Trung tâm y tế Phú Lương nỗ lực vì sức khỏe nhân dân

Đăng ngày: 07/09/2022 , 14:48 GMT+7

Là đơn vị sự nghiệp Y tế hạng III với hai chức năng khám chữa bệnh, Y tế dự phòng và chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, Trung tâm Y tế huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy được người dân ngày càng tin tưởng trong việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng Trung tâm Y tế huyện Phú Lương vẫn luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với hoạt động khám chữa bệnh trung tâm đảm bảo thường trực 24/24, phân công cán bộ thường trực sàng lọc, phân luồng phòng dịch ngay từ cổng một cách nhanh nhất không để đứt gãy hoạt động khám chữa bệnh cũng như làm lây lan dịch bệnh trong bệnh viện. Về y tế dự phòng trung tâm đã tham mưu cho ngành cũng như chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với thực tiễn và thực lực của địa phương. Trung tâm đã làm tốt công tác truyền thông, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời đồng thời chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác, không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch” trên địa bàn.

Để ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như các hoạt động khác, trung tâm đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong các hoạt động của đơn vị. Toàn bộ hệ thống điều hành và quản lý văn bản của trung tâm đều được thực hiện và xử lý văn bản trên hệ thống điều hành của Sở Y tế do vậy văn bản được xử lý nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đối với hoạt động khám chữa bệnh, trung tâm đã triển khai phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện từ năm 2012, thực hiện 15 phân hệ quản lý như: phòng khám, điều trị nội trú, ngoại trú, phòng mổ, viện phí, xét nghiệm, CĐHA, dược, báo cáo tổng hợp... nhằm đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh nhanh chóng, giảm quá tải bệnh nhân đến khám, điều trị, lấy số liệu báo cáo đầy đủ, chính xác từ đó nâng cao hiệu suất làm việc. Dữ liệu điện tử được liên thông liên tục với cổng bảo hiểm y tế, cổng thông tin Bộ Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh khác. Trong tiêm chủng mở rộng, 100% trạm y tế, cơ sở tiêm chủng đã thực hiện việc quản lý đối tượng, quản lý vật tư tiêm chủng, quản lý từng mũi tiêm cho trẻ trên Hệ thống phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia; quản lý bệnh tật truyền nhiễm.

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, trung tâm đã ban hành Kế hoạch số 193/KH-TTYTPL về triển khai thực hiện bệnh án điện tử theo 2 giai đoạn. Hiện  trung tâm đang triển khai thực hiện giai đoạn 1 Số hóa bệnh án thay toàn bộ bệnh án viết tay bằng việc nhập liệu thông tin bệnh án vào phần mềm và in ra hồ sơ bệnh án. Theo kế hoạch sẽ hoàn thiện giai đoạn 1 trong năm 2022 sau đó tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2, chuẩn bị hệ thống LIS, hệ thống PACS, chữ ký số và triển khai bệnh án điện tử. Trung tâm cũng xây dựng đề cương CNTT, làm việc với ngân hàng, với công ty phần mềm để tích hợp hệ thống, chuẩn bị trang thiết bị, bố trí nhân lực để triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử.

Để thực hiện việc ứng dụng CNTT một cách mạnh mẽ theo đúng kế hoạch đề cương đã đề ra, trung tâm đã sắp xếp nhân lực, tạo điều kiện cho cán bộ CNTT đi tham gia các lớp tập huấn, các buổi hội thảo nâng cao nhận thức, nâng cao tay nghề, hiểu biết hơn về công nghệ số. Trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, trung tâm sẽ cố gắng nỗ lực nâng cao chất lượng chuyên môn, đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo kế hoạch đã đề ra với sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo cấp trên.

MAI PHƯƠNG

Đăng ngày: 07/09/2022 , 14:48 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác