Quảng Ninh điểm sáng trong thu hút đầu tư

Đăng ngày: 27/01/2021 , 07:00 GMT+7

Năm 2020, Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế mặc dù tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp. Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, nảy sinh mầm bệnh trên địa bàn; tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số; thu ngân sách vượt so với dự toán Trung ương giao. Đây là những kết quả nổi bật của Quảng Ninh trong năm qua.

 Khu Công nghiệp Cái Lân tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: baoquangninh)

Theo ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh,có được những kết quả đó,tỉnh đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ yếu tố có tính chất cốt lõi, căn bản đó là công tác cải cách hành chính với nhiều đột phá và phát huy được hiệu quả. Tỉnh chỉ đạo rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.

Hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động theo nguyên tắc 5 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả;” thực hiện hiện đại hóa nền hành chính; tập trung xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, đề án chính quyền số và Trung tâm điều hành thành phố thông minh; tăng cường tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và kết nối liên ngành, liên thông dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong việc áp dụng phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) qua đó huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế trong xã hội, là giải pháp đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Tỉnh đã mạnh dạn huy động tư nhân đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm cấp quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, gần 200 km đường cao tốc góp phần thúc đẩy liên kết vùng.

Thời gian qua, Quảng Ninh đã chủ động xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các cơ chế, chính sách riêng của tỉnh trong thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%.

Lên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR index) của Quảng Ninh hiện đứng đầu cả nước 3 năm liên tiếp (2017-2019); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019 đứng thứ nhất; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vươn lên đứng thứ 3 năm 2019.

Với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để làm động lực quan trọng thúc đẩy thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, Quảng Ninh đang là điểm sáng trong thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và dần khẳng định được vị thế trở thành một trung tâm trong khu vực. Thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội của tỉnh được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GRDP nhanh và bền vững qua các năm (bình quân 5 năm tăng 10,7%).

Để tiếp tục nâng cao và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng góp vào phát triển của tỉnh, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai hiện quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là các đề án về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực; chuyển đổi số toàn diện.

Để thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Xây dựng chính quyền liên thông, thực sự là chính quyền “của dân, do dân, vì dân,” hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với nâng cao chất lượng phục vụ, đạo đức công vụ của các bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiêp; đổi mới, nâng cao chất lượng của Trung tâm phục vụ hành chính công các cấp; Thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng hướng tới các cơ quan nhà nước “không giấy tờ”; Hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính ở các cấp.

Tỉnh tiếp tục thực hiện, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung huy động nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; Cải cách toàn diện giáo dục, đào tạo; Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; Phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo./.

PV.

Đăng ngày: 27/01/2021 , 07:00 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác