55 năm ASEAN cùng nhau lớn mạnh

Đăng ngày: 05/08/2022 , 08:41 GMT+7

Chiều ngày 04/08/2022, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức Hội nghị công tác tuyên truyền quảng bá ASEAN với chủ đề: “55 năm ASEAN cùng nhau lớn mạnh”.

Hội nghị công tác tuyên truyền quảng bá ASEAN với chủ đề: “55 năm ASEAN cùng nhau lớn mạnh”

Hội nghị có sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của đông đảo phóng viên chuyên trách về ASEAN của các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TT&TT cho biết, năm nay, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN và 27 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, hội nghị được tổ chức là nhằm cung cấp thông tin để các cơ quan truyền thông triển khai các hoạt động đưa tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp trong nước.

Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT phát biểu khai mạc Hội nghị

ASEAN - Thành tựu 55 năm

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được khai sinh bằng bản tuyên bố ASEAN ngày 08/8/1967 tại Bangkok, Thái Lan. Ban đầu, ASEAN chỉ có 5 quốc gia thành viên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ASEAN hôm nay đã hội tụ đủ 10 nước Đông Nam Á và đang chứng tỏ được sức sống mãnh liệt, khả năng thích ứng với những biến chuyển của tình hình khu vực và quốc tế. Đến nay, ASEAN đã trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới và là hình mẫu thành công về hợp tác khu vực.

Trong 55 năm qua, ASEAN đã đạt được nhiều kết quả to lớn, trở thành một tổ chức đóng vai trò trung tâm trong khu vực châu Á. Vai trò trung tâm của ASEAN có nền tảng từ những thành quả hợp tác mà Hiệp hội đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển, từ quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài, cũng như từ những thành công của các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực mà Hiệp hội khởi xướng và dẫn dắt.

Những năm qua, ASEAN luôn phát triển vững chắc, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, một tổ chức khu vực với sự hợp tác toàn diện, chặt chẽ. Trong 25 năm gần đây, tỷ lệ đói nghèo ở khu vực ASEAN đã giảm từ 52% (năm 1990) xuống còn 17% (năm 2015). Đây được coi là một trong những thành tựu to lớn của khối ASEAN.

Sau 5 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ASEAN đã thực hiện xây dựng ba trụ cột gồm Chính trị - An ninh, Kinh tế, Văn hoá – Xã hội qua đó góp phần duy trì môi trường hoà bình, an ninh, ổn định, tạo thuận lợi cho hợp tác và phát triển ở khu vực. Đồng thời tăng cường khả năng ứng phó của ASEAN trước những thách thức; củng cố liên kết kinh tế, kết nối, đề cao bản sắc, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập kinh tế ASEAN

Về vai trò, vị trí của Việt Nam trong ASEAN, trong 27 năm qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia hội nhập kinh tế ASEAN, cùng với các nước thành viên khác xây dựng nền móng quan trọng để hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Cho đến nay, khu vực thương mại tự do ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường hàng hoá mạnh mẽ nhất. Tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước ASEAN đạt 98%.

Theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, những lợi ích của việc gia nhập ASEAN của Việt Nam, đặc biệt về kinh tế có nhiều sự thay đổi vượt bậc. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng hơn 13 lần từ năm 1995 đến năm 2021. Quy mô nền kinh tế tăng hơn 17 lần, từ 20,7 tỷ USD năm 1995 lên 362,6 tỷ USD năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 5,2 tỷ USD năm 1995 lên 336,3 tỷ USD năm 2021.

Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tham luận tại Hội nghị đã đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông trong việc nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về ASEAN. ASEAN hiện đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng Văn hoá Xã hội ASEAN gắn kết và lấy người dân làm trung tâm.

Cũng tại Hội nghị, ông Tân Ghee Tiong, Trưởng Ban Văn hoá Thông tin, Phòng Cộng đồng Văn hoá Xã hội, Ban Thư ký ASEAN đã chia sẻ chiến lược truyền thông ASEAN và kinh nghiệm triển khai từ Ban Thư ký ASEAN. Hiện nay, ASEAN đã có nhiều tài liệu cập nhật tình hình và định hướng phát triển của ASEAN được truyền tải dưới nhiều phương thức truyền thông từ tạp chí, truyện tranh, podcast, video cho đến mạng xã hội. Các nhà báo có thể truy cập, khai thác tài liệu trên các phương tiện này để sản xuất các tin, bài trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ASEAN, về các cơ hội từ quá trình hội nhập ASEAN.

Các nội dung tuyên truyền về ASEAN trong thời gian tới được nhấn mạnh với các nội dung: Bám sát chủ đề ASEAN theo từng năm, tuyên truyền hoạt động của ASEAN trên cả 3 trụ cột, những đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vị thế của ASEAN; Tuyền truyền về hợp tác ASEAN ứng phó dịch COVID-19; Tuyên truyền về lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại thông qua các phóng sự, bài viết chuyên đề… về các nhân vật, câu chuyện thực tiễn; Tuyên truyền về bản sắc Cộng đồng ASEAN, nâng cao cảm nhận thuộ về một cộng đồng chung. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng trên các phương tiên thông tin đại chúng và chú trọng các phương tiện truyền thông mới.

Vũ Trìu

Đăng ngày: 05/08/2022 , 08:41 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác