Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính

Đăng ngày: 02/02/2024 , 14:15 GMT+7

Ngày 30/01/2024, tại Hà nội, Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Ứng dụng khí mới LNG, nền tảng cho lộ trình giảm phải thải khí nhà kính” được tổ chức nhằm cung cấp, trao đổi những vấn đề liên quan đến việc ứng dụng khí sạch LNG trong phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam.

 

Tham dự hội thảo có: PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng; TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS. Nguyễn Hữu Lương - Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam; Đào Nhật Đình Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Trong những năm gần đây, khi mà những biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ nét tới môi trường sống trên trái đất thì nguồn phát thải ô nhiễm đã được chú ý giảm thiểu, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than đá, dầu thô) ngày một hạn chế. Con người đang hướng tới sử dụng những dạng nhiên liệu bền hơn, sạch hơn, ít gây ô nhiễm môi trường sống hơn. Việc đưa vào sử dụng và phát triển LNG tại Việt Nam đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam, song thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại để đưa vấn đề này trở thành hiện thực. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng, ông Tào Khánh Hưng cho biết: Đây là hội thảo chuyên sâu nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc chuyển đổi năng lượng sạch. Cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp về ứng dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong khu đô thị, nhà máy sản xuất điện, khu công nghiệp. Đồng thời, tổng hợp các giải pháp đột phá từ nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng sạch cho doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng và cơ sở hạ tầng...

Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những phân tích, nhận định và đánh giá tổng quan tiến trình phát triển điện khí nói riêng và phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam nói chung hiện nay. Nêu lên thực trạng, những cơ hội cũng như thách thức trong quá trình xây dựng hệ thống cơ chế chính sách phát triển điện khí tại Việt Nam, từ đó có những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền chức năng nhằm tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thu hút đầu tư vào các dự án điện khí. Đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon, chiến lược và tầm nhìn của Việt Nam đối với việc đẩy mạnh phát triển điện khí trong trung và dài hạn. Hiện nay, các chính sách về phát triển năng lượng đã có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước theo hướng ngày càng chú trọng đến việc phát triển năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng mới đi kịp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Lương - Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, LNG là một loại nhiên liệu có nhiều ưu điểm so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống. LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải C02 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ, do đó hiện LNG đang là nhiên liệu sạch nhất so với các loại nhiên liệu truyền thống. Bên cạnh đó, khi cháy LNG có thể tạo ra ngọn lửa có nhiệt độ rất cao (khoảng 1.880 độ C) và có khả năng cháy hoàn toàn mà không để lại cặn giúp các loại thiết bị, máy móc an toàn hơn, giảm hao mòn, ít phải bảo trì và tăng tuổi thọ.

Đặc biệt, khi tồn tại ở dạng lỏng, LNG chỉ chiếm khoảng 1/600 thể tích so với dạng khí tự nhiên, thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển, từ đó giúp giảm chi phí… Hiện nay, LNG được ứng dụng cung cấp năng lượng trong 5 lĩnh vực chính, bao gồm: dân dụng và thương mại (nhiên liệu để nấu ăn, sưởi ấm hộ gia đình, tòa nhà); giao thông vận tải (thay thế cho dầu diesel, dầu mazut); công nghiệp (sản xuất thép, xi măng, gốm…) và trong các ngành hóa chất/hóa dầu (sản xuất phân bón, các loại nhựa, xơ, sợi…)

Trước yêu cầu ngày càng tăng về phát triển bền vững, nhiều ngành công nghiệp đang đẩy mạnh chuyển sang sử dụng nhiên liệu LNG để giảm lượng khí thải carbon, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sản xuất, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam về “Net Zero” với cộng đồng quốc tế.

Nói về việc phát triển LNG, ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, tại Quy hoạch Điện VIII đã đặt ra nhiều mục tiêu về phát triển điện sử dụng LNG. Cụ thể, mục tiêu của Quy hoạch đặt ra, đến năm 2030, chuyển đổi thay thế 18 GW điện than bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương đương 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Tuy nhiên, việc phát triển điện khí LNG hiện nay cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn như, khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển các dự án LNG vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Trong khi Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG, cũng như chưa có cam kết về bao tiêu sản lượng điện hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối của dự án…

Trước thực tế đó, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện khí LNG trong thời gian tới, theo các chuyên gia, trước hết, cần xây dựng tập trung, đồng bộ các khu công nghiệp, nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn song song với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG. Đây chính là các hộ tiêu thụ và là cơ sở quan trọng cam kết tiêu thụ điện, khi đó các cam kết trong hợp đồng mua bán điện sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.

Để thực hiện cần có cơ chế để các chủ thể nhà máy điện khí LNG được quyền đàm phán bán điện trực tiếp với các hộ tiêu thụ điện. Đồng thời, cho phép các nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng dự trữ, tái hóa khí; cũng như cho phép các nhà máy điện được đầu tư bổ sung đường dây truyền tải và đấu nối…

Với tâm huyết và trách nhiệm cao, các chuyên gia đã chia sẻ và trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề ý nghĩa của phát thải khí nhà kính, các khó khăn thách thức và các giải pháp thực hiện mục tiêu điện khí LNG theo quy trình, Quy hoạch điện VIII...  trong thời gian tới.

PV.

 

Đăng ngày: 02/02/2024 , 14:15 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác