Kinh tế Việt Nam năm 2020 - Những điểm nhấn và dự báo năm 2021

Đăng ngày: 09/02/2021 , 14:51 GMT+7

Có thể nói năm 2020 là năm chưa từng có tiền lệ đối với thế giới và là năm đặc biệt đối với Việt Nam. Chưa từng có tiền lệ bởi lần đầu tiên nhân loại phải đối mặt, chống chọi với đại dịch mới mang tên Covid-19 với sức tàn phá kinh khủng đối với tình hình kinh tế - xã hội toàn thế giới, trong đó phải kể đến sự suy giảm kinh tế chạm đáy trong nhiều thập kỷ đối với những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Còn nói là đặc biệt với Việt Nam là bởi bất chấp bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, tác động không nhỏ tới các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép”: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đạt được những dấu ấn đáng kể.

Tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới

Năm 2020, hàng loạt chính sách, giải pháp cấp bách, kịp thời đã được Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vận hành nền kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”. Đó là gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng; các chính sách cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay, gia hạn nộp thuế, miễn giảm phí, lệ phí, cũng như các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu nội địa, tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu.

Với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91%, đưa Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương duy nhất trong khu vực Đông Nam Á và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Tuy không đạt mục tiêu đề ra và là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới năm qua. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%. Bên cạnh đó, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng rất tích cực như: Lạm phát 3,23%, thu hút đầu tư nước ngoài 28,5 tỷ USD…

Dấu mốc mới trong hội nhập kinh tế quốc tế

Năm 2020, bên cạnh việc Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA),Việt Nam cũng chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA) ngày 29/12/2020, có hiệu lực ngay từ 23h ngày 31/12/2020. Cũng trong năm, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã ký kết trực tuyến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN do Việt Nam làm Chủ tịch. Lần đầu tiên, chỉ trong vòng một năm, Việt Nam đã tham gia 3 Hiệp định thương mại, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có, nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 15.

Với việc cắt giảm thuế quan, sâu rộng liên tục, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai, đã mở ra triển vọng tăng trưởng có lợi cho Việt Nam khi tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế toàn cầu. Các FTA mới ký kết và thực thi bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực, đặc biệt là EVFTA và CPTPP. Chỉ 5 tháng sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực tính đến hết ngày 18 tháng 12 năm 2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi là rất khả quan. Với CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%. Trong khi đó, theo cam kết, dự kiến hiệp định RCEP sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thị trường quy mô lớn nhất thế giới khi chiếm 30% dân số thế giới, GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu.

Xuất siêu 19,1 tỷ USD - cao nhất trong 5 năm qua

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2020. Nguồn: TCTK

Bất chấp kinh tế thế giới cũng như trong nước chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước tính vẫn đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Theo số liệu ước tính của Tổ liên ngành (gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê),kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.

Trong đó, năm 2020 ghi nhận 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu tăng khá đến từ sự tăng trưởng của các mặt hàng xuất khẩu mới, bù đắp cho sụt giảm của các mặt hàng truyền thống. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

Dưới góc độ vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới cũng như thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập đã được thể hiện rõ ràng hơn, hoạt động xuất nhập khẩu không bị tác động quá lớn bởi sự phụ thuộc vào một số thị trường và những xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua. Trong bối cảnh dịch Covid-19, với việc thành công trong chống dịch, tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam chính là điểm sáng trên toàn thế giới.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đầu tháng 12 vừa qua rằng, nền kinh tế toàn cầu có thể trở lại mức trước đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2021. Trong khi đó Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay có thể đạt mức 4% với việc dịch bệnh được quản lý tốt và tiêm chủng hiệu quả hạn chế sự lây lan trong cộng đồng tại nhiều quốc gia, đồng thời chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ thuận lợi trong khi các hỗ trợ tài chính giảm dần. Tuy nhiên, mức độ tăng GDP toàn cầu năm 2021 được dự báo vẫn thấp hơn 5,3% (tương đương 4,7 nghìn tỷ USD) so với dự báo trước đại dịch. Trong đó, kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) có thể tăng trưởng ở mức 7,4% vào năm 2021 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc.

Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam là một trong số ít các nước trong khu vực được WB dự báo duy trì tăng trưởng cao ở mức 6,7% trong năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.

Sau năm 2020 nỗ lực tăng trưởng trong khó khăn, năm 2021 kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức và cơ hội mới.

Về thách thức: Là một nền kinh tế có độ mở cao, tham gia nhiều FTA, xuất khẩu hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh hàng loạt các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn trong giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa. Đồng thời phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt của các thị trường xuất nhập khẩu.

Về cơ hội: Trên thị trường quốc tế, do lo ngại tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp ở những quốc gia sản xuất công nghiệp khác, nhiều nhận định cho rằng Việt Nam đang trở thành lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn lớn để dịch chuyển cơ sở sản xuất.

Trong nước, việc Chính phủ trình Quốc hội thông qua các Luật trong năm 2020 như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi và đặc biệt là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp tiếp tục nâng cao khung khổ pháp lý quản trị doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư theo chuẩn mực thông lệ tốt của quốc tế. Luật Đầu tư bãi bỏ 21 ngành, nghề; sửa đổi 24 ngành, nghề và bổ sung 7 ngành, nghề trong Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, Luật PPP tạo khung khổ pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực hạ tầng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã tiếp tục ban hành nghị quyết về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; khuyến khích đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được quốc tế ghi nhận cải thiện và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá tích cực.

Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 xác định: Tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và nước ta.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Nghị quyết đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2021. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%. GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%...

Để đạt các mục tiêu trên, bên cạnh giải pháp thúc đẩy tiến độ nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắcxin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắcxin phòng dịch Covid-19 sớm nhất, Nghị quyết đề ra một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu. Đó là: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ phù hợp để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực trọng yếu; rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, nhất là trong lĩnh vực thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, thương mại, quản lý thị trường… để tiếp tục hoàn thiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công theo hướng tập trung nguồn lực cho cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Việt Hằng (Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tháng 1/2021)

Đăng ngày: 09/02/2021 , 14:51 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác