Hội thảo “Vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh"

Đăng ngày: 23/03/2022 , 22:57 GMT+7

Ngày 23/3/2022, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo khoa học với chủ đề: “Vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh”. Đây là chủ đề có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển chung của đất nước. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có PGS. TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và ông Vũ Quốc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại. Các diễn giả và khách mời là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp gồm có: TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; PGS. TS. Phạm Trung Lương, Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững; bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn nhựa Super Trường Phát; Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban phát triển quan hệ đối tác Hội đồng phát triển doanh nghiệp bền vững Việt Nam; Ông Phạm Tiến Dũng, đại diện của ECONOMICA Việt Nam và các đại biểu khách mời tham dự hội thảo.

Khẳng định mục tiêu phát triển kinh tế xanh

Phát triển kinh tế xanh là một phần quan trọng của tăng trưởng xanh. Với Việt Nam, chủ trương thực hiện tăng trưởng xanh đã được cụ thể hoá tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2050. Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn.

Việc thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp tuy nhiên không ít các doanh nghiệp chưa ý thức được vai trò của mình đối với phát triển kinh tế xanh cũng như vai trò của kinh tế xanh trong phát triển bền vững của đất nước cũng như của chính đơn vị, doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chưa ý thức đầy đủ vai trò của bảo vệ môi trường trong biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng nên không muốn đánh đổi các lợi ích ngắn hạn lấy sự phát triển bền vững, lâu dài. Hội thảo với sự tham gia của các nhà nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp với những góc nhìn đa chiều, sự phân tích cụ thể nhằm tìm hiểu, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý về phát triển kinh tế xanh và bền vững.

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là một xu thế tất yếu, Việt Nam không thể không thực hiện.

Tại hội thảo, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn đã khái quát các nội dung chính của Dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 và nêu bật những điểm mới dự kiến của Dự thảo kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 so với giai đoạn 2011 – 2020. Trong số 9 chủ đề tổng thể thì có 5 nội dung mới gồm: thứ nhất, đưa vấn đề quản lý nhà nước gắn với các mục tiêu tăng trưởng xanh; thứ hai là giáo dục; thứ ba là đổi mới sáng tạo; thứ tư là hội nhập và thứ năm là bình đẳng trong chuyển đổi xanh. Đối với chủ đề theo nhóm định hướng và giải pháp ưu tiên được bổ sung 2 chủ đề mới là kinh tế biển xanh và y tế. Bên cạnh đó, 3 chủ đề được khai thác làm rõ hơn so với kế hoạch hành động giai đoạn 2014 – 2020 là Quản lý chất lượng không khí, đang dạng sinh học và du lịch.

4 điểm mới về khía cạnh xã hội được nêu lên gồm: Thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội trong tăng trưởng xanh; Chuyển đổi mang tính vừa toàn diện vừa bao trùm; Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo lối sống xanh, tạo chuẩn mực và giá trị văn hóa sống xanh; Thúc đẩy bình đẳng trong cơ hội tiếp cận nguồn lực trong quá trình phát triển.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và hoạt động liên quan đến khía cạnh xã hội bao gồm Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức, tạo văn hóa sống xanh; Phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; Bình đẳng và công bằng trong chuyển đổi xanh.

Với mục tiêu, định hướng cụ thể của Chính phủ và sự chuẩn bị cho chặng đường dài khẳng định kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là một xu thế tất yếu, Việt Nam không thể không thực hiện. Tuy nhiên, trách nhiệm thực hiện kinh tế xanh phải là sự chung tay của cả cộng đồng chứ không khoán cho một bên nào được và phải có liên kết, phối hợp cả trong và ngoài, cả trên và dưới.

Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh

Các diễn giả khách mời đã nêu nhiều nội dung sâu, sát với chủ đề hội thảo về vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh,

TS. Võ Trí Thành phát biểu tham luận tại Hội thảo

TS. Võ Trí Thành với nội dung doanh nghiệp “Xanh” và trách nhiệm xã hội cho thấy Việt Nam nỗ lực cải cách thể chế thị trường định hướng XHCN. Doanh nghiệp được xem là lực lượng “xung kích”/ “trọng yếu” cho tăng trưởng và phát triển. Giá trị doanh nghiệp gia tăng cùng trách nhiệm “xanh” và trách nhiệm xã hội.

PGS. TS. Phạm Tiến Dũng cho rằng doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm xã hội đối với môi trường trong nền kinh tế xanh. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển bền vững, thông qua việc nâng cao chất lượng đời sống theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp lẫn sự phát triển của toàn xã hội. Theo ông, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường được đánh giá trên nhiều góc độ như: kinh tế, pháp lý, đạo đức và nhân văn – nhân đạo và đối với môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Diễn giả TS. Hà Huy Ngọc cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, doanh nghiêp phục hồi sau dịch phải theo hướng xanh và chống chịu. Trên thế giới, tại Mỹ, trong bối cảnh các chính sách không công nhận biến đổi khí hậu và bảo vệ các doanh nghiệp dầu mỏ, các phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu được đẩy mạnh. Tiêu biểu như đề xuất Gói tăng trưởng xanh do Thượng Nghị sỹ Edward Markey và đại biểu Quốc hội Alexandria Ocasio-Cortez của Đảng Dân chủ đưa ra ngày 7-2-2019 với tên gọi Gói tăng trưởng xanh mới (Green NewDeal).

Tại khu vực EU, tháng 12-2019, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra gói các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Châu Âu với mục tiêu đưa Châu Âu trở thành khu vực có khí thải nhà kính ròng bằng không trong năm 2050.

Tại Hàn Quốc, tiêu biểu thời gian gần đây Tháng 4-2020, Hàn Quốc đã đưa ra gói tăng trưởng xanh với các mục tiêu: đưa nền kinh tế Hàn Quốc tới năm 2050 không còn khí thải nhà kính, tới năm 2040, giảm 40% bụi mịn tại Hàn Quốc và tập trung vào 03 lĩnh vực: (i) phát triển các ngành công nghệ cao; (ii) chuyển đổi số và phát triển các ngành kinh tế xanh; (iii) đảm bảo an sinh xã hội.

Với Việt Nam, diễn giả cho rằng xu hướng đầu tư vào phục hồi xanh ở khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam sau tác động của đại dịch COVID-19 được tập trung ở một số lĩnh vực: năng lượng, lâm nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông… tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện phục hồi xanh khá thấp cho thấy cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và sự cần thiết của phát triển kinh tế xanh nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng; nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững và vai trò của đầu tư xanh. Hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường các nguồn lực và đẩy mạnh hơp tác quốc tế trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và thay đổi mô hình theo hướng sạch hơn và thân thiện với môi trường; xác định mục tiêu và lộ trình cụ thể thực hiện tiết kiệm sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, giảm thiểu chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh

Hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh về các góc độ, nội hàm của khái niệm tăng trưởng xanh. Đo lường để nhìn thấy bức tranh thật của kinh tế xanh, sự tham gia của doanh nghiệp, mức độ rồi sau đó là kinh tế tuần hoàn, từ đó có các chính sách phát triển hiệu quả hơn. Các nhân tố và các bên tham gia đều thống nhất vai trò của doanh nghiệp, của người dân, người tiêu dùng và cộng đồng vào xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hương tới sự phát triển bền vững./.

 PV.

Đăng ngày: 23/03/2022 , 22:57 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác