Bắc Giang - Phấn đấu xây dựng tỉnh Công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

Đăng ngày: 04/06/2022 , 16:54 GMT+7

Là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bắc Giang định hướng phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh.

Nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH), song UBND tỉnh và các Sở, ban, ngành đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả cac nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”. Các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2021 tỉnh Bắc Giang do Cục Thống kê Bắc Giang công bố, tổng sản phẩm trong tỉnh (GrDP) năm 2021 ước đạt 86.471,7 tỷ đồng, tăng 7,82% so với năm trước và đứng thứ 10 cả nước. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh và khá vững chắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 12,7% so với cùng kỳ 2020 (đứng thứ 4 cả nước); trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,85%; ngành khai khoáng tăng 8,66%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,2%...

Đ/c Phạm Đức Ấn, Uỷ viên BCH Đảng bộ khối DN Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Agribank Việt Nam; Đ/c Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cùng lãnh đạo các cơ quan, sở, ngành tỉnh Bắc Giang, huyện Tân Yên cắt băng khánh thành và bàn giao công trình Trường THCS Liên Chung do Agribank tài trợ 5 tỷ đồng

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, chính sách hỗ trợ sản xuất ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Hình thưc tổ chức sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài chục nghìn ha với một số loại cây trồng chủ lực; tỷ lệ rau, cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP được nhân rộng, mang lại hiệu quả cao; giá trị, thương hiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh ngày càng được khẳng định; thị trường tiêu thị được rộng mở. Giá trị gia tăng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 ước đạt 12.040,9 tỷ đồng, tăng 4,28% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ năm 2021 ước đạt 30,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; tiếp tục tập trung cao cho công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cac hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp phát huy hiệu quả. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2021 ước đạt 61.282,6 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 7.306,7 tỷ đồng, bằng 78,7% so với cùng kỳ; khu vực ngoài Nhà nước đạt 40.540,1 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 13.435,8 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ.

Một điểm sáng nữa trong phát triển KT-XH của tỉnh Bắc Giang năm 2021 là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng mạnh, cao hơn dự báo trước đó. Tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt hơn 18.677 tỷ đồng, bằng 209,0% so với dự toán, tăng 54,1% so với năm 2020. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo thực hiện theo đúng dự toán, tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi phục vụ cho phát triển kinh tế của tỉnh, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và các nhiệm vụ quan trọng cấp thiết của địa phương, chống dịch Covid-19.

Các hoạt động giáo dục tiếp tục được triển khai chủ động, linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 nhằm duy trì các hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học. Các chỉ tiêu phát triển giáo dục đều đạt kế hoạch đề ra. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được tập trung cao độ, kiểm soát hiệu quả. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5%. Các chế độ, chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, hoạt động bảo trợ xã hội được duy trì thường xuyên. Công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được giải quyết kịp thời. Công tác giải quyết việc làm tiếp tục được đẩy mạnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%. Toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 35 nghìn lao động, vượt 11,1% kế hoạch. Công tác chuyển đổi số được đánh giá tích cực ở cả 3 trụ cột; trong đó Chính quyền số đứng thứ 7 cả nước; kinh tế số đứng thứ 14; xã hội số đứng thứ 25; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trên môi trường mạng trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đứng thứ 5 cả nước…

Công nghiệp: động lực chủ yếu cho Tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới

Ngày 1/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn năm 2050 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh, trước hết cần thống nhất nhận thức về vai trò của quy hoạch. Quy hoạch giúp tỉnh tổ chức không gian, phân bổ lãnh thổ để quản lý khép kín đất đai, công trình xây dựng sau này; giúp phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trước hết, dựa trên tiềm năng đất đai, Bắc Giang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp. Quy hoạch đã xác định 29 khu công nghiệp (KCN) và 63 cụm công nghiệp. Đây chính là động lực phát triển kinh tế của Bắc Giang.

Một góc Khu Công nghiệp Vân Trung

Ngoài công nghiệp, Bắc Giang còn có lợi thế phát triển dịch vụ, bởi gần biên giới, trong vùng Thủ đô và các đầu mối giao thông đa phương tiện (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy). Do đó, phải phát huy lợi thế logistics, thương mại dịch vụ. Cùng đó, với lợi thế có nhiều vùng đồi núi nên ngoài phát triển trồng cây ăn quả, tỉnh phát triển lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng...

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành khẩn trương rà soát, điều chỉnh tất cả các kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án có liên quan để bổ sung sao cho phù hợp, khớp với quy hoạch chung của tỉnh. Các huyện, xa, thị trấn điều chỉnh quy hoạch xây dưng nông thôn mới. Phấn đấu trong quý II/2022, tất các các Sở, ngành, địa phương phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung xong quy hoạch. Đồng thời tăng cường quản lý theo quy hoạch, nhất là quản lý đất đai. Tập trung thực hiện các đột phá về cơ chế chính sách, cải cách hành chính; tạo đột phá về phát triển hạ tầng, đặc biệt về giao thông; đột phá về phát triển nguồn lực, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Phát huy các nguồn lực: Đất đai, tài nguyên, nguồn lực tri thức, con người, khoa học - công nghệ, chất xám… đưa vào phục vụ phát triển về mọi mặt của tỉnh. Đồng thời thu hút nguồn lực từ bên ngoài thu hút các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước, nước ngoài vào địa bàn.

Một số mục tiêu phát triển tỉnh Bắc Giang đến năm 2030

(theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/-2/2022 của Thủ tướng Chính phủ)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 15 - 16%, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 17 - 18%/năm (công nghiệp tăng 18 - 19%/năm, xây dựng tăng 12 - 13%/năm); dịch vụ tăng 10 - 11%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2 - 3%/năm.

Cơ cấu kinh tế năm 2030: Ngành công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 66 - 67% (công nghiệp chiếm 60%); ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 6 - 7%; ngành dịch vụ chiếm 24 - 25% và thuế sản phẩm 2 - 3%.

GrDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 9.800 USD (giá hiện hành).

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế năm 2030 khoảng 50%.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 13%/năm, năm 2030 năng suất lao động bình quân đạt 475 triệu đồng/lao động (giá hiện hành).

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 18%/năm.

Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1 - 1,5%/năm.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt trên 90%.

100% các khu, cụm công nghiệp và đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55 - 60%.

Có 8/9 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

THẢO NGÂN

Đăng ngày: 04/06/2022 , 16:54 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác