Hà Nội: Siêu thị chủ động tìm nhà cung cấp thực phẩm thay thế, đảm bảo đủ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân

Đăng ngày: 02/08/2021 , 17:55 GMT+7

Những ngày gần đây, Hà Nội đã phát hiện những ca F0 tại các chợ truyền thống và các nhà cung ứng đầu vào cho siêu thị. Bên cạnh việc siết chặt quản lý phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ truyền thống, trung tâm thương mại, hiện các phân phối cũng chủ động tìm các nhà cung ứng thực phẩm thay thế, đảm bảo đủ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Nhiều chợ truyền thống phát hiện F0

Tối ngày 1/8, tại khu hải sản, chợ Long Biên (quận Ba Đình) được chăng dây, lập hàng rào phong toả cổng chính để xét nghiệm truy vết, ngay sau khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chiều cùng ngày công bố ca nhiễm Covid-19 là tiểu thương thường xuyên lấy hàng tại đây.

Cũng trong chiều tối ngày 1/8, UBND quận Ba Đình đã ra thông báo khẩn tìm người từng đến khu vực chợ Hải sản phường Phúc Xá từ 3 giờ sáng 30/7 đến nay, nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế, sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 tại đây.

Trong tối 1/8, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ra thông báo tạm thời phong toả, đóng cửa ngừng hoạt động chợ đầu mối Minh Khai để phòng chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, sáng 1/8, ngay sau khi ghi nhận một người bán rau tại chợ Phùng Khoang (phường Văn Quán, quận Nam Từ Liêm) mắc Covid-19, lực lượng chức năng đã cho tạm phong tỏa một khu của chợ này để lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương liên quan.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Cầu Giấy ngày 1/8 cũng ra thông báo khẩn tìm người từng đến khu vực chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch) trong thời gian từ 22 – 29/7 do liên quan Covid-19. 

Trước đó, ngày 28/7, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) đã tạm dừng hoạt động chợ đầu mối phía Nam vì xuất hiện ca nghi mắc Covid-19. 

Siêu thị chủ động tìm nhà phân phối thay thế

Nguy cơ dịch Covid-19 không chỉ tấn công vào các chợ truyền thông mà tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng đang hiện hữu. Sáng 2/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội vừa ra thông báo tìm người có liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga tại địa chỉ: 82/651 Minh Khai, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội kể từ ngày 14/7/2021 đến 01/8/2021. Người đến và giao dịch với Công ty tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115/ 0949.396.115.

Đáng chú ý, Công ty Thanh Nga (địa chỉ 82/651 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng) là nhà cung cấp thịt cho một số siêu thị, cửa hàng tiện ích tại khu vực Hà Nội.

Đại diện VinCommerce cho biết, ngay khi nhận được thông tin xác định các ca F0 liên quan đến Công ty Thanh Nga, VinCommerce đã dừng nhận hàng từ nhà cung cấp này này. Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội từ đêm 1/8 và sáng nay, 2/8, liên quan đến danh sách các nhân viên công ty giao hàng cho các siêu thị Vinmart và cửa hàng Vinmart+ tại Hà Nội, theo đại diện VinCommerce, hiện tại, siêu thị đang tuân thủ theo hướng dẫn của Tập đoàn Masan và tích cực phối hợp cùng cơ quan chức năng để khoanh vùng, truy vết, thực hiện tất cả các biện pháp phòng dịch.

Cũng theo đại diện VinCommerce, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về danh sách hàng trăm siêu thị, cửa hàng thuộc VinCommerce có tiếp xúc F0 của nhà cung cấp Thanh Nga và nguy cơ lây nhiễm không phải là thông tin chính thống từ VinCommerce cũng như các cơ quan chức năng công bố. Điều này gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

VinCommerce cho biết thêm, trong ngày hôm nay (2/8) sẽ có thông tin chính thức từ VinCommerce và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, công ty sẽ cập nhật trên trang Fanpage để người tiêu dùng yêu tâm mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm.

Ông Nguyễn Thái Dũng- Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG- cho biết, Thanh Nga là một trong nhiều nhà cung cấp thịt cho bên BRG cũng như nhiều siêu thị khác. Việc Thanh Nga có ca dương tính với Covid-19 và tạm thời dừng hoạt động nên các siêu thị khác sẽ dồn vào các nhà cung cấp khác như: Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH thực phẩm Minh Hằng, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam… Do đó, phía doanh nghiệp như BRG cũng đang tìm các nhà cung cấp khác thay thế để bổ sung vào lượng hàng bị thiếu hụt.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Thái Dũng cho hay, từ trước đến giờ các hệ thống siêu thị đã triển khai giao hàng giãn cách. Nhân viên nhận hàng và nhân viên giao hàng thực hiện 5K, đeo khẩu trang, găng tay, xịt khuẩn. Giữ khoảng cách 2m, để hàng, hóa đơn vào khu giao hàng rồi ra về. Tại siêu thị, thực hiện 5K, thì cũng thực hiện giãn cách, bố trí vách ngăn, đo nhiệt độ, sát khuẩn…

Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại, mặc dù nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống bị phong tỏa tạm thời nhưng nguồn cung thực phẩm tại các chợ trên địa bàn Thành phố ổn định. Tại chợ một số chợ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, giá thịt lợn phổ biến ở mức 120.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt gà ta (nguyên lông) 120.000 đồng/kg; giá lạc 80.000 – 120.000 đồng/kg tùy loại (có tăng so với trước đó); rau muống 15.000 đồng/mớ; bí xanh 20.000 đồng/kg; trứng gà 50.000 đồng/chục.

Tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ưng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Tại siêu thị Big C, Vinmart, BRG, Hapro,… giá rau củ vẫn giữ ổn định, như bí xanh 14.300 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg; đậu đũa 25.900 đồng/kg… và bán với số lượng không giới hạn. Bên cạnh đó, các siêu thị cũng đẩy mạnh bán hàng online. Trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội đơn mua hàng online của người dân đã tăng gấp 2-5 lần so với những ngày trước đó.

Như vậy, với việc chủ động nguồn cung, dự trữ hàng hóa thiết yếu trong cao điểm chống dịch như hiện nay, người dân hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm trong cao điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Công Thương Hà Nội đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu đặt tại các quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng công bố danh sách 455 chợ cung cấp hàng hóa thiết yếu để đảm bảo người dân Hà Nội yên tâm chống dịch, nhằm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND Thành phố về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn và phòng, chống dịch Covid-19.

Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6h00 - 22h00 hàng ngày. Trong số các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu còn các bưu cục, chuyển phát nhanh nhằm vụ vận tải, cung ứng hàng hóa.

PV.

Đăng ngày: 02/08/2021 , 17:55 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác