Ngành Ngân hàng tỉnh Hà Tĩnh – Tiếp sức dựng xây quê hương

Đăng ngày: 07/03/2022 , 21:42 GMT+7
Thực hiện chương trình tái cơ cấu và hiện đại hóa, đến nay, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có những bước phát triển nhanh, bền vững, an toàn và hiệu quả.

Mạng lưới hoạt động ngày càng đa dạng, cạnh tranh lành mạnh dưới sự dẫn dắt của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh: 19 ngân hàng thương mại cấp 1, 01 Ngân hàng Chính sách xã hội, 01 Ngân hàng Hợp tác xã và 32 quỹ tín dụng nhân dân. Đến 31/12/2021, nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 87.669 tỷ đồng, tăng 25,12% so với năm 2020, dư nợ đạt 70.900 tỷ đồng, vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Năm 2022, ngành phấn đấu nguồn vốn huy động tăng từ 16% trở lên, dư nợ tín dụng tăng từ 13-15%, tỷ lệ nợ xấu không quá 2%.

Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh

Các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào đổi mới cách thức quản trị ngân hàng; đổi mới quan hệ khách hàng; hiện đại hóa trong việc thực hiện giao dịch, các kênh cung cấp, phân phối sản phẩm; ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ tài chính (Fintech) trong thanh toán... Đây là một bước đi mạnh mẽ của các NHTM trong nỗ lực chuyển đổi số hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Song song đó, các TCTD trên địa bàn đã không ngừng mở rộng mạng lưới, tăng quy mô tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nhờ nguồn vốn tín dụng, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của Hà Tĩnh đã có nhiều thay đổi. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng khoảng hơn 60% so với dư nợ cho vay toàn địa bàn. Các chính sách cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ đã được NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đem lại kết quả cao. Các TCTD đã ưu tiên nguồn vốn vay đối với các xã xây dựng NTM, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh và XKLĐ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân và giúp các xã xây dựng NTM về đích đúng lộ trình. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã cho vay các dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng nhanh. Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại đã có ghi nhận tại một số đơn vị trong ngành.

 Vietcombank CN Hà Tĩnh – Ngân hàng xanh đồng hành cùng doanh nghiệp

Vietcombank Hà Tĩnh là một trong những tổ chức tín dụng có thị phần lớn trên địa bàn Hà Tĩnh với số vốn huy động đạt hơn 16.000 tỷ đồng, chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, là đơn vị nằm trong top 5 Chi nhánh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hệ thống VCB toàn quốc.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Vietcombank Hà Tĩnh đã hoàn thành chuẩn nhận diện thương hiệu bằng cơ sở vật chất hiện đại, không gian xanh, đội ngũ CBNV chuyên nghiệp. Đơn vị cũng luôn chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc cung cấp các trải nghiệm, dịch vụ ngân hàng số tới khách hàng. Vietcombank luôn đồng hành với các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn trong việc cung cấp nguồn vốn tín dụng, cho vay hỗ trợ xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các dự án trọng điểm của tỉnh.

Trong 2 năm gần đây, cùng với chính sách chung của hệ thống ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn do đại dịch Covid-19, Vietcombank Hà Tĩnh đã hạ lãi suất cho vay từ 0,2% đến 1,5% cho hơn 10.890 lượt khách hàng, với dư nợ 11.600 tỷ đồng, số tiền lãi suất được giảm hơn 11 tỷ đồng. Thời gian tới, Vietcombank Hà Tĩnh sẽ hoạt động theo định hướng ngân hàng xanh, phát triển bền vững vì cộng đồng thông qua các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Tĩnh II – Tự hào sứ mệnh “Tam nông”

Được chia tách và thành lập từ ngày 01/11/2018, với chiến lược kinh doanh bài bản, hệ thống dịch vụ tiện ích, đội ngũ CBNV năng động, sáng tạo, đoàn kết, đến nay, Agribank Hà Tĩnh II đã có những thành tích nổi bật: Liên tiếp đứng top đầu các chi nhánh có hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong Agribank Việt Nam.

Với sứ mệnh đồng hành cùng “Tam nông”, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã chủ động tiếp vốn để người dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Tính đến hết tháng 10/2021, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 10.612 tỷ đồng, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 93% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, chi nhánh cũng tạo điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đồng thời giảm 10% lãi suất/năm đối với 40.000 khách hàng có dư nợ tại thời điểm 15/07/2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mức hỗ trợ giảm lãi đến 31/12/2021 cho khách hàng là 35 tỷ đồng.

Song song với việc mở rộng tín dụng, Agribank Hà Tĩnh II cũng thường xuyên quan tâm đến chất lượng và chú trọng mở rộng các sản phẩm dịch vụ tiện ích như thẻ ATM, chuyển tiền nhanh, dịch vụ E-banking và các dịch vụ về bảo hiểm, dịch vụ thu hộ tiền điện, tiền nước, viễn thông. Kết quả tổng thu phí dịch vụ ngoài tín dụng đến ngày 31/10/2021 đạt 33,5 tỷ đồng, thu dịch vụ tăng trưởng mạnh qua các năm, chiếm tỷ trọng 3,5% trong tổng thu. Agribank Hà Tĩnh II đã triển khai thành công đề án thí điểm về phát triển thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn với mức cho vay thấu chi qua thẻ là 30 triệu đồng. Đây là bước tiến trong chiến dịch thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. 

Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ - Bám sát địa bàn để phát triển

Cùng với các nguồn tín dụng ngân hàng, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò đắc lực trong việc hỗ trợ vốn phát triển sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm, nhất là ở địa bàn nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 32 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động an toàn, hiệu quả. Đến thăm QTDND liên xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh),chúng tôi nhận thấy giá trị cộng đồng của Quỹ trong việc đồng hành, tạo nguồn lực cho người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và góp phần cùng huyện xây dựng NTM.

 Ông Trịnh Đình Hương – Giám đốc Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ cho biết, hiện quỹ có 2.400 thành viên trên địa bàn 2 xã Thạch Mỹ và Mai Phụ, với nguồn vốn huy động đạt trên 165 tỷ đồng, cho vay trên 170 tỷ đồng. Nhờ có Quỹ TDND nên thành viên, các hộ gia đình đã mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh: làm chổi, làm hương, nuôi trồng thủy hải sản. Nhất là vật tư nông nghiệp, xay sát, chăn nuôi và các dịch vụ khác. Đặc biệt là Quỹ cho vay hỗ trợ lãi suất theo các quyết định của HĐND tỉnh đối với các mô hình, các làng nghề, các hộ chăn nuôi lớn, góp phần giảm nghèo hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho địa phương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Bên cạnh đó, Quỹ đã có sự hỗ trợ kịp thời người dân địa phương trong việc vay vốn cho con em đi XKLĐ.

Ông Trịnh Đình Hương – Giám đốc Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ

Mặt khác, với tư cách là một doanh nghiệp, Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ đóng góp đáng kể các khoản thuế hằng năm cho ngân sách địa phương, trực tiếp tham gia vào các chương trình xây dựng NTM của xã và công tác an sinh xã hội của địa phương bằng các công trình thiết thực như: nhà ở cho người nghèo, trường mầm non... Trong quá trình hoạt động, quỹ bám sát các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, liên kết các ban, ngành, đoàn thể để thông qua đó tìm kiếm khách hàng. Dự kiến đến năm 2025, Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ đạt hơn 2.600 thành viên, mỗi năm phấn đấu tăng trưởng trên 10%, đưa tổng nguồn vốn hoạt động đến năm 2025 đạt 246 tỷ đồng, trong đó vốn huy động tiền gửi là 210 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 192 tỷ đồng và không có nợ xấu.

Trong thời gian tới, Lãnh đạo Quỹ cũng bày tỏ mong muốn, với năng lực và nguồn vốn ngày càng phát triển, Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ sẽ được mở rộng địa bàn hoạt động nhằm phục vụ người dân nông thôn tốt hơn nữa, giúp địa phương dần loại bỏ tín dụng đen và xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa nông thôn vững mạnh.

PV

Đăng ngày: 07/03/2022 , 21:42 GMT+7

Tin liên quan