Tỉnh Bắc Giang: Quyết tâm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

Đăng ngày: 10/11/2022 , 22:35 GMT+7
Ngày 10/11/2022, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022” nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh nhà.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp Trung ương; các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối NTM các tỉnh, thành phố; lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, đại diện các sở ban ngành tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tin truyền thông.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Giang đã triển khai rất tích cực, xác định đây là nội dung trọng tâm và giải pháp quan trọng trong xây dựng NTM bền vững; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Khu trưng bày các sản phẩm Ocop đạt 4 sao tỉnh Bắc Giang

Trình bày báo cáo thực trạng và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang, ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao (vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân),42 sản phẩm 4 sao (chiếm 23,3%), 138 sản phẩm 3 sao (chiếm 76,7%), 1 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch là Du lịch sinh thái văn hoá Bản Ven ở Yên Thế, nhiều sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng như Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn,... tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông sản nổi tiếng ở tầm quốc gia vươn tới xuất khẩu.

Tại Hội thảo, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh VPĐP NTM Trung ương phát biểu định hướng chỉ đạo một số nội dung cần thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thời gian tới. Theo đó, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới đó là lấy Công nghiệp là động lực chủ yếu, Dịch vụ là điều kiện thúc đẩy và Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, xây dựng NTM và thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn.

Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh VPĐP NTM Trung ương phát biểu định hướng chỉ đạo một số nội dung cần thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thời gian tới.

Hội thảo ghi nhận nhiều tham luận, thảo luận sôi nổi. Trong số các nhóm ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo là đề xuất về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nêu cao vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện chương trình OCOP; Đề xuất các chính sách triển khai thực hiện chương trình, các giải pháp về công tác đào tạo, tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong quản lý thực hiện... Đồng thời nâng cao năng lực cho các chủ thể của chương trình OCOP, tăng cường hơn nữa trong liên kết, quảng bá, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra tiêu thụ cho các sản phẩm.

Qua lắng nghe trình bày báo cáo và các tham luận tại hội thảo, ông Lê Ánh Dương -  Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá cao những chia sẻ và đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và đại biểu tại Hội thảo.

Tiếp thu ý kiến gợi mở của ông Phương Đình Anh - Phó Chánh VPĐPNTM Trung ương, ông Lê Ánh Dương cũng bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tỉnh bạn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ tỉnh Bắc Giang trong triển khai thực hiện, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Đề nghị Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề tài khoa học về Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ưu tiên lựa chọn Bắc Giang là một trong những địa điểm để tổ chức thực hiện. Các tỉnh bạn Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn và TP Hà Nội… tiếp tục phối hợp cùng Bắc Giang trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP giữa các địa phương.

Ông Lê Ánh Dương -  Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá cao những chia sẻ và đóng góp tại Hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm OCOP; hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP về nguồn lực, về cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển; vận dụng hiệu quả linh hoạt các chính sách để hỗ trợ các chủ thể để hoàn thiện sản phẩm như hỗ trợ hạ tầng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, in tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm,... Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tiếp tục quan tâm hoàn thiện bao bì, nhãn mác cho sản phẩm của đơn vị mình, tuân thủ nghiêm các quy định sản xuất an toàn, chất lượng, thường xuyên quan tâm đến việc nâng hạng sao; xác định khi tham gia vào Chương trình OCOP, sản phẩm sẽ được nâng lên tầm cao mới với quy chuẩn, tiêu chí chất lượng tốt nhất, sản phẩm sẽ được gọi tên và mang thương hiệu cụ thể để từ đó có định hướng đúng đắn trong sản xuất cũng như tham gia thực hiện Chương trình.

Tuấn Thành

 

Đăng ngày: 10/11/2022 , 22:35 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác