Đầu tư hạ tầng và phát triển kinh tế nông thôn
Tại xã Tây Bình (huyện Tây Sơn), người dân không giấu được niềm vui khi con đường liên thôn vừa được bê tông hóa khang trang. "Trước đây, con đường này lầy lội lắm, mưa xuống là không ai dám đi. Nay được Nhà nước hỗ trợ, bà con cũng góp công, góp sức để có con đường đẹp như thế này. Xe cộ lưu thông thuận tiện, nông sản cũng dễ tiêu thụ hơn", ông Nguyễn Văn Lâm, một người dân địa phương, chia sẻ.
Đường thôn xóm Xanh - Sạch - Đẹp
Trong năm 2024, Bình Định đã hoàn thành nâng cấp gần 300 km đường giao thông nông thôn, mở rộng hệ thống thủy lợi, đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất. Mục tiêu đến năm 2025, 95% số tuyến đường trục thôn, xã sẽ được cứng hóa, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
Bên cạnh phát triển hạ tầng, tỉnh Bình Định chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng dưa lưới trong nhà màng, nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Semi - Biofloc, trồng rừng gỗ lớn... "Gia đình tôi tham gia mô hình nuôi tôm công nghệ cao được hơn một năm nay. Trước đây, nuôi theo cách truyền thống rất bấp bênh, giờ thì năng suất tăng lên, lợi nhuận cũng tốt hơn nhiều", ông Phạm Xuân Phương (huyện Phù Cát) chia sẻ.
Nhờ những mô hình sản xuất tiên tiến, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trong năm 2024 đã đạt khoảng 55 triệu đồng/năm, tăng 10% so với năm trước. Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu nâng con số này lên 65 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%.
Nâng tầm sản phẩm OCOP
Bình Định đang đẩy mạnh chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm nâng cao giá trị nông sản địa phương. Luỹ kế đến tháng 03/2025, tỉnh Bình Định đã có 506 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 459 sản phẩm OCOP 3 sao (chiếm tỷ lệ 90,7%), 46 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (chiếm tỷ lệ 9,3%) với 330 chủ thể OCOP. Đặc biệt, sản phẩm bánh tráng gạo mè của Công ty TNHH Nhân Hòa đang được đề nghị công nhận hạng 5 sao cấp quốc gia.
Những sản phẩm OCOP tự hào của địa phương được giới thiệu tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh
Nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP như hỗ trợ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, hệ thống truy xuất nguồn gốc hay áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến như VietGAP, VietGAHP. Việc chuẩn hóa sản phẩm OCOP không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Một số sản phẩm đặc trưng đã được xếp hạng 3 - 4 sao như bánh tráng dừa Hoài Nhơn, rượu Bàu Đá, bún Song Thằn An Thái, yến sào Bình Định.
Bên cạnh việc nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP, Bình Định cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử giúp sản phẩm địa phương tiếp cận rộng rãi hơn, từ đó gia tăng giá trị kinh tế cho người dân.
Hướng đi chiến lược cho giai đoạn mới
Những năm gần đây, Bình Định đã phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM. Xã Nhơn Hải, với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Nghề hái rong mơ tại đây không chỉ mang lại thu nhập mà còn tạo nên cảnh quan đặc sắc. Nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, TP Quy Nhơn đã giao quyền quản lý cho cộng đồng địa phương thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mô hình này vừa bảo vệ hệ sinh thái biển vừa đảm bảo sinh kế cho người dân.
Mô hình du lịch trải nghiệm tại xã Nhơn Hải
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM. Các địa phương như Hoài Ân, Tây Sơn, Tuy Phước đã triển khai mô hình "Khu dân cư kiểu mẫu", trong đó môi trường là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhờ các chương trình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn đã đạt 85%. Mục tiêu đến năm 2025 là đạt 100%, góp phần xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Ngoài ra, một điểm sáng khác trong xây dựng NTM tại Bình Định chính là phát triển đời sống văn hóa và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Các phong trào văn hóa - thể thao diễn ra sôi nổi, với hơn 90% thôn, làng đạt danh hiệu "Khu dân cư văn hóa" trong năm 2024. Đồng thời, 100% cán bộ chủ chốt cấp xã đã được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng quản lý NTM, đảm bảo chương trình được triển khai hiệu quả và thực chất.
Dưa lưới trồng theo công nghệ cao
Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu phát triển NTM thông minh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào quản lý và sản xuất nông nghiệp. Các nền tảng dữ liệu số sẽ được áp dụng trong quản lý quy hoạch nông thôn, theo dõi chất lượng môi trường và hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận thông tin thị trường. Một số xã trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu triển khai mô hình NTM thông minh với các hệ thống giám sát môi trường tự động, tưới tiêu tiết kiệm nước bằng cảm biến, ứng dụng AI trong phát hiện sâu bệnh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy những nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân Bình Định trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Với chiến lược phát triển bài bản và cách làm sáng tạo, tỉnh đang vững vàng trên con đường hướng tới mục tiêu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng NTM bền vững. Từng con đường, ngôi nhà, từng khu dân cư khang trang là minh chứng cho sự đổi thay mạnh mẽ, mở ra một tương lai tươi sáng cho vùng quê nơi đây./.
PV