Kinh tế thế giới 2022: Một số dự báo

Đăng ngày: 05/02/2022 , 22:33 GMT+7

Sau khi phục hồi, phát triển trở lại mạnh mẽ trong năm 2021 nhiều biến động, nền kinh tế thế giới năm 2022 được dự báo tiếp tục có sự phục hồi và phát triển nhưng cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức.

Ảnh minh họa. Nguồn iisd.org

Năm 2021 - Phục hồi mạnh mẽ nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Mặc dù đà phục hồi có dấu hiệu chững lại trong những tháng cuối năm khi các làn sóng dịch mới khiến nhiều nước trì hoãn kế hoạch mở cửa, song nhìn chung cả năm 2021 thì nền kinh tế thế giới đã có bước chuyển ngoạn mục so với mức giảm 3-5% của năm 2020. Các tổ chức kinh tế, tài chính uy tín đều nhận định kinh tế thế giới năm 2021 tăng trưởng ở mức 5-6%.

Trong Báo cáo tóm tắt đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới công bố giữa tháng 12/2021, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tổ chức The Economist (Anh) nhận định sau khi lao đao trong năm 2020 do đại dịch COVID-19, các nền kinh tế phát triển đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.

Trong đó, Mỹ dẫn đầu về tốc độ phục hồi, vượt qua được cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái, với tốc độ tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm 2021, chủ yếu nhờ các biện pháp kích thích kinh tế và việc triển khai nhanh chóng chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trở lại, ước tính có thể đạt mức trước đại dịch vào cuối năm 2021.

Thương mại toàn cầu được đánh giá khởi sắc trở lại nhờ việc các nước nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế, chuyển sang chiến lược "sống chung an toàn với COVID-19" thay vì đóng cửa thực hiện "Nói không với COVID-19" (Zero COVID). Thực tế cho thấy các biện pháp phong tỏa chặt chẽ, từng đem lại hiệu quả tại nhiều nước năm 2020, đã không còn phát huy tác dụng khi virus COVID liên tục biến đổi, biến thể này chưa suy yếu thì đã có biến thể khác dễ lây lan hơn xuất hiện, khiến dịch bệnh ngày càng khó lường.

Bên cạnh dấu ấn phục hồi mạnh mẽ, vẫn còn những quan ngại khi đánh giá về nền kinh tế thế giới năm 2021. Trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 công bố trung tuần tháng 12/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng biến thể Omicron đang gây thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021 xuống mức 5,6%, thấp hơn so với mức dự báo 5,7% được đưa ra trước đó. Xét theo khu vực, OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm 2021, trong khi tăng trưởng kinh tế của Eurozone là 5,2%; Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ước tính tăng trưởng ở mức 8,1%.

Theo tổ chức này, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi nhưng đã bị mất đà và ngày càng trở nên mất cân bằng. Vấn đề y tế, lạm phát cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sai lầm chính sách đều là những mối quan ngại lớn. Do đó, OECD cho rằng ưu tiên chính sách hiện nay là phải đảm bảo vaccine được sản xuất và triển khai nhanh nhất có thể trên khắp thế giới, bao gồm cả việc tiêm mũi tăng cường do lo ngại nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn. Xu hướng phục hồi hiện nay mới chỉ tạm thời và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như các nước không đảm bảo được chính sách này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Tương tự OECD, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) bản cập nhật tháng 10/2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống mức 5,9%, giảm 0,1 điểm % so với mức dự báo 6% hồi tháng 7/2021. Trong Báo cáo, dự báo tăng trưởng nền kinh tế Mỹ được điều chỉnh giảm mạnh nhất, từ 7% xuống còn 6% trong năm 2021. Báo cáo cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của nhiều nền kinh tế công nghiệp khác. Tăng trưởng của Đức giảm nửa điểm phần trăm xuống còn 3,1% trong khi con số này của Nhật Bản giảm 0,4 điểm xuống còn 2,4%. IMF dự báo tăng trưởng ở Anh năm 2021 giảm 0,2 điểm xuống còn 6,8%, và đây là mức dự báo tăng trưởng nhanh nhất trong Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7). Trong khi đó, tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc được dự báo giảm 0,1 điểm xuống còn 8%, theo IMF là nhờ sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của đầu tư công. Dự báo cho Ấn Độ không thay đổi ở mức 9,5%. Tăng trưởng của nhóm ASEAN-5 được cho là vào khoảng 2,9%, tăng so với mức suy giảm 3,4% ghi nhận trong năm 2020 nhưng giảm 1,4 điểm so với dự báo hồi tháng 7/2021. Riêng tại một số nước xuất khẩu hàng hóa như Nigeria và Saudi Arabia, IMF tăng nhẹ dự báo tăng trưởng nhờ giá dầu và hàng hóa tăng cao.

IMF cũng cảnh báo sự chênh lệch nguy hiểm về triển vọng kinh tế do sự mất cân bằng lớn về vaccine, khi 96% dân số ở các nước có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn trong thời gian dài, nghèo đói gia tăng và nguy cơ lạm phát tăng vọt.

Năm 2022: Tăng trưởng thấp hơn với nhiều thách thức

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) bản cập nhật tháng 10/2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 là 4,9%. Tăng trưởng của nhóm ASEAN-5 được dự báo đạt tăng trưởng 5,8%.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022. Nguồn: IMF (10/2021)

Theo IMF, sự phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục trong bối cảnh đại dịch đang bùng phát trở lại đặt ra những thách thức cần có các chính sách đặc thù. Khoảng cách về dự báo sự phục hồi ​​giữa các nhóm nền kinh tế giữa các nền kinh tế tiên tiến và các nước đang phát triển có thu nhập thấp đã tăng lên. Trong khi đó, lạm phát gia tăng rõ rệt ở Hoa Kỳ và một số nền kinh tế thị trường mới nổi. Khi các hạn chế được nới lỏng, nhu cầu đã tăng lên, nhưng nguồn cung đáp ứng chậm hơn.

Báo cáo của IMF nhận định: Mặc dù áp lực về giá dự kiến ​​sẽ giảm bớt ở hầu hết các quốc gia vào năm 2022, nhưng triển vọng lạm phát rất không chắc chắn. Sự gia tăng lạm phát này đang xảy ra ngay cả khi việc làm ở dưới mức trước đại dịch ở nhiều nền kinh tế, buộc các nhà hoạch định chính sách phải lựa chọn khó khăn. Cần có nỗ lực chính sách mạnh mẽ ở cấp độ đa phương về triển khai vắc xin, biến đổi khí hậu và thanh khoản quốc tế để củng cố triển vọng kinh tế toàn cầu. Các chính sách quốc gia nhằm bổ sung cho nỗ lực đa phương sẽ đòi hỏi phải điều chỉnh nhiều hơn nữa cho phù hợp với các điều kiện cụ thể của quốc gia và nhắm trúng các mục tiêu tốt hơn, vì các hạn chế về không gian chính sách càng trở nên ràng buộc khi đại dịch kéo dài.

Cũng liên quan đến những mối nguy cơ tác động đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022, EIU đưa ra hai kịch bản liên quan đến biến thể Omicron của virus Covid. Theo đó, nếu biến thể Omicron được chứng minh là ít nguy hiểm hơn Delta, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ít bị tác động hơn trong năm 2021 và phục hồi nhanh hơn dự báo vào năm 2022. Trong trường hợp ngược lại, đà phục hồi kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ chậm lại.

Cùng với tác động của biến thể Omicron, Báo cáo của EIU cho rằng, lạm phát liên tục leo thang đặt ra nguy cơ đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Trước đó, lạm phát đã tăng vọt trong năm 2021 giữa lúc kinh tế toàn cầu đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi dù đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa tăng cao kỷ lục. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng được cho là sẽ kéo dài ít nhất cho đến giữa năm 2022, khiến giá sản xuất và giá tiêu dùng leo thang.

Nền kinh tế thế giới lần đầu tiên đạt mốc 100 nghìn tỷ USD

Báo cáo World Economic League Table (Bảng xếp hạng Kinh tế thế giới) do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) công bố mới đây dự báo: Nền kinh tế thế giới sẽ vượt mốc 100 nghìn tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2022, sớm hơn hai năm so với dự báo trước đó. Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ được nâng lên nhờ sự phục hồi tiếp tục từ đại dịch COVID-19, mặc dù nếu lạm phát vẫn tiếp diễn, các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia sẽ phải tính đến phương án giảm tốc nền kinh tế. Dự báo này phù hợp với ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó khi cho rằng, GDP toàn cầu tính bằng đồng USD và theo giá hiện hành sẽ vượt qua mốc 100 nghìn tỷ USD vào năm 2022.

Tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu (% thay đổi hàng năm). Nguồn: IMF DataMapper

Theo ông Douglas McWilliams, Phó chủ tịch CEBR: Vấn đề quan trọng hiện nay là cách các nền kinh tế trên thế giới đối phó với lạm phát. CEBR dự báo, lạm phát có thể vượt quá 6% ở Anh và hơn 7% ở Mỹ. Lạm phát ở Mỹ vốn đã đạt mức cao nhất trong 39 năm vào tháng 11/2021 ở mức 6,8%. “Hy vọng rằng sự điều chỉnh tương đối trong chính sách vĩ mô của các nền kinh tế sẽ đưa các yếu tố không nhất thời vào tầm kiểm soát. Nếu không, thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024”, chuyên gia này nhận định.

Trong Báo cáo thường niên năm nay, CEBR cũng dự đoán: Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2030, muộn hơn hai năm so với dự báo của chính Báo cáo này một năm trước. Ấn Độ sẽ giành lại vị trí thứ sáu từ Pháp trong năm 2022, sau đó là Anh trong năm 2023 và trở thành nền kinh tế lớn thứ ba vào năm 2031, muộn hơn một năm so với dự đoán trước đó. Trong khi đó nền kinh tế của Vương quốc Anh sẽ lớn hơn 16% so với nền kinh tế Pháp vào năm 2036 bất chấp những bất ổn từ sự kiện Brexit trong năm qua; Đức sẽ vượt qua Nhật Bản về sản lượng kinh tế vào năm 2033. Nga có thể trở thành nền kinh tế trong Top 10 thế giới vào năm 2036 và Indonesia đang phát triển mạnh mẽ, có thể giành vị trí thứ 9 vào năm 2034.

Dù có những dự báo, nhận định khác nhau nhưng có thể nói, khả năng miễn dịch trong cộng đồng đã được cải thiện và khả năng thích ứng với đại dịch của nền kinh tế thế giới cũng đồng nghĩa với việc các biện pháp hạn chế được áp đặt trở lại sẽ gây ít thiệt hại hơn. Việc các nước đẩy mạnh thích ứng an toàn với COVID-19, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa mở cửa phát triển kinh tế vẫn hứa hẹn một triển vọng tiếp tục phục hồi và tăng trưởng theo gam màu tươi sáng cho kinh tế thế giới trong năm 2022.

Hà Khánh (tổng hợp)

(Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại – Số 1/2022)

-------------------------------------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

* IMF: World Economic Outlook October 2021 - Global recovery continues, but the momentum has weakened and uncertainty has increased, https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2021/10/12/world-economic-outlook-october-2021

* Bloomberg: World Economy Now Set to Surpass $100 Trillion in 2022, https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-12-26/world-economy-now-set-to-surpass-100-trillion-in-2022

* TTXVN: Kinh tế toàn cầu tiếp tục đà hồi phục giữa những mối đe dọa, https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-toan-cau-tiep-tuc-da-hoi-phuc-giua-nhung-moi-de-doa/761673.vnp

Đăng ngày: 05/02/2022 , 22:33 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác