Nắm bắt cơ hội, Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Đăng ngày: 31/01/2025 , 14:17 GMT+7

Trong những năm vừa qua, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023, tổng doanh thu ước đạt 529 tỷ USD, năm 2024, dự báo thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm ngoái để đạt giá trị khoảng 626,9 tỷ USD...

Công nghiệp bán dẫn – “não bộ” của nhiều sản phẩm công nghiệp

Công nghiệp bán dẫn là ngành có tầm quan trọng cao đối với Việt Nam, là yếu tố quan trọng để gia tăng khả năng cạnh tranh cũng như góp phần vào việc đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng các sản phẩm của ngành bán dẫn.

Trên thực tế, Việt Nam được biết đến là một trong những “công xưởng” lớn của thế giới với sự hiện diện của hàng loạt nhà máy tên tuổi hàng đầu. Điển hình như Samsung đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất, đồng thời là nơi sản xuất của nhiều sản phẩm điện tử khác bao gồm tủ lạnh, tivi... Tập đoàn LG của Hàn Quốc cũng xây dựng các cơ sở sản xuất lớn tại Hải Phòng, tập trung vào các sản phẩm điện tử tiêu dùng như tivi và các thiết bị gia dụng điện tử khác. Tập đoàn Foxconn của Đài Loan (TQ),nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, chuyên lắp ráp sản phẩm cho Apple và nhiều thương hiệu lớn khác, cũng đã đầu tư hơn 3 tỷ USD để xây dựng nhiều nhà máy sản xuất điện tử tại Việt Nam.

Tại hội thảo “Định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”, do Bộ KH&CN phối hợp Bộ GD&ĐT và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức hồi tháng 4 năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục được đánh giá là “huyết mạch” của nền kinh tế số, có vai trò chủ chốt và là tiêu điểm, thu hút nhiều ngành công nghiệp trên thế giới. Không chỉ được dự báo có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030, ngành này còn được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển. Ngoài sự ổn định về chính trị thì Việt Nam còn nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á, sở hữu vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu, đồng thời là quốc gia có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Chưa kể, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm (khoảng 22 triệu tấn),một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Với những lợi thế đó, Việt Nam hoàn toàn có khả năng để trở thành trung tâm tăng trưởng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và trước những diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực Châu Á để đặt trụ sở, nhà máy, trong đó có Việt Nam. Hiện có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn có hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Samsung, Hana Micron Vina, Hanmi Semiconductor, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo, Lam Research, Coherent… trong các lĩnh vực thiết lập nhà máy sản xuất chất nền đóng gói, bảng mạch in, thiết bị đóng gói bán dẫn, kiểm thử, thiết kế, sản xuất thiết bị… tạo nên những mảng sáng quan trọng trong bức tranh bán dẫn Việt Nam. 

Nhiều “ông lớn” chọn Việt Nam để rót vốn đầu tư

Thời gian gần đây, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cùng với nhiều sự kiện chính trị khác đã gây tác động làm ảnh hưởng tới ngành công nghiệp bán dẫn. Trong bối cảnh đó, các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã và đang gia tăng khả năng tự chủ nguồn cung ứng các sản phẩm của ngành này.

Mặc dù chưa phải là một trung tâm sản xuất bán dẫn lớn trên thế giới, nhưng với những lợi thế về chi phí lao động thấp, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện và sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam đã bắt đầu có những bước tiến quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Thời gian qua, nhiều thương hiệu nổi tiếng trong ngành bán dẫn như: Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor... đã đầu tư vào thị trường Việt Nam với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD.

Điển hình, Samsung đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam. Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2025. Gần đây nhất, đầu tháng 7/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ, đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam. Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor tại KCN Yên Phong II-C điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 1,07 tỷ USD. Trước đó, tháng 6/2024, tỉnh Bắc Ninh cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh. Dự án được đầu tư với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công bảng mạch in PCB (bo mạch in) với tổng công suất là 2.793.000 sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 383,33 triệu USD.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam có lợi thế để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn toàn cầu khi Việt Nam có những ưu thế về lực lượng lao động có chất lượng, đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử, dễ dàng chuyển đổi sang lĩnh vực bán dẫn, cộng với chi phí nhân công hợp lý. Đặc biệt, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Đáng chú ý, Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện nêu rõ 02 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.

Với tầm nhìn dài hạn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như hợp tác quốc tế để nắm bắt công nghệ thiết kế chip tiên tiến, dần từng bước đưa Việt Nam vào sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn.

Trong cuộc đua này, Viettel và FPT là hai doanh nghiệp Việt Nam tiên phong, đã đạt được những thành tựu ban đầu. FPT đã ra mắt sản phẩm IoT đầu tiên ứng dụng trong ngành y tế, trong khi Viettel đã sản xuất chip phục vụ thiết bị 5G. Không chỉ dừng lại ở thiết kế, với vai trò “đầu tàu” dẫn dắt ngành bán dẫn Việt Nam tiếp tục phát triển, FPT và Viettel còn định hướng tự chủ sản xuất và đóng gói chip trong tương lai.

Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, tỷ lệ nội địa hóa của ngành còn khá thấp, hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa thực sự đồng bộ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần nhiều nỗ lực để đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.

Đưa công nghiệp bán dẫn trở thành động lực phát triển kinh tế

Năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục có sự tăng tốc mạnh mẽ và đạt giá trị gần 600 tỷ USD, với một số điểm nhấn đáng chú ý như: nhu cầu chip phục vụ AI tăng cao; ngành công nghiệp xe điện phát triển nhanh và trở thành xu hướng toàn cầu; mức độ phủ sóng mạng 5G tiếp tục làm tăng nhu cầu về chip; khôi phục chuỗi cung ứng sau đợt thiếu hụt chip vào năm 2021, với việc đầu tư vào các nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ, châu Âu và châu Á; công nghệ sản xuất mới và đóng gói tiên tiến bắt đầu được áp dụng dưới sự dẫn dắt của một số ít các tập đoàn công nghệ như TSMC và Samsung; các quốc gia, nền kinh tế tiếp tục có các gói hỗ trợ lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam hiện đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành lập Ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip..., đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Dương… đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Có thể nhận thấy, cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xã hội chưa từng có. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần có những hành động quyết liệt và kịp thời để phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và tận dụng những cơ hội to lớn trước mắt.

Theo lộ trình này, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5/2024 đã thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Việt Nam cũng là quốc gia có bước đi nhanh hơn, bài bản hơn so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực với việc đưa nội dung phát triển nguồn nhân lực thành một đề án tổng thể để thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả.

Trong thời gian xây dựng Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tổ chức nghiên cứu hết sức khoa học, bài bản, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xu hướng phát triển và cung cầu nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn thế giới; tổ chức khảo sát hơn 100 viện, trường, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế; lấy ý kiến hàng trăm lượt chuyên gia, đặc biệt các chuyên gia người Việt Nam đang công tác trong ngành bán dẫn trên thế giới và các cơ quan liên quan.

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn việt nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050

Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp ô tô điện, công nghiệp viễn thông, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI),ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Dự kiến doanh thu toàn cầu của ngành này sẽ đạt tới con số 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Riêng đối với Việt Nam, đến năm 2030 doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 25 tỉ USD/năm, con số này sẽ tăng lên 50 tỉ USD giai đoạn 2030 - 2040 và 100 tỉ USD giai đoạn 2040 - 2050.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.Theo chiến lược này, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được phát triển dựa trên công thức C = SET + 1. Trong đó C là Chip bán dẫn; S là Specialized (chuyên dụng, chip chuyên dụng); E là Electronics (điện tử, công nghiệp điện tử); T là Talent (nhân tài, nhân lực); + 1 là Việt Nam, là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Trong giai đoạn 1 (2024 - 2030),Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn. Giai đoạn này Chính phủ đặt mục tiêu thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam sẽ đạt trên 25 tỉ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%, nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Giai đoạn 2 (2030 - 2040),Việt Nam sẽ trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu, phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI. Việc phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỉ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%, nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Giai đoạn 3 (2040 - 2050),Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Theo đó Chính phủ đặt mục tiêu ngành công nghiệp bán dẫn trong nước có ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỉ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%, nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển. 

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn theo hướng tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất./.

PV.

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại Số 1.2025

Đăng ngày: 31/01/2025 , 14:17 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác