/2024 , 15:41 GMT+7

Thời gian qua, Bình Định với vị trí thuận lợi tạo điều kiện giao thương kinh tế, hội nhập với khu vực và quốc tế; hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư đồng bộ gồm cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt; khu kinh tế, tài nguyên phong phú; nhiều danh lam, thắng cảnh, nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp trải dài theo đường bờ biển như: Bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, Tam Quan, Ðảo Yến, Quy Hòa, Bãi Dài… đã và đang là những lực đẩy nổi bật giúp Bình Định trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Khơi thông các dòng chảy, cải thiện môi trường đầu tư

Đầu năm 2024, tỉnh Bình Định đã tổ chức thành công Tuần lễ Thể thao - Văn hóa - Du lịch Bình Định năm 2024 trong đó có các sự kiện nổi bật là giải Giải Đua thuyền máy Nhà nghề Quốc tế UIM F1H20 và UIM-ABP AQUABIKE Bình Định Grand Prix 2024; tổ chức thành công các Hội nghị: Hội nghị Xúc tiến thương mại với Hội doanh nhân Việt Nam – Canada; Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024 mà điểm nhấn là sự có mặt của các doanh nhân nước ngoài của các quốc gia Hàn Quốc, Singapore, Israel, Thái Lan, UAE và tại Hội nghị đã thực hiện ký kết nhiều bản Ghi nhớ đầu tư quan trọng. Thông qua các Hội nghị lần này, tỉnh đã giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư của tỉnh. Được lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, các cơ quan thông tấn báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân đánh giá cao về công tác tổ chức có nhiều đổi mới, nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng, quy tụ được các doanh nhân, nhà đầu tư lớn tham dự.

Đoàn Hạ viện Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định

Năm 2024, nhiều dự báo cho thấy dòng mạch sản xuất kinh doanh toàn cầu phải đối mặt với nhiều thách thức hơn và điều này sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng do đó Bình Định đặt mục tiêu thu hút được 100 dự án đầu tư mới, thành lập mới 1.000 doanh nghiệp.

Với quan điểm nhất quán luôn trân trọng vị thế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tỉnh luôn cam kết sẽ nỗ lực, năng động, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao đạo đức công vụ, lấy lợi ích, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân là thước đo của sự phát triển; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không đùn đẩy né tránh trách nhiệm; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển theo Quy hoạch.

Cảng hàng không Phù Cát

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh thu hút mới 22 dự án với tổng vốn đăng ký 2.936,6 tỷ đồng, đạt trên 22% so với kế hoạch cả năm 2024 của toàn tỉnh (22/100 dự án). Tính đến nay, toàn tỉnh có 89 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,18 tỷ USD; trong đó 35 dự án ngoài KKT, KCN và CCN với tổng vốn đăng ký 161,6 triệu USD và 54 dự án trong KKT, KCN và CCN với tổng vốn đăng ký 1,02 tỷ USD. Hiện nay đã có sự hiện diện của các doanh nghiệp của trên 21 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại tỉnh. Trong đó Hoa Kỳ, Singapore và Trung Quốc 3 (bao gồm Hồng Kông và Đài Loan) là nhóm các quốc gia có tổng vốn đầu tư lớn nhất với lần lượt là 288,93 triệu USD; 163,21 triệu USD và 190,31 triệu USD.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định 7 tháng đầu năm 2024 có những dấu hiệu tích cực. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,6% so với cùng kỳ (xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ). Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2024 tăng 9,8% so với cùng kỳ (cả nước tăng 8,5%); trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,50%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,91%; cung cấp nước quản lý và xử lý rác thải nước thải tăng 12,11%; công nghiệp khai khoáng tăng 13,24%; công nghiệp chế biến chế tạo được định hướng là trụ cột phát triển chiếm tỷ trọng trên 85% và tăng 10,50%, cao hơn mức tăng chung, tiếp tục đóng vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng của toàn Ngành công nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2024, ước đạt 69.205 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, đạt 60,3% kế hoạch năm (114.700 tỷ đồng). Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 7 tháng năm 2024 ước thực hiện 982,6 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 59,6% kế hoạch năm (1.650 triệu USD).

Bãi biển tuyệt đẹp ở Quy Nhơn

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Định phấn đấu  trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa.

Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế. 

Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây. 

Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI); du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và hệ thống logistics gắn liền cảng biển, cảng hàng không. 

Tỉnh có hệ thống đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số sản phẩm mà tỉnh có lợi thế. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quốc phòng, an ninh, bao gồm an ninh trên biển và trật tự xã hội trên địa bàn được đảm bảo vững chắc.

Mai Phương

 

Đăng ngày: 29/08/2024 , 15:41 GMT+7

Tin liên quan