Để thực hiện chương trình OCOP hiệu quả, đảm bảo tiến độ đánh giá phân hạng sản phẩm theo kế hoạch đề ra, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí, thời gian qua, huyện Tân Yên đã yêu cầu cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ thể thiết lập, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Bộ tiêu chí đối với các nhóm sản phẩm; chủ động liên hệ với thành viên Tổ giúp việc Hội đồng OCOP tỉnh Bắc Giang để tư vấn, hỗ trợ trực tiếp các chủ thể trong quá trình hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân, chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP chủ động hoàn thiện sản phẩm. Cùng với đó là triển khai hướng dẫn, trợ giúp chủ thể hoàn thành câu chuyện sản phẩm dưới dạng tờ rơi, đăng tải trên video, công bố chất lượng sản phẩm; cung cấp bổ sung các hình ảnh đặc trưng tuyên truyền về sản phẩm… Nhờ đó, đã khơi dậy, tạo động lực cho các chủ thể khai thác tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm địa phương để mở rộng sản xuất, vùng nguyên liệu. Cách làm này cũng từng bước thay đổi tư duy người sản xuất theo hướng chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị khép kín.
Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc, đồng hành của mọi tầng lớp nhân dân, các sản phẩm OCOP của Tân Yên ngày đa dạng, chất lượng không ngừng được nâng cao. Huyện Tân Yên hiện có nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng, mang lại giá trị kinh tế, tiêu biểu là sản phẩm: Nụ hoa sâm Nam núi Dành khô của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung đạt OCOP 4 sao, nem nướng Liên Chung của Hợp tác xã Nem nướng Liên Chung đạt OCOP 4 sao, tương Liên Chung của Công ty TNHH LC Food đạt OCOP 3 sao, Giáp tửu men lá Tây Yên Tử của HTX núi Ông Vệ đạt OCOP 3 sao….
Nem nướng và sâm nam núi Dành là những sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Tân Yên
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên cho biết: Công nhận và xếp hạng OCOP, các sản phẩm đã tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế, qua đó thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp trong mọi tầng lớp nhân dân, hướng người dân phát triển sản xuất gắn với kinh tế thị trường. Chương trình OCOP đã giúp các chủ thể nhìn nhận, đánh giá lại chất lượng sản phẩm của mình, tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ hướng tới phát triển bền vững.
Tương Liên Chung được đóng trong chai nhựa có tem mác đầy đủ
Bà Đỗ Thị Quyên, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyên Phong, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên chia sẻ: HTX hiện có 02 sản phẩm đạt OCOP trong đó Ổi Tân Yên đạt 4 sao và Trà búp ổi Tân Yên đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của HTX sau khi được công nhận OCOP đã tự tin tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại một số thị trường tiềm năng; được người tiêu dùng tin tưởng, đáp ứng yêu cầu thị trường, mang lại doanh thu ổn định, tạo việc làm với mức thu nhập khá cho các thành viên.
Trà búp ổi Tân Yên được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, huyện Tân Yên đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng giá trị. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, sở, ngành liên quan để các chủ thể, HTX, doanh nghiệp có cơ hội tham gia các hội trợ, triển lãm, xúc tiến thương mại; Tiếp tục tuyên truyền, tạo sự kết nối để sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử, kết nối vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Phấn đấu năm 2025 toàn huyện có 45 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; năm 2030 có 60 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 7- 10 sản phẩm đạt 4 sao./.
Tuấn Thành