Chia sẻ về vần đề này, đại diện Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết: Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Giang được giao hoàn thành gần 70.000 căn NOXH trong giai đoạn 2025–2030. Đây là địa phương thuộc nhóm được giao chỉ tiêu NOXH cao nhất cả nước. Nhiệm vụ này vừa là áp lực lớn, đồng thời cũng là cơ hội để tỉnh Bắc Giang thể hiện vai trò tiên phong trong thực hiện chính sách an sinh, hướng đến phát triển bền vững. Tỉnh đã đưa chỉ tiêu phát triển NOXH vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Theo đó, Bắc Giang đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ hoàn thành tối thiểu 5.243 căn NOXH. Nếu 5 dự án (5.594 căn) đang thi công, hoàn thành đúng tiến độ thì Bắc Giang sẽ thể vượt chỉ tiêu NOXH năm 2025.
Đoàn công tác Bộ xây dựng thăm và kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Khu NOXH số 2 tại Khu số 5, số 9 thuộc Khu đô thị phía Nam thành phố Bắc Giang. (Ảnh cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang)
Bắc Giang hiện có 07 dự án NOXH đang triển khai đầu tư, xây dựng nằm trên địa bàn thành phố Bắc Giang và thị xã Việt Yên với diện tích khoảng 33ha, tương ứng với 14.200 căn; 05 dự án với quy mô khoảng 8.000 căn đang được đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng đã bổ sung 15 khu đất quy hoạch mới (80ha),dự kiến cung ứng thêm khoảng 35.000 căn NOXH trong giai đoạn sau.
Được biết, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển NOXH đã được xác định theo chủ trương của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030. Tỉnh đã đưa chỉ tiêu phát triển NOXH vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Để đạt hiệu quả cao, địa phương cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển NOXH. Đồng thời, khẩn trương rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng NOXH, tăng chất lượng công trình NOXH để bao đảm cho công nhân, người lao động có chỗ ở ổn định, hạnh phúc.
Cũng theo đại diện Sở Xây dựng Bắc Giang: Địa phương không chỉ đặt mục tiêu “đủ nhà”, mà là “nhà ở xứng đáng” cho công nhân, người lao động. Với quan điểm quy hoạch đi trước một bước, tỉnh chỉ đạo dành tối thiểu 20% – 35% diện tích đất trong các khu đô thị, công nghiệp để xây dựng NOXH cao tầng; Ưu tiên bố trí NOXH gần nhà máy, kết nối hạ tầng thuận lợi cho công nhân; Đảm bảo đầy đủ hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, như: nhà trẻ, y tế, dịch vụ thương mại, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao... Các căn hộ được thiết kế với diện tích từ 25–70m², tối thiểu có 1 phòng ở và 1 phòng vệ sinh theo đúng chuẩn sống cơ bản cho người thu nhập thấp, người độc thân hoặc hộ gia đình nhỏ.
Phối cảnh dự án Ecohome Sông Thương, dự án nhà ở xã hội xanh đạt chứng chỉ EDGE đầu tiên tại tỉnh Bắc Giang
Một trong những thách thức lớn của chương trình phát triển NOXH trong thời gian vừa qua là nguồn vốn tín dụng ưu đãi hàng năm không ổn định, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người thu nhập thấp, đặc biệt là năm 2024; Tiến độ thi công và thời gian mở bán của một số dự án NOXH không đúng theo cam kết của chủ đầu tư dẫn tới khó khăn trong việc lập và xây dựng kế hoạch tín dụng ưu đãi hàng năm.
Theo ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, Chi nhánh đã giải ngân hơn 975 tỷ đồng cho 2.279 trường hợp, trong đó có 785 trường hợp vay mua NOXH với số tiền 285 tỷ đồng. Trong năm 2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang phấn đấu đảm bảo 100% người mua NOXH đủ điều kiện theo quy định được giải ngân kịp thời với mức cho vay lên đến 80% giá trị căn nhà. Trong quá trình triển khai, cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và chủ đầu tư các dự án NOXH để công nhân, người lao động được tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, đúng quy định.
Với việc xác định rõ xây dựng NOXH không chỉ là nhiệm vụ phát triển đô thị mà còn là chính sách, tạo cơ hội để công nhân, người lao động đến Bắc Giang không chỉ có việc làm ổn định mà còn tìm thấy mái ấm, nơi “an cư lập nghiệp” và sẵn sàng đồng hành gắn bó lâu dài trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tuấn Thành