Việc bố trí cho công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy giúp doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất. Ảnh: bacninh.gov.vn
Đây là giải pháp sáng tạo “chưa từng có tiền lệ”, đảm bảo đúng, trúng, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi liên kết toàn cầu và làm đứt gãy nền kinh tế.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Ninh, tính đến ngày 13/6, tại các KCN đã có 779 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cho công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy, với gần 123.000 lao động.
Trong thời gian từ ngày 01/6 đến ngày 11/6, 40 Tổ công tác của tỉnh đã khẩn trương kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch tại 433 doanh nghiệp. Theo kết quả đánh giá, có 19% doanh nghiệp được đánh giá thực hiện tốt; 47% doanh nghiệp ở mức khá; 29% doanh nghiệp ở mức trung bình; 6% doanh nghiệp ở mức kém.
Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo trong xây dựng phương án, kế hoạch và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của tỉnh. Tổ công tác đã kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ những doanh nghiệp còn lúng túng trong triển khai và yêu cầu khắc phục cải thiện ngay để đảm bảo “6 an” (an toàn sản xuất, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn COVID-19, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an tâm sản xuất).
Nhờ thực hiện giải pháp cho công nhân lao động lưu trú và làm việc tại nhà máy, Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng tại Bắc Ninh (KCN VSIP),doanh nghiệp của Nhật Bản, chuyên sản xuất bao bì cao cấp đã duy trì liên tục hoạt động sản xuất. Công ty đã thuê nhà nghỉ, khách sạn cho 288 người lao động lưu trú và có xe đưa đón đảm bảo quy định; hỗ trợ thêm 50.000 đồng/người/ngày và hỗ trợ 3 bữa/ngày, tăng khẩu phần ăn, bảo đảm dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng phòng, chống dịch và hiệu suất làm việc.
Đối với số công nhân tạm thời nghỉ việc, công ty vẫn chi trả lương cơ bản. Ông Joshitaka Nagakawa, Giám đốc nhà máy cho biết, việc cho người lao động lưu trú và làm việc tại nhà máy đã giúp công ty duy trì tốt hoạt động sản xuất, sản lượng đạt khoảng 90% so với khi chưa có dịch, đáp ứng được nhu cầu của các đối tác.
Anh Hồ Nghĩa Tài (quê Nghệ An),nhân viên văn phòng Công ty TNHH Logistics PANTOS Việt Nam (KCN VSIP) cho biết, công nhân công ty được bố trí chỗ ăn, ở và đáp ứng đủ các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu khi lưu trú tại nhà máy. Ngoài lương, còn được hỗ trợ thêm một phần kinh phí và miễn phí 3 bữa ăn/ngày. Trong bối cảnh dịch diễn biến như hiện nay, công ty duy trì được hoạt động sản xuất và bản thân có công việc, thu nhập ổn định đã là rất tốt cho công nhân.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các doanh nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương và các chủ nhà trọ/ký túc xá/nơi lưu trú tập trung ký cam kết đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch, lắp đặt camera tại các vị trí ra vào, hành lang để kiểm soát hoạt động ra, vào.
Bắc Ninh tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong tình hình mới. Ảnh: bacninh.gov.vn
Ông Nguyễn Phương Hoàng, chủ nhà nghỉ Thảo Nguyên, khu Doi Sóc, phường Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn (nơi lưu trú tập trung của công nhân Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng tại Bắc Ninh) cho biết, gia đình đã ký cam kết với chính quyền địa phương về việc quản lý công nhân; hàng ngày, tiến hành vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà nghỉ và nhắc nhở công nhân đang lưu trú thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch, không tụ tập, giao lưu giữa các phòng. Nhìn chung, mọi người ở đây chấp hành rất tốt các quy định.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát và khống chế, nhiều địa phương đã được nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện theo Chỉ thị 15, 19 của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi, ngày 15/6/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-BCĐ Quy định tạm thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn, thời điểm bắt đầu áp dụng từ ngày 20/6.
Trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động, chủ nhà trọ/ban quản lý ký túc xá/nơi lưu trú tập trung, các hộ kinh doanh, các đơn vị cung cấp dịch vụ, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, trong từng khu vực, địa bàn thực hiện Chỉ thị số 15, 19, trạng thái bình thường và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Quy định đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhằm chuẩn bị các điều kiện để công nhân lao động đi làm tại các nhà máy được thuận tiện nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đã yêu cầu các Sở, ngành liên quan và các địa phương phối hợp tiếp nhận, xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp, nhất là liên quan đến người lao động và phương tiện giao thông đi qua các chốt/trạm kiểm soát dịch COVID-19 trên tinh thần hỗ trợ tối đa trong phạm vi cho phép.
Đồng thời hướng dẫn cụ thể đối với các doanh nghiệp, người lao động; quản lý chặt chẽ việc đi làm, bố trí ăn ca, xét nghiệm cho công nhân, người lao động thuộc phạm vi quản lý.
Trong đó, đối với các nhà máy nằm trong khu vực thực hiện Chỉ thị số 15, 19 của Thủ tướng Chính phủ và các khu vực an toàn khác không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, thì công nhân, người lao động được phép đi phương tiện cá nhân nhưng phải mang theo thẻ công nhân, cam kết với công ty chỉ đi từ nơi làm việc về nơi ở/phòng trọ.
Công nhân, người lao động đang cư trú tại khu vực thực hiện theo Chỉ thị 16 thì phải có nơi lưu trú tập trung (khách sạn, nhà nghỉ, trường học, trong nhà máy...) đồng thời, các doanh nghiệp phải bố trí chỗ làm riêng biệt…
(Theo bacninh.gov.vn)