Chuyển mình để vươn xa

Đăng ngày: 06/04/2021 , 10:13 GMT+7

Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện đổi mới, xây dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, cùng cả nước hội nhập và phát triển. Trên cơ sở những thành tựu đạt được giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra định hướng chiến lược mang tính đột phá cho giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo.

Đ/c Nguyễn Thanh Hải - Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên làm việc với Tập đoàn Capital United (Hoa Kỳ)

Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra mục tiêu tổng quát là: Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai xây dựng các chương trình, đề án, dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Để hoàn thành 15 chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đã xác định phải tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược đã được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, Thái Nguyên tập trung vào 5 định hướng lớn: Thứ nhất, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh, ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư trong phát triển hạ tầng giao thông, phát triển các khu công nghiệp gắn với phát triển Vùng thủ đô Hà Nội. Thứ hai là chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, công nghệ cao, khuyến khích hình thành những ngành, cụm sản xuất có tương quan trong lĩnh vực tạo tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Thứ ba là nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tập trung rèn luyện, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ. Thứ tư là quan tâm phát triển nguồn nhân lực của địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy những lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với thế mạnh các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh. Thứ năm là đặc biệt quan tâm đến chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Đề án phát triển tổng thể theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, phát triển tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh.

Đ/c Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thăm và làm việc tại nhà máy Z115

Đối với lĩnh vực kinh tế, tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc; quy hoạch hệ thống đô thị Thái Nguyên theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với hệ thống đô thị vùng đồng bằng Bắc Bộ. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, các nhà đầu tư đến với tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với các nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp, cơ khí chế tạo công nghiệp, chế biến khoáng sản, nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường.

Tận dụng các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp ứng dụng, công nghiệp sạch, sản xuất hàng xuất khẩu, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khu cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh; xây dựng và phát triển thị xã Phổ Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên là một trong những tỉnh ban hành nghị quyết của Đảng đầu tiên về chuyển đổi số, hướng tới đổi mới căn bản toàn diện trong công tác quản lý điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dung cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh; phát triển kinh tế số, xã hội số; quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy hoạt động trên môi trường số.

Ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn

Một trong những mục tiêu mà Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đó là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát triển sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Để đạt được các mục tiêu này, đối với lĩnh vực văn hóa xã hội, sự nghiệp giáo dục, đào tạo sẽ tập trung củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học và trường chuẩn quốc gia. Đặc biệt quan tâm đến giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Huy động các nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp với thực tiễn và nhu cầu xã hội; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phát triển y tế chuyên sâu, phát huy vai trò của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và các bệnh viện tuyến tỉnh trong tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới. Kế thừa và phát triển y học cổ truyền, nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, trên cơ sở phát huy những thành quả đã đạt được và tinh thần đoàn kết trong toàn dân, hy vọng rằng trong thời gian tới Thái Nguyên sẽ chuyển mình, bứt phá và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra./.

Mai Phương

 

 

Đăng ngày: 06/04/2021 , 10:13 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác