Bắc Giang: Nhiều giải pháp đồng bộ, tạo đà bứt phá

Đăng ngày: 06/01/2023 , 16:28 GMT+7

Năm 2022 mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức của tình hình KT - XH, song với sự thống nhất cao trong lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bắc Giang cùng sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt khó của nhân dân và các doanh nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng thoát ra khó khăn, tận dụng tốt các cơ hội để  phục hồi  kinh tế, bứt phá thành công. Đây cũng là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 17,8 nghìn tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Thành phố Bắc Giang ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp

Những con số ấn tượng

Năm 2022, kinh tế của tỉnh Bắc Giang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm ước đạt 19,3%, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Khánh Hòa). 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Động lực tạo đà cho tăng trưởng kinh tế ở Bắc Giang là lĩnh vực công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 30%. Cơ cấu ngành công nghiệp dịch chuyển đúng định hướng với vai trò dẫn dắt đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường và giá vật tư đầu vào tăng cao. Giá trị sản xuất toàn ngành cả năm tăng 2,1%.

Kết thúc năm 2022, tỉnh Bắc Giang có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 145 xã,  trong đó có 41 xã và có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục được quan tâm, chú trọng hơn. Công tác an sinh xã hội triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,1% xuống còn 4,2%. Công tác quốc phòng, an ninh được triển khai đồng bộ, toàn diện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong bối cảnh khó khăn song thu ngân sách nhà nước vẫn vượt dự toán năm, tổng thu ước đạt 18.175 tỷ đồng.

Mở rộng giao thông kết nối

Bắc Giang thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối 2 vùng kinh tế là Đồng bằng Sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc; nằm trên 02 hành lang phát triển kinh tế: Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội lại sát với vành đai phát triển kinh tế ven biển: Quảng Ninh - Thái Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa cùng với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông cơ bản hoàn thiện về kết cấu hạ tầng chính là động lực, sức bật để phát triển kinh tế - xã hội.

Cầu Đồng Việt hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ mở rộng giao thông kết nối vùng, khu vực

Ông Trần Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Bắc Giang cho biết: Năm 2022, nhiều trục giao thông quan trọng của tỉnh Bắc Giang đã được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng và khu vực. Trong năm, trên địa bàn Bắc Giang có 5 dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công mới với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, gồm: Dự án Xây dựng cầu Như Nguyệt; Dự án Xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu; Dự án Xây dựng cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An – Quốc lộ 31 – Quốc lộ 1 và tuyến nhánh hồ Suối Nứa – Khuôn Thần; Dự án Nút giao liên thông tại thị trấn Vôi với cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và Dự án Nâng cấp, mở rộng đường nối từ Đường tỉnh 293 đến Quốc lộ 17. Như vậy, hiện nay đã nâng tổng số dự án giao thông lớn đang triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang lên 13 dự án.

Dự án Đường nối Quốc lộ 37 - Quốc lộ 17 - Võ Nhai (Thái Nguyên), tỉnh Bắc Giang, có tổng mức đầu tư trên 1.450 tỷ đồng; thời gian thực hiện năm 2021-2024; giá trị khối lượng thực hiện từ đầu dự án đến nay đạt hơn 777 tỷ đồng. Dự án Xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, có tổng mức đầu tư trên 1.490 tỷ đồng; thời gian thực hiện năm 2022-2025; giá trị thực hiện từ đầu dự án đến nay đạt trên 242 tỷ đồng…

Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại, kết nối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, tạo không gian để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh; giải quyết dứt điểm vấn đề tắc đường cục bộ, chia cắt.

Năm 2023, Bắc Giang từng bước triển khai các nội dung theo quy hoạch phát triển GTVT thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại  Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022; hoàn thành cắm mốc lộ giới đối với đường tỉnh và các tuyến đường mở mới theo quy hoạch; tiếp tục ưu tiên nguồn vốn ngân sách, tăng cường huy động, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Bắc Giang sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm có trong Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, đảm bảo kết nối nội bộ, kết nối vùng thuận lợi; trong đó, tập trung hoàn thành các dự án: Đường tỉnh 292 đoạn từ cầu Bố Hạ đến thị trấn Phồn Xương; Đường tỉnh 291 trên địa bàn huyện Sơn Động; Xây dựng đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang với thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; Đường nối Quốc lộ 37-Quốc lộ 17-Đường tỉnh 292; Xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2 nối tuyến nhánh 2 Đường vành đai IV với Khu công nghiệp Yên Phong và Quốc lộ 18; Đường nối Quốc lộ 37-Quốc lộ 17-Võ Nhai; Xây dựng cầu Như Nguyệt...

Xây dựng đô thị hiện đại, bền vững

Nhờ thực hiện nhiều chiến lược mang tính đột phá, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có sự phát triển mạnh mẽ, bộ mặt đô thị chuyển biến rõ rệt; không gian, kiến trúc, cảnh quan ngày càng hiện đại, đồng bộ; môi trường không ngừng được cải thiện theo hướng sáng – xanh – sạch – đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh đã có 18/18 đô thị (đạt tỷ lệ 100%) có quy hoạch chung xây dựng đô thị và 6 khu vực dự kiến hình thành đô thị trong tương lai. Công tác quản lý quy hoạch được chặt chẽ, dần đi vào nề nếp, các quy hoạch được duyệt đều được công bố, công khai trên trang thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố để người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác về quy hoạch. Theo đó đã thu hút được 139 dự án khu đô thị, khu dân cư với tổng diện tích khoảng 2.400ha, với tổng mức đầu tư khoảng 36.780 tỷ đồng.

Dự án Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên do Liên danh Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển bền vững EVERGREEN Bắc Giang làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 2.299,0 tỷ đồng.

Theo đó, yêu cầu các cấp, ngành coi phát triển đô thị là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Chú trọng phương pháp quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.

Đại diện Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết: Ngày 17/2/2022, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Để thực hiện mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 32,4% vào năm 2025; mở rộng địa giới hành chính thành phố Bắc Giang (sáp nhập huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang); điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn; thành lập thị xã Việt Yên, thị xã Chũ…Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 5/4/2022 thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực hiện Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 5/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án, chương trình phát triển đô thị. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đã ban hành về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch; đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách mới, tạo sức hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích xã hội hóa công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; trọng tâm là các lĩnh vực phát triển nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, khu đô thị, cải tạo, chỉnh trang đô thị… theo hướng đồng bộ, hiện đại gắn với nền tảng công nghệ số; phát triển các khu đô thị, khu dân cư theo hướng xanh, thông minh, hiện đại cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và những điều kiện thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa; đặc biệt là nhà cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Đề án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình phát triển đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho phát triển kinh tế khu vực đô thị; triển khai các dự án khu đô thị - dịch vụ gắn với khu công nghiệp, khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao theo Quy hoạch tỉnh. Tiếp tục lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn cho người dân ra khỏi khu vực trung tâm các đô thị. Công tác triển khai và ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn với phát triển đô thị thông minh, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công được tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm.

Nâng cao chất lượng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Trong năm 2022, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được quan tâm tích cực chỉ đạo. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá tích cực; đã thu hút được trên 1,3 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 17%; tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 9 cả nước. Trong năm có hơn 1.400 doanh nghiệp và 130 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 22% so với năm 2021. Các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển mạnh  mẽ. Tổng vốn đầu tư phát triển cả năm ước đạt 74.700 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2021, vượt 3,4% kế hoạch.

Đặc biệt, thu hút đầu tư FDI của tỉnh Bắc Giang liên tục tăng cao và hiện đang xếp trong tốp 10 cả nước. Trong đó, có 24 dự án trong nước được cấp mới, vốn đăng ký là 5.613 tỷ đồng; 20 dự án FDI với vốn đăng ký 274,6 triệu USD; điều chỉnh 8 dự án trong nước, vốn đăng ký tăng thêm 246 tỷ đồng; điều chỉnh 31 dự án FDI tổng vốn tăng thêm 555,97 triệu USD.

Chủ trương của tỉnh trong thu hút FDI là "1 không, 2 ít, 3 cao và 5 sẵn sàng". Trong đó, "1 không" là không ô nhiễm, "2 ít" là sử dụng ít đất, ít lao động, "3 cao" là ứng dụng công nghệ cao, suất vốn cao, hiệu quả kinh tế cao và cuối cùng, "5 sẵn sàng" là sẵn sàng về mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch hiệu quả. Từ những nỗ lực này, tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Tốc độ tăng trưởng  kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang năm 2022 ước đạt 19,8% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước.

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Quy mô GRDP được mở rộng, ước đạt 155,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,5 tỷ USD, vượt 2,5% kế hoạch; GRDP bình quân đầu người đạt 3.400 USD, tăng 15,3% và vượt 3% kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế cũng dịch chuyển tích cực.

Sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 30%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.

Tuấn Thành

 

Đăng ngày: 06/01/2023 , 16:28 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác