Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Giang: Nhiều nỗ lực trong thực hiện đề án tái cơ cấu

Đăng ngày: 23/08/2022 , 10:25 GMT+7

Hơn 8 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Chính phủ cùng với Kế hoạch hành động của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Giang đạt được kết quả đáng khích lệ, mang tính đột phá. Để tiến tới tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp lợi thế của từng vùng, địa phương, tạo giá trị khác biệt và hướng đến xuất khẩu, Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch, chiến lược giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch, thông minh gắn với chuyển đổi số.

 

Bắc Giang là địa phương có diện tích và sản lượng vải thiều lớn của cả nước

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiềumô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, an toàn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.Kết quả này thể hiện những nỗ lực của tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thực hiện đề án tái cơ cấu với hàng loạt cơ chế chính sách được triển khai, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cùng các quy trình, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương.

Năm 2021, giá trị sản xuất/1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 135 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,28% (năm thứ 2 liên tiếp đạt ở mức cao), quy mô đạt 38.310 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,8%/năm.

Đến tháng 8/2022, Bắc Giang có 656 HTX nông nghiệp, trong đó có 20% tham gia thực hiện các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, 50 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất, trung bình hàng năm tăng khoảng 50 hợp tác xã/năm. Bắc Giang cũng đã chuyển đổi được hơn 7.159ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, hình thành vùng cây ăn quả trên 51 nghìn ha, trong đó vùng vải trên 28 nghìn ha, vùng cây có múi trên 10,7 nghìn ha, vùng na trên 2 nghìn ha, vùng sản xuất rau chế biến, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap diện tích 12 nghìn ha.

Nhằm khai thác tối đa lợi thế địa phương, Bắc Giang phát triển chăn nuôi theo hướng tăng số lượng đầu con hợp lý, ưu tiên phát triển vật nuôi chủ lực như lợn, gà. Chuyển dịch mạnh chăn nuôi quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, xa khu dân cư, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhằm ổn định thị trường, nâng cao giá trị gia tăng. Nhờ đó, cơ cấu đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh có sự chuyển dịch tích cực, giữ vững được tổng đàn và thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”, “Thịt lợn sạch Tân Yên”, “Mật ong rừng Sơn Động”, “Mật ong rừng Yên Thế”, “Thịt lợn hữu cơ Bình Minh”…

Toàn tỉnh có hơn 23.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi thuỷ sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP  ngày càng phát triển, mở rộng, sản lượng đạt hơn 50.350 tấn/năm.

Lâm nghiệp phát triển, tạo sinh kế cho bà con các dân tộc thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong năm 2021, toàn tỉnh trồng trên 5 triệu cây phân tán theo Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, trồng trên 9.000ha rừng tập trung, sản lượng gỗ khai thác trên 950 nghìn m3 gỗ, doanh thu từ chế biến lâm sản đạt 1.800 tỷ đồng.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng

Bắc Giang là tỉnh có vùng chuyên canh cây ăn quả rộng lớn với hơn 51.000 ha, trong đó diện tích trồng vải thiều hơn 28.000 ha. Đây cũng là địa phương có sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước. Vải thiều  Bắc Giang đã xuất khẩu đi 30 nước trên thế giới, được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, doanh thu hàng năm đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Không chỉ vải thiều, vùng cây ăn quả có múi cũng chiếm hơn 10.770 ha cho doanh thu hàng năm 2.200 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm với các loại cây ăn quả, tỉnh đã phê duyệt kết quả xây dựng “Bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Đến nay, bản đồ số cơ bản hoàn thiện với đầy đủ thông tin liên quan đến vùng sản xuất tập trung. Cùng với xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Giang đang tập trung cấp mã vùng trồng đối với các vùng sản xuất tập trung gắn với số hóa mã vùng trồng, qua đó quản lý được quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Trước mắt, ngành sẽ cấp mã số vùng trồng đối với toàn bộ diện tích cây ăn quả có quy mô tập trung từ 10 ha trở lên kết hợp cập nhật thông tin lên nhật ký điện tử. Việc làm này không chỉ giúp quản lý sản xuất mà còn là bước tiến để nông sản tỉnh Bắc Giang tiếp cận các sàn thương mại điện tử, tăng giá trị sản phẩm. Những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm cho năng xuất, chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ; quy trình sản xuất SRI, 3 giảm, 3 tăng; sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, có hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt; chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp, chuồng trại khép kín, có máng ăn, máng uống tự động, sử dụng chế phẩm sinh học, xử lý chất thải bằng hầm biogas; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được ngành và tỉnh đặc biệt quan tâm, có chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời để tạo động lực nhân rộng.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tỉnh có chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, nhà sơ chế, kho lạnh. Đối với các loại cây trồng không sản xuất trong nhà lưới, nhà màng như cây lúa, cây công nghiệp, cây vải, cây ăn quả có múi…, tỉnh có chính sách hỗ trợ về giống, vật tư, phân bón và quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn đảm bảo phát triển đồng bộ và bền vững.                                     

Đến năm 2025, Bắc Giang phấn đấu tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt 40%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt 20%. Giá trị sản xuất bình quân/ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng. 50% số hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp có các hoạt động ứng dụng công nghệ cao, trong đó, tối thiểu 1/3 HTX, doanh nghiệp nông nghiệp có các ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất.

                                                                                              Tuấn Thành

Đăng ngày: 23/08/2022 , 10:25 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác