Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, hiện đại

Đăng ngày: 20/10/2021 , 08:15 GMT+7

Nhằm cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã xây dựng dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

 

Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 45% vào năm 2030

Quan điểm đổi mới

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới là “Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, đồng thời khẳng định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược.

Để góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển đất nước, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam cần được phát triển đa dạng, linh hoạt, tạo nền tảng phát triển giáo dục nghề nghiệp thích ứng với thị trƣờng lao động. Các cơ sở đào tạo nghề hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, có sức cạnh tranh và sáng tạo trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tham gia hiệu quả vào thị trường đào tạo nhân lực và thị trường lao động không biên giới và đa văn hóa trong hội nhập quốc tế.

Bộ LĐTB&XH xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tập trung ưu tiên các cơ sở GDNN công lập trọng điểm và đặc thù, đảm bảo tính ổn định của mạng lưới cơ sở GDNN và tầm nhìn dài hạn của phát triển GDNN, đồng thời đẩy mạnh phát triển các cơ sở GDNN ngoài công lập đa dạng về loại hình, hình thức đào tạo dựa trên định hướng thị trường; Phát triển theo hướng mở, linh hoạt, liên thông tạo cơ hội cho mọi người tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ đào tạo trong suốt cuộc đời lao động nghề nghiệp; quy hoạch theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, đa dạng về phương thức và loại hình cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững bao trùm, tăng trưởng xanh và cân bằng; Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động trong nước, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động trong nước, tham gia hiệu quả thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước; Phát triển phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội trong từng thời kỳ; khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức khác, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở GDNN và tham gia hoạt động nghề nghiệp.

Theo dự thảo, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả thông qua việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hiện có và đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bố một cách phù hợp và hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động địa phương, vùng, đất nước và từng bước tham gia sâu rộng vào cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường quốc tế.

Giảm số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập 10% so với năm 2020 (số trường trung cấp giảm 50% so với năm 2020), phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 40% vào năm 2025; có khoảng 70 trường chất lượng cao, trong đó 40 trường tương đương trình độ các nước ASEAN-4; 5-7 trường tương đương trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; hệ thống ngành, nghề trọng điểm quốc gia được hình thành, trong đó 5-10 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong ASEAN-4.

Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 45% vào năm 2030

Giai đoạn 2026-2030, đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tập trung vào các ngành, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập phát triển nhanh, đa dạng về loại hình, hình thức và quy mô dựa trên nhu cầu phát triển của thị trường.

Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 45% vào năm 2030; 100% địa phương hình thành trường cao đẳng đa ngành công lập cấp tỉnh từ việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành một đơn vị sự nghiệp công lập; có khoảng 90 trường chất lượng cao, trong đó 50 trường tương đương trình độ các nước ASEAN-4, 15 trường tương đương trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; ngành, nghề trọng điểm quốc gia ngày càng hoàn thiện, trong đó 15-20 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực và thế giới.

Định hướng đến 2045 phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo hướng mở, tinh gọn, hiệu quả, phân tầng chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Theo đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công về giáo dục nghề nghiệp bảo đảm nhu cầu học nghề, tham gia vào quá trình kết nối thị trường lao động đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, đồng thời bảo đảm nguyện vọng học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chất lượng cao nằm trong nhóm dẫn đầu các nước Đông Nam Á và ngang bằng với một số nước phát triển.

Để đạt được các mục tiêu trên, dự thảo đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Giải pháp về cơ chế, chính sách; phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị; liên kết, hợp tác phát triển; giải pháp về hợp tác quốc tế; huy động và phân bổ vốn đầu tư…

PV.

 

Đăng ngày: 20/10/2021 , 08:15 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác