Dấu ấn nổi bật của ngành giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã và đang được đầu tư toàn diện, trải rộng và kết nối với các địa phương trong tỉnh, liên vùng, khu vực. Nhiều dự án, công trình đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Dự án nâng cấp mở rộng đường gom đoạn từ nút giao Yên Bình đến Khu công nghiệp yên Bình (Km0+) – (Km2 + 100) tổng mức đầu tư là 60 tỷ đồng; Dự án đường nối QL3 mới (Hà Nôi – Thái Nguyên) đến Khu công nghiệp Yên Bình đoạn từ Km3+516,9 đến Km5+434,18 và ĐT.261 - giai đoạn II, tổng mức đầu tư 82 tỷ đồng; Dự án đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc (tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng); đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội qua khu vực tỉnh Thái Nguyên, đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang (tổng mức đầu tư 699 tỷ đồng); đầu tư xây dựng tuyến đường nối đường tỉnh (ĐT) 261 với ĐT 266 (392 tỷ đồng); nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 Quốc lộ 3 đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (302 tỷ đồng); đường Vành đai I Bờ Đậu, Phú Lương - Hóa Thượng, Đồng Hỷ và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, Đồng Hỷ (972 tỷ đồng); đường kết nối ĐT 265 Bình Long, Võ Nhai đi Bắc Giang (291 tỷ đồng)…
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm và kiểm tra tiến độ thi công đường Liên kết vùng
Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn Thái Nguyên khá hoàn thiện với 11.506km, trong đó có 8 tuyến quốc lộ qua địa bàn với chiều dài 328km; 21 tuyến đường tỉnh dài 384km; 159km đường đô thị; 742km đường huyện; 3.232km đường xã; trên 6.600km đường dân sinh cấp thấp khác... Nhiều công trình, dự án đang tiếp tục được triển khai, nâng cấp tạo thuận lợi trong giao thương.
Hạ tầng giao thông được khơi thông, hoàn thiện đã mở ra những thời cơ mới cho tỉnh Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các dự án FDI. Tính đến tháng 10/2024, Thái Nguyên có 217 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 10,819 tỷ USD, điều này cho thấy sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư quốc tế nhờ hệ thống giao thông đồng bộ, mang "tính liên kết, kết nối vùng". Giao thông phát triển đồng bộ đã trở thành thế mạnh và điểm hấp dẫn, là "điểm đến tin cậy" đối với các nhà đầu tư.
Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, điều hành ngành giao thông vận tải Thái Nguyên cũng tăng cường ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đối số hướng tới quản lý và điều hành thông minh, an toàn; đảm bảo giao thông thông suốt. Ngành Giao thông vận tải Thái Nguyên cũng thực hiện văn bản chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam về mô hình “Triển khai thiết bị giám sát thi, sát hạch lái xe”, nghiên cứu ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong sát hạch lái xe tới các đơn vị sát hạch lái xe trên địa bàn; triển khai thiết bị giám sát thi, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Công tác vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân và doanh nghiệp.
Đóng góp vào công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường cho các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đường thủy nội địa; nghiệm thu cải tạo; giám định xe cơ giới khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng; thu phí sử dụng đường bộ …có vai trò quan trọng của các trung tâm đăng kiểm. Hoạt động đăng kiểm xe cơ giới được duy trì ổn định, không xảy ra tình trạng ùn ứ.
Với những đột phá về hạ tầng giao thông trong những năm gần đây, diện mạo của tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Đây cũng chính là động lực để tỉnh Thái Nguyên ngày càng vươn cao, phấn đấu sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Tuấn Thành