Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo: Đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế

Đăng ngày: 01/06/2021 , 08:15 GMT+7

Hướng tới việc đầu tư vào các mô hình phát triển nông thôn có khả năng sinh lợi, công bằng xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu, có tác dụng thúc đẩy các mối liên kết thị trường và chuỗi giá trị vì người nghèo; nâng cao khả năng cạnh tranh trong kinh doanh ở nông thôn thông qua việc kết nối nông dân với doanh nghiệp và hợp tác công tư là mục tiêu của Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (Dự án SRDP).

Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng xã Cao Quảng do Dự án SRDP tỉnh Quảng Bình hỗ trợ

Dự án SRDP là một trong những dự án cụ thể hóa chiến lược giảm nghèo trong khuôn khổ hợp tác giữa Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Việt Nam. Dự án được thực hiện từ năm 2014 - 2019 tại 40 xã/ phường/ thị trấn của 7 huyện/ thị xã trong toàn tỉnh Quảng Bình. Dự án lấy phương pháp tiếp cận theo chuỗi giá trị làm xương sống nhằm đạt được mục tiêu cải thiện thu nhập bền vững và giảm tổn thương cho các hộ nghèo vùng nông thôn.

Qua hơn 5 năm thực hiện, Dự án SRDP đã hỗ trợ 159 địa phương áp dụng quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo định hướng thị trường có sự tham gia hàng năm và trung hạn cấp xã (MoSEDP cấp xã). Thúc đẩy phát triển 8 chuỗi giá trị: bò, gà, lúa, lạc, ngô,... thuộc tiềm năng và thế mạnh của đa phần 40 xã vùng mục tiêu dự án; hỗ trợ phát triển các ngành hàng đặc thù như dê, nấm, sim, nghệ, cà gai leo,… thông qua việc tài trợ các tiểu dự án đầu tư nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) và đầu tư hợp tác công tư trong phát triển nông nghiệp (PPP). Ngoài ra, Dự án cũng kết nối doanh nghiệp với địa phương để phát triển một số ngành hàng mới như cây dược liệu, cây hương bài trồng xen với rừng trồng trong thời kỳ chưa kép lá... Dự án cũng đã phối hợp với các địa phương, các bên liên quan tổ chức 1.090 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nông dân, người lao động và đơn vị kinh doanh nông nghiệp thuộc vùng dự án với 40.866 lượt người tham gia, tập trung vào xây dựng các mô hình phát triển nông thôn có khả năng sinh lợi, công bằng xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu như tập huấn về lập phương án sản xuất kinh doanh; xây dựng tiểu dự án CSA; tuyên truyền về Dự án, Tổ hợp tác, CSA; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; kỹ năng vận hành và nhân rộng tổ hợp tác,... đổi mới phương pháp đào tạo như đào tạo tiểu giáo viên (ToT) cho nông dân nòng cốt, nông dân sản xuất giỏi để đào tạo lại cho nông dân, kết hợp đào tạo cho doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân theo chuỗi giá trị.

Tập huấn kỹ thuật phối trộn thức ăn nuôi bò vỗ béo cho Tiểu giáo viên Nông dân do BQL Dự án SRDP tỉnh Quảng Bình phối hợp với Sở NN- PTNT và Trung tâm hỗ trợ và dạy nghề Nông dân thực hiện.

 Dự án đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức 36 lớp đào tạo nghề với 1.334 học viên tham gia, 1.105 người được đào tạo đã có việc làm, chiếm gần 83%. Đặc biệt, 80 nông dân nòng cốt được đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề về quản lý kinh doanh và phát triển CGT. Các tiểu giáo viên nông dân đã trực tiếp hướng dẫn lại cho các tổ hợp tác (THT) mà chính họ là thành viên và các THT/hộ nhân rộng mô hình. Người dân địa phương tham gia vào các THT và HTX do Dự án hỗ trợ thành lập. Thông qua đó, các thành viên được đào tạo kiến thức, kỹ thuật sản xuất kinh doanh và nhận được sự hỗ trợ của Dự án cả về kỹ thuật và tài chính. Các THT và HTX được kết nối với các doanh nghiệp để cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra thông qua các hợp đồng được ký kết giữa doanh nghiệp và THT. Như vậy, với sự hỗ trợ của Dự án, giờ đây các hộ nghèo và cận nghèo vùng dự án có thể chủ động sản xuất và không còn lo lắng về thị trường nông sản.

Thực tế cho thấy, qua hơn 5 năm thực hiện, SRDP Quảng Bình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Bình nói chung và vùng dự án nói riêng. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vùng dự án giảm 14,59%, trong khi tỷ lệ giảm nghèo, cận nghèo trung bình của toàn tỉnh trong giai đoạn này đạt 8,90%.

Sau khi Dự án kết thúc các hoạt động tài trợ và rút lui, các THT, HTX vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, 14/17 chuỗi giá trị được tiếp tục hỗ trợ phát triển và nâng cao giá trị, 11 sản phẩm của 06 Doanh nghiệp/HTX đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP Quảng Bình năm 2020 (đạt 3 sao),cụ thể: sản phẩm cà gai leo của HTX Bắc Tiến, sản phẩm dầu lạc của Công ty TNHH Bình Dương, Mây tre xiên của HTX mây xiên Quảng Phương, sản phẩm rượu sim của HTX Xuân Hưng, sản phẩm mật ong tuyên hóa của HTX nuôi ong Quyết Thắng và 06 sản phẩm của HTX sản xuất nông nghiệp và KD nấm sạch Tuấn Linh.

Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại đến thăm HTX SX nấm sạch và KDNN Tuấn Linh, một trong những Tiểu dự án được hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nấm sạch giữa các thành viên trong HTX với các THT trồng nấm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016, HTX SX nấm sạch và KDNN Tuấn Linh (Sơn Lý, Sơn Lộc, Bố Trạch, Quảng Bình) đến nay đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã có thương hiệu, luôn đảm bảo về số lượng và chất lượng nấm cho khách hàng, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên và các THT. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu...

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã có những nỗ lực trong việc thu hút đầu tư phát triển KTXH và xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, Quảng Bình vẫn là một trong số những tỉnh nghèo của cả nước. Theo số liệu điều tra hộ nghèo và cận nghèo đến 31/12/2020, Quảng Bình có 9.887 hộ nghèo (3,9%) và 12.405 hộ cận nghèo (4,89%),cao hơn mức bình quân chung cả nước. Để đạt được mục tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra, tỉnh Quảng Bình cần huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho giai đoạn 2021-2025 là 135.000 tỷ đồng, trong khi dự kiến thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 9.000 tỷ đồng. Trong 5 năm tới, tỉnh đẩy mạnh công tác vận động, kêu gọi, thu hút các dự án ODA, NGO phù hợp với nhu cầu của tỉnh. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, thu hút được khoảng 150 triệu USD vốn ODA, 15 triệu USD vốn NGO, xem đây là những nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01/NQ-CP; Nghị quyết Đại hội Lần thứ XVII của tỉnh, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững. Xác định vai trò của mình trong việc tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tăng cường liên kết vùng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nhiệm vụ trọng tâm của Ban Quản lý dự án SRDP trong thời gian tới là tiếp tục xúc tiến, tìm kiếm nguồn vốn ODA, đặc biệt là vốn viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sức khỏe sinh sản, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, đảm bảo vệ sinh môi trường... trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị và thị trường nhằm đảm bảo khả năng sinh lợi và bền vững về môi trường, nhân rộng mô hình đầu tư trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia là những giá trị thiết thực, là cơ hội và động lực mà Dự án SRDP Quảng Bình mang lại cho người nghèo, cận nghèo tỉnh Quảng Bình hội nhập, phát triển kinh tế.

Phương Mai

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại số 5/2021

Đăng ngày: 01/06/2021 , 08:15 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác