Quy định về Phòng vệ thương mại tại Hiệp định RCEP

Đăng ngày: 23/12/2020 , 16:37 GMT+7
Ngày 15/11/2020, Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP (bao gồm 10 nước ASEAN và 5 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand – trừ Ấn Độ) đã ký kết Hiệp định từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến. Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thông qua bởi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước thành viên không thuộc ASEAN.

Nội dung Phòng vệ thương mại (PVTM) được quy định tại chương 7 của Hiệp định. Về tổng thể, nội dung Chương PVTM của Hiệp định RCEP về cơ bản phù hợp với các cam kết của Việt Nam ở WTO và pháp luật Việt Nam về PVTM. Các biện pháp gồm Chống bán phá giá, Chống trợ cấp và Tự vệ toàn cầu được quy định theo hướng bảo lưu nghĩa vụ các bên theo cam kết WTO và bổ sung một số cam kết cụ thể về thông báo, tham vấn, cấm sử dụng phương pháp Quy về không, công bố dữ liệu trọng yếu, xử lý thông tin mật và thủ tục thẩm tra tại chỗ.


Một số nội dung cụ thể của Chương PVTM như sau:


1. Tự vệ:


a. Tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp (cơ chế chuyển tiếp để giải quyết thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước gây ra bởi cam kết trong Hiệp định RCEP):

- Không áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan hoặc hạn chế định lượng.
- Không muộn hơn 3 năm trước khi kết thúc giai đoạn chuyển đổi thì Ủy ban Hàng hóa có thể thảo luận, rà soát việc thực thi, trong đó có vấn đề về thời hạn của biện pháp.
- Cung cấp báo cáo điều tra (bản cứng hoặc đường dẫn) (có thể bằng ngôn ngữ của nước điều tra).
- Thời hạn điều tra: 1 năm
- Thời hạn biện pháp: 3 năm và có thể gia hạn 1 năm. (thêm 1 năm nữa cho thành viên kém phát triển- LDC).
- Không áp dụng biện pháp trong vòng 1 năm kể từ khi giảm/xóa bỏ thuế.
- Nới lỏng biện pháp nếu biện pháp dài hơn 1 năm.
- Không áp dụng lại với hàng hóa đã bị áp biện pháp tự vệ chuyển tiếp trong khoảng thời gian bằng với thời gian áp dụng trước đó của biện pháp hoặc trong vòng 1 năm kể từ ngày biện pháp hết hạn, tùy vào thời gian nào dài hơn.
- Không áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp hoặc biện pháp tự vệ chuyển tiếp tạm thời với hàng hóa của 1 bên nếu hàng hóa từ bên đó không vượt quá 3% tổng nhập khẩu hàng hóa đó của nước nhập khẩu từ tất cả các bên với điều kiện các bên có thị phần dưới 3% cộng lại không chiếm hơn 9%.
- Đền bù: tham vấn về việc đền bù trong vòng 30 ngày kể từ ngày áp biện pháp
- Trả đũa: nếu không đạt được thỏa thuận về đền bù trong vòng 30 ngày kể từ ngày tham vấn. Bên trả đũa sẽ thông báo cho bên kia ít nhất 30 ngày trước ngày trả đũa.
- Nghĩa vụ đền bù và quyền trả đũa chấm dứt khi biện pháp chấm dứt.
- Quyền trả đũa không được áp trong 3 năm đầu.
- Thành viên LDC: không bị yêu cầu đền bù; Không bị áp biện pháp tự vệ chuyển tiếp/tự vệ chuyển tiếp tạm thời; thời hạn áp biện pháp được dài hơn 1 năm.
- Biện pháp tạm thời: quy định về việc thông báo cho bên kia trước khi áp và tham vấn với bên có quyền lợi đáng kể ngay sau khi áp biện pháp.
- Quy định về vấn đề quản lý luật, thủ tục minh bạch.
- Ngôn ngữ trong các thông báo phải bằng tiếng Anh.
- Quy định về thông báo, tham vấn, thủ tục điều tra, đền bù, biện pháp tạm thời về cơ bản giống với quy định WTO.

b. Tự vệ toàn cầu:
- Khi bên khác có yêu cầu, bên áp dụng phải thông báo ngay lập tức hoặc thông báo đường dẫn các thông tin quan trọng về việc khởi xướng, biện pháp sơ bộ, kết luận điều tra cuối cùng.

2. Chống bán phá giá/chống trợ cấp:
- Cấm sử dụng zeroing: (WTO không có quy định này)
- Thẩm tra tại chỗ: quy định cụ thể về thời gian thông báo (thông báo ít nhất 7 ngày trước khi định thẩm tra, ít nhất 7 ngày trước ngày thẩm tra sẽ cung cấp nội dung thẩm tra) (WTO không quy định cụ thể thời gian).
- Quy định cụ thể về hồ sơ công khai dưới dạng bản cứng (có thể xem và sao chụp trong giờ làm việc) hoặc bản mềm.(WTO không quy định cụ thể như vậy).
- Quy định cụ thể về thời gian thông báo nhận hồ sơ đầy đủ hợp lệ trước khi khởi xướng điều tra chống bán phá giá (7 ngày). (WTO không quy định cụ thể thời gian).
- Quy định cụ thể về việc thông báo trước khi khởi xướng điều tra trợ cấp ít nhất 20 ngày trước ngày khởi xướng. (WTO không quy định cụ thể thời gian)

- Công bố dữ liệu trọng yếu: quy định cụ thể về thời gian (ít nhất 10 ngày trước khi có quyết định cuối cùng) (WTO không quy định cụ thể thời gian).

- Quy định về việc mời tham vấn, cung cấp hồ sơ công khai, tóm tắt thông tin mật giống với WTO.


Xem nội dung chi tiết về Chương PVTM tại đây

Đăng ngày: 23/12/2020 , 16:37 GMT+7

Tin liên quan