Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên - nỗ lực trong đào tạo nghề

Đăng ngày: 06/10/2023 , 11:20 GMT+7
Được thành lập ngày 20/10/2011 trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp Nghề tỉnh Điện Biên, Trường Cao đẳng nghề Điện Biên là cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật, tay nghề cho địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Với nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng. Để bắt nhịp với xu thế nghề nghiệp, thời gian qua, trường tập trung đào tạo 7 nghề trình độ cao đẳng, 12 nghề trình độ trung cấp và 23 nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo nhu cầu xã hội. Hiện tại, nhà trường có 112 CBVC, người lao động, trong đó có 62 giảng viên cơ hữu và 34 giảng viên kiêm nhiệm là người yêu nghề, tận tình, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, có tay nghề chuyên môn cao, đã từng học tập, nghiên cứu ở các trường đại học lớn trong và ngoài nước, được Bộ Lao động, Thương binh và xã hội công nhận có đầy đủ năng lực giảng dạy nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ chính trị theo đúng chức danh và đạt chuẩn theo yêu cầu.

Giờ thực hành của sinh viên nghề Điện công nghiệp

Công tác tuyển sinh luôn được nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Tiến sĩ Đoàn Thanh Quỳnh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Điện Biên chia sẻ: trên cơ sở quy chế tuyển sinh, chỉ tiêu được giao, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tuyển sinh, thành lập Hội đồng và các ban để chỉ đạo thực hiện các nội dung. Bằng cách truyền thông trên nhiều kênh, liên kết với các trường THPT, THCS, các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn, bên cạnh đó là củng cố, mở rộng phát triển mạng lưới cộng tác viên (CTV) tuyển sinh với nhà trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến CTV là HSSV của trường. Với những biện pháp tích cực, năm học 2022-2023, nhà trường tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu kế hoach đề ra: hệ cao đẳng đạt 70,0% (140/200 chỉ tiêu); hệ trung cấp đạt 113,0% (339/300 chỉ tiêu); hệ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng đạt 185,9% (2.975/1600 chỉ tiêu). Trong đó có 93,7% HSSV là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Năm học 2023 - 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường với hệ cao đẳng là 150 và trung cấp là 300 học sinh. Ngay trong kỳ tuyển sinh đợt 1 hệ trung cấp và cao đẳng, đã có hơn 350 hồ sơ đăng ký các nghề đang có nhu cầu nhân lực cao trên thị trường lao động, đạt tỷ lệ gần 80%. Các nghề được đăng ký nhiều, gồm: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin,...

Nhà trường luôn phát huy thế mạnh về lĩnh vực công nghệ thông tin trong công tác đào tạo. Các phòng học lý thuyết được tích hợp tại xưởng thực hành có trang bị máy tính, máy chiếu và thiết bị được đầu tư từ cơ bản đến hiện đại, hệ thống gần 10 xưởng thực hành của nhà trường có thiết kế phù hợp với đặc thù của mỗi ngành, đáp ứng yêu cầu học tập và giảng dạy cho học sinh và giáo viên trong học nghề. Bên cạnh đó, trường còn ứng dụng CNTT trong tất cả các mặt hoạt động của trường: các phần mềm quản lý, phần mền liên quan đến giảng dạy đều được triển khai; 100% học sinh của trường được cấp tài khoản riêng, các chế độ chính sách của HSSV được chuyển qua tài khoản cá nhân của từng em, đảm bảo minh bạch. Cơ chế thu, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho HSSV,… các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách cho học sinh đều thông qua giáo viên chủ nhiệm của các lớp để đảm bảo chế độ chính sách đúng, đủ, kịp thời cho các em. Nhà trường cũng quan tâm đầu tư xây dựng ký túc xá HSSV khép kín, phục vụ nhu cầu lưu trú cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong suốt quá trình học.

Nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đạo đức lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tạo điều kiện cho họ có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, Nhà trường thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, chủ động liên hệ với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh đang cần tuyển lao động để đào tạo theo địa chỉ. Với hình thức này, ngoài việc dạy học theo khung chương trình của trường, học sinh còn có điều kiện đi thực hành tại các cơ sở sản xuất có máy móc, thiết bị hiện đại, rèn luyện kỹ năng nghề, đảm bảo khi ra trường có tay nghề phù hợp với từng ngành nghề đào tạo. Trong nghiên cứu khoa học, thời gian qua, nhà trường đã có nhiều đề tài, sáng kiến được nghiệm thu góp phần quan trọng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của địa phương.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, thu hút người học, thời gian tới, nhà trường sẽ bám sát vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên có kế hoạch đào tạo những ngành nghề mới như: Nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử C, Sửa chữa Điện lạnh, Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Mắc ca, cây Cao su,…. Cùng với đó là việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; quán triệt và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm; Phát huy truyền thống đoàn kết, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn trong nhà trường.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong quá trình hoạt động, nhà trường nhiều năm đạt tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng bằng khen và công nhận danh hiệu “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa” 5 năm, giai đoạn 2017-2021. Mục tiêu phát triển đến 2030, nhà trường phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo đa ngành tiên tiến hiện đại, hội nhập quốc tế và góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh Điện Biên phát triển bền vững.

Thúy Hồng

Các ngành nghề đào tạo của trường:

  • 7 nghề trình độ cao đẳng: Nghề công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Công nghệ thông tin; Công tác xã hội; Lâm sinh; Kỹ thuật xây dựng; Kế toán doanh nghiệp.
  • 12 nghề trình độ trung cấp: Nghề công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Công nghệ thông tin; Công tác xã hội; Lâm sinh; Kỹ thuật xây dựng; Kế toán doanh nghiệp; Điện dân dụng; Hàn; Tin học văn phòng; Chế biến mủ cao su; Quản lý vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 110KV trở xuống.
  • 23 nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên.

 

Đăng ngày: 06/10/2023 , 11:20 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác