Hiệp định RCEP - Con đường mới để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế

Đăng ngày: 20/04/2022 , 09:31 GMT+7

Ngày 19/4/2022, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN năm 2022 với chủ đề “Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết”.

Quang cảnh Hội nghị Tập huấn kiến thức tuyên truyền Hiệp định RCEP đến cộng đồng doanh nghiệp

Tại hội nghị tập huấn, những nội dung cơ bản về Hiệp định RCEP mà doanh nghiệp cần biết, đã được các diễn giả đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trình bày cụ thể.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là: Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, được ký kết vào ngày 15/11/2020. Hiệp định có hiệu lực sau khi có đủ 6 nước ASEAN và 3 đối tác ngoài ASEAN hoàn tất quá trình phê chuẩn nội bộ.

Việt Nam có mối quan hệ thương mại – đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên ký kết RCEP. Những đối tác thuộc tốp đầu các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đều có mặt trong khu vực này. Trong so sánh với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN và ASEAN với các đối tác, Hiệp định RCEP có phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa mạnh và/hoặc có tiêu chuẩn cao hơn ở nhiều khía cạnh. Do đó, việc thực thi RCEP được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Văn kiện Hiệp định bao gồm 20 Chương, 4 Phụ lục, với hàng ngàn trang cam kết có nội dung và ngôn ngữ phức tạp. Việc tìm hiểu, tận dụng được cơ hội từ các cam kết này là thách thức lớn với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại hội nghị, các phóng viên, biên tập viên đã được nghe các nội dung: Hiệp định RCEP – những nội dung cơ bản doanh nghiệp cần biết; dự báo một số tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam; quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP (Thông tư 05/2022/TT-BCT ngày 18/2/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 04/4/2022); một số nội dung về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, dịch vụ tài chính và thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP...

Việc nắm bắt thông tin mới về Hiệp định RCEP giúp cho các phóng viên, biên tập viên có thêm kiến thức để truyền đạt đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân những cơ hội từ RCEP có thể tận dụng mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19.

Các diễn giả làm rõ thêm những nội dung của Hiệp định RCEP tại phiên thảo luận

Theo đó, tại tập huấn, các diễn giả cho hay, Hiệp định RCEP giữa ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand đã được ký tháng 11/2020 và có hiệu lực từ đầu năm 2022.

Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng (chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD (tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu),trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Với độ mở lớn hơn so với các hiệp định thương mại tự do khác, RCEP được kỳ vọng sẽ tạo được sân chơi cho nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng sản phẩm của Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường các nước nội khối. Để tận dụng cơ hội từ Hiệp định RCEP, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt và hiểu rõ các quy định về xuất xứ hàng hóa, từ đó có thể đầu tư phát triển phù hợp và lựa chọn các mức thuế ưu đãi phù hợp với sản phẩm của doanh nghiệp mình gia tăng sản xuất, xuất khẩu hàng hóa./.

PV.

Đăng ngày: 20/04/2022 , 09:31 GMT+7

Tin liên quan