Với diện tích khoảng 7.000 ha đất công nghiệp cộng với cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào chính là điều kiện lý tưởng để phát triển các khu công nghiệp quy mô lớn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt với trữ lượng vonfram đa kim lên đến khoảng 110 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới là nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử, tự động hóa và sản xuất thiết bị công nghệ tiên tiến.
Từ những định hướng chiến lược rõ ràng và những kết quả tích cực trong chính sách thu hút đầu tư, Thái Nguyên đã đón nhận sự đầu tư từ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu quốc tế như Samsung, Masan, Central Retail… với nhiều dự án lớn đã và đang triển khai hiệu quả. Những đơn vị này không chỉ mang lại nguồn vốn lớn cho địa phương, tạo việc làm ổn định cho người lao động mà còn giúp Thái Nguyên xây dựng được những chuỗi giá trị công nghiệp khép kín, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và công nghiệp chế biến.
Samsung là tập đoàn đầu tư lớn tại Thái Nguyên
Theo số liệu thống kê, tháng 10/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Thái Nguyên tăng 3,46% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023, đánh dấu tháng có mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay. Lũy kế 10 tháng năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ với chỉ số tiêu thụ ngành này tăng 20,41% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các sản phẩm như phụ tùng xe có động cơ, thiết bị y tế, điện tử… đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, giúp nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Cụ thể, sản xuất phụ tùng xe có động cơ đạt 90 triệu USD, tăng 49,6%, và sản xuất điện tử ước tính đạt 222,4 triệu cái, tăng 20,9% so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy ngành công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đang dần phát triển theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ cao và gia tăng giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất.
Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 11 khu công nghiệp lớn và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích lên tới 4.245 ha, cùng với 41 cụm công nghiệp có tổng diện tích 2.067 ha và 13 sân golf. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 6 khu công nghiệp, trong đó 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, đóng góp quan trọng vào việc tạo việc làm và gia tăng giá trị sản xuất. Một trong những điểm sáng trong định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh là Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3 năm 2024 với tổng mức đầu tư lên đến 3.985 tỷ đồng. Đây sẽ là một trong những khu công nghiệp trọng điểm, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng như các ngành công nghiệp công nghệ cao trong tương lai. Cùng với đó, 27 trong số 41 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, trong đó 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tạo các khu vực sản xuất tập trung, phục vụ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Để duy trì và phát huy được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư vào các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, Thái Nguyên cũng mong muốn Dự án mở rộng Nhà máy Gang Thép giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai và hoạt động trở lại. Đây là một dự án quan trọng không chỉ đối với tỉnh mà còn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp luyện kim cả nước. Thái Nguyên kỳ vọng vào sự đồng hành và hỗ trợ từ Bộ Công Thương, các ngành chức năng liên quan và các tập đoàn kinh tế lớn để phát huy tối đa tiềm năng công nghiệp, đặc biệt là khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú của tỉnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.
Thảo Ngân