Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế từ nuôi biển

Đăng ngày: 01/04/2024 , 14:23 GMT+7
Sáng 1/4, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh”.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu khai mạc tại hội nghị. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: Với việc không ngừng đổi mới tư duy phát triển nhanh, bền vững trên 4 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường và an ninh, đặt người dân ở vị trí trung tâm; trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023), Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%. Năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 11,03% đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Hồng, quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc; GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc; tạo đột phá trong thu hút FDI thế hệ mới đạt 3,1 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước và cao nhất từ trước tới nay.

Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước 6 năm liên tiếp (2017 - 2022) giữ vị trí Quán quân PCI; 04 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS (2019 - 2022); 04 năm dẫn đầu chỉ số PAR Index, ngày càng định vị thương hiệu Quảng Ninh là “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.

Quảng Ninh đã và đang vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Là một địa phương thành công trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đi đầu thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia bằng các chiến lược, đề án, nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động có tính khả thi cao, với phương thức, cách làm khoa học, sáng tạo, tập trung nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp, tạo bước chuyển mang tính đột phá.

Là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Quy chuẩn địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn, hết năm 2023, tỉnh đã hoàn thành chuyển đổi khoảng 10 triệu quả phao xốp sang phao nổi HDPE thân thiện với môi trường; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng, tái tạo hàng ngàn ha rừng cây gỗ lớn và là địa phương có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất ở phía Bắc.

Đây là điều kiện để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trung tâm du lịch quốc tế - trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN - trung tâm kinh tế biển, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. 

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, hôm qua, thêm một lần nữa được "chạm" vào Quảng Ninh, từ Cô Tô, Vân Đồn, mặt biển… tất cả đều thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân, HTX quyết tâm tham gia vào nuôi biển... Không ai tưởng tưởng được, chỉ trong hơn một năm, Quảng Ninh có thể chuyển đổi hơn 1 triệu chiếc phao xốp trên biển thành phao nhựa thân thiện với môi trường. Hai năm, Quảng Ninh có 125 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản được thành lập mới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước khi làm gì thì chúng ta phải hình dung được không gian giá trị, "sứ mệnh của việc mình làm". Nếu nuôi biển chỉ nói về nuôi cá, nuôi tôm, nuôi mực… thì không phải. Nuôi biển là nuôi hệ sinh thái biển, nuôi giá trị biển, kể cả giá trị hữu hình và vô hình từ biển.

"Nỗi đau của đại dương, đó là tài nguyên ngày càng cạn kiệt, tôi gặp bà ngư dân ở Hải Phòng, họ nói rằng đánh bắt bằng lưới ma, thuốc nổ, hóa chất... biết rằng làm như thế thì thế hệ mai sau sẽ không còn gì để ăn… nhưng không biết phải làm gì vì mấy thế hệ nhà tôi đã quen mùi gió biển, chúng tôi không bỏ biển được, vẫn phải ra khơi, vẫn phải khai thác", Bộ trưởng chia sẻ.

Thảo luận tiềm năng và thách thức nuôi trồng thuỷ sản biển

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định: "Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi chính con người hôm nay và mai sau. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cấu trúc lại ngành hàng và ngư dân, HTX, doanh nghiệp". Khi làm tốt sẽ hóa giải bài toán của các địa phương hiện nay là thủy sản đi đến đâu du lịch lùi xa đến đó, hoặc thủy sản mất dần đến đó, tại sao không tích hợp giá trị bằng cách nuôi cá giải trí, trải nghiệm du lịch nuôi biển...

Chúng ta xác định, nuôi biển nằm trong tổng thể 3 trụ cột của kinh tế biển: giảm khai thác, tăng nuôi trồng, tạo ra sự hài hòa trong kinh tế biển… Khi có mục tiêu, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn này. Khó khăn chỉ chấm dứt khi và chỉ khi chúng ta hành động. Tôi đề nghị cần xác định nuôi biển hướng tới mục tiêu gì? Đó là sự tăng trưởng của các địa phương… Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người. Mục tiêu của chúng ta xa lắm, sâu lắm, trách nhiệm của chúng ta hôm nay để làm giàu cho biển, một khi chúng ta làm giàu cho biển thì biển làm giàu cho chúng ta".

Trao Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho các doanh nghiệp, HTX

Dẫn hình ảnh vòng tròn logo của Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phân tích: "Đây là biểu tượng vòng tròn thủy sản đồng tâm, đồng lòng; chia sẻ vòng tròn thủy sản với nhau sẽ tạo nên những vòng tròn đồng tâm mà bán kính của nó sẽ mỗi ngày một rộng ra; ở đó có người dân, chính quyền cùng bảo vệ. Nếu bỏ qua vai trò của người dân, vai trò của cộng đồng, chúng ta sẽ thất bại…".

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau Hội nghị này, Bộ NNPTNT sẽ nhanh chóng tổng hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc đang làm chậm mục tiêu phát triển nuôi biển để cùng với các Bộ, ngành kiến nghị Chính phủ. 

Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi biển. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy nuôi biển đa loài hơn. Nếu như trước đây nuôi biển với hạn hẹp với chỉ con tôm, cá, mực… giá trị ở tầng thấp thì giờ đây có rong tảo biển, san hô, sá sùng…ở tầng cao hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu kết thúc Hội nghị.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết sẽ đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức. 

Cụ thể, Bám sát các chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Sở Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương ven biển thực hiện quản lý hiệu quả, khai thác ổn định bền vững 45.000 ha mặt biển đã được quy hoạch; Đẩy mạnh phát triển thị trường, bao gồm thị trường nội địa (miền Bắc, đồng bằng Sông Hồng, nội tỉnh) và thị trường quốc tế; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng tạo nguồn vốn ổn định đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi biển; giao khu vực biển tổ chức sản xuất liên kết để tạo hiệu quả về vốn đầu tư, tổ chức sản xuất đoàn kết để tạo ra môi trường biển sạch và xanh để nâng cao chất lượng thủy sản do mình sản xuất ra cho doanh nghiệp & HTX; Triển khai thực hiện có hiệu quả Chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh lĩnh vực thủy sản trong năm 2024 và các năm tiếp theo./.

T.Trang

Đăng ngày: 01/04/2024 , 14:23 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác