Nhiều kết quả nổi bật
Toàn cảnh Hội nghị, Ảnh: Đức Minh
Trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) được triển khai trong bối cảnh các cân đối lớn vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức tích cực (GDP quý I tăng 5,66%, quý II tăng 6,93%, 6 tháng tăng 6,42%), lạm phát cơ bản được kiểm soát; thu NSNN, bội chi, nợ công được kiểm soát; thị trường tài chính, chứng khoán phát triển; thị trường tiền tệ, tỷ giá được điều hành linh hoạt; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,7% so với cùng kỳ, xuất siêu 11,63 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,19 tỷ USD, tăng 13,1%; quốc phòng, an ninh được củng cố; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ sức khỏe người dân được quan tâm thực hiện tốt.
Tuy nhiên, tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, phát sinh nhiều khó khăn, thách thức lớn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia, khu vực; lạm phát tuy đã hạ nhiệt song vẫn còn ở mức cao; giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, cước vận tải biển biến động mạnh, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu.
Tổng cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm; sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn khó khăn; áp lực lạm phát lớn do biến động tăng của tỷ giá, điều chỉnh giá điện, tiền lương,... Trong bối cảnh nêu trên, thực hiện các Nghị quyết, ết luận của Trung ương, Bộ chính trị, quốc hội, chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, bám sát chủ đề điều hành năm 2024 của chính phủ “kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững và tình hình thực tiễn …
6 tháng đầu năm, ngành Tài chính đã chủ động tham mưu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực và trọng tâm, trọng điểm; phối hợp chặt ch với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống người dân.
Sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước tin tưởng ngành Tải chính sẽ đoàn kết, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tài chính - NSNN đề ra trong năm 2024.
Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Đồng thời, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam. Xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài để quảng bá và tăng cường thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam.
Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa 04 Thông tư (Thông tư số 96/2020/TT-BTC, số 119/2020/TT-BT, số 120/2020/TT-BT, số 121/2020/TT- BT) nhằm cải thiện 2 nhóm vấn đề chính là: (i) ký quỹ trước giao dịch; (ii) yêu cầu về quyền tiếp cận thông tin bình đẳng, kịp thời nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chí của tổ chức xếp hạng FTSE Russell.
Trong 6 tháng đầu năm, diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) có xu hướng hồi phục khá, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới tăng trưởng tích cực và đà phục hồi của nền kinh tế tiếp tục được duy trì. Tính đến ngày 28/6/2024 (phiên giao dịch cuối cùng tháng 6), chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm; tăng 10,2% so với cuối năm 2023; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 19,0% so với cuối năm trước; tương đương 69,1% GDP năm 2023. Đây được coi là kỳ vọng tích cực giúp Việt Nam thăng hạng thị trường chứng khoán.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp duy trì ổn định
Tính từ thời điểm hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bắt đầu vận hành (ngày 19/7/2023) đến cuối tháng 6 năm 2024, số mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống đã công bố trên Chuyên trang thông tin về TPDN của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 1.097 mã trái phiếu của 293 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt khoảng 784,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phát sinh giao dịch của 1.095 mã trái phiếu thuộc 293 tổ chức phát hành; tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 685 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt 2,94 nghìn tỷ đồng/phiên. Có 41 doanh nghiệp đã phát hành TPDN riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỷ đồng (gấp 2,6 so với cùng kỳ năm ngoái); Tổ chức tín dụng chiếm 63,2% (đạt 69,6 nghìn tỷ đồng), doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,6% (đạt 31,5 nghìn tỷ đồng). Về cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư là tổ chức mua TPDN trên thị trường sơ cấp chiếm 94,8% khối lượng phát hành, tập trung vào các tổ chức tín dụng (53,5%) và công ty chứng khoán (21,9%); các nhà đầu tư cá nhân mua 5,2%.
Các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thường trực chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương quyết tâm, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024 tại Nghị quyết 01/NQ- CP của chính phủ và các Nghị quyết phiên họp hính phủ thường kỳ.
Bộ Tài Chính cũng xác định nhiệm vụ tài chính-ngân sách 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, để hoàn thành nhiệm vụ được giao ở mức cao nhất, ngành Tài chính cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, trước tiên cần tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN, kiểm soát chặt chẽ, bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định. Kiểm soát nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, các nghĩa vụ trả nợ dự phòng của NSNN, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với tiến độ thu, chi và giải ngân vốn đầu tư công…
Thu Trang