Bộ trưởng Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Bình Định

Đăng ngày: 09/08/2024 , 16:45 GMT+7

Chiều 9/8/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công thương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Cùng tham gia với đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Quang cảnh buổi làm việc

Về phía tỉnh Bình Định có ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành liên quan.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm 2024 có những dấu hiệu tích cực. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,6% so với cùng kỳ (xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ). Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2024 tăng 9,8% so với cùng kỳ (cả nước tăng 8,5%); trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,50%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,91%; cung cấp nước quản lý và xử lý rác thải nước thải tăng 12,11%; công nghiệp khai khoáng tăng 13,24%; công nghiệp chế biến chế tạo được định hướng là trụ cột phát triển chiếm tỷ trọng trên 85% và tăng 10,50%, cao hơn mức tăng chung, tiếp tục đóng vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng của toàn Ngành công nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2024, ước đạt 69.205 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, đạt 60,3% kế hoạch năm (114.700 tỷ đồng). Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 7 tháng năm 2024 ước thực hiện 982,6 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 59,6% kế hoạch năm (1.650 triệu USD).

Toàn tỉnh có 20 nhà máy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất 718,9MW. Trong đó, 11 nhà máy thủy điện với tổng công suất 187,9MW; 4 nhà máy điện gió với tổng công suất 107,4MW và 5 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 529,5MWp. Đồng thời, còn có các hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 223MWp.

Nhìn chung, hoạt động phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh Bình Định thuận lợi là cơ bản, chủy yều và nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, sự tập tring lãnh đạo của tỉnh và sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại tỉnh Bình Định vẫn giữ được đà tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh trong 7 tháng năm 2024 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số sản phẩm có giá trị lớn nhưng giảm như: thủy sản, tinh bột sắn, dăm gỗ, gạch xây dựng… do phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, đặc biệt chi phí logistics xuất khẩu tăng rất cao; chưa có nhiều đơn hàng mới với số lượng lớn được ký kết, khó khăn trong tìm kiếm thị trường mới...

Hạ tầng kỹ thuật nói chung, CCN xây dựng nói riêng chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, chưa sẵn sàng đáp ứng thu hút đầu tư sản xuất ở từng địa phương, từng CCN cụ thể, nhất là các CCN do các đơn vị thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư chưa được chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật quan tâm đúng mức; tỷ lệ lấp đầy một số CCN đã thành lập và đi vào hoạt động còn thấp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh kiến nghị, Bộ Công Thương tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh giới thiệu, xúc tiến các tập đoàn kinh tế đầu tư các dự án lớn, trọng điểm tạo động lực cho Bình Định phát triển như: Nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện tử; nhà máy sản xuất Hydrogen xanh; nhà máy sản xuất thuốc, hóa dược và dược phẩm; nhà máy sản xuất thuốc Insulin công nghệ cao theo tiêu chuẩn GMP-EU... Ngoài ra, Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh tham gia Đề án thí điểm đầu tư các CCN tập trung theo mô hình cụm liên kết ngành sản xuất các nguyên phụ liệu quan trọng ngành may mặc; thành lập văn phòng cấp C/O tại tỉnh; phân bổ thêm công suất các nguồn điện trên địa bàn tỉnh; tăng công suất các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện tiếp nhận và hoàn trả vốn đối với lưới điện hạ áp nông thôn; đầu tư hệ thống lưới điện quốc gia tại thôn O2, xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh).

Đại diện các đơn vị tham gia đoàn công tác đã trao đổi, thảo luận giải đáp cơ bản các kiến nghị của tỉnh. Đồng thời, đề xuất các giải pháp trọng tâm mà tỉnh cần chú trọng trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, công nghiệp, thương mại trên địa bàn thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KT - XH năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định có liên quan về giá đất, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Bình Định cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả các lĩnh vực tỉnh chú trọng phát triển; xây dựng ngành logicstics trọng điểm của vùng; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, trong đó có ngành gỗ, may, vật liệu xây dựng…

Địa phương có 5 phương thức vận tải như Bình Định không nhiều. Do đó, tỉnh phát triển dịch vụ logistics để trở thành trung tâm logistics của khu vực miền Trung, có tính kết nối trong chuỗi giá trị với các tỉnh, thành phố lân cận để phát huy lợi thế. Bình Định thu hút đầu tư phát triển kinh tế đêm, du lịch thương mại, thương mại hiện đại. Tỉnh phải có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ; có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây chuyền sản xuất và phát triển mạng lưới DN vệ tinh nhằm từng bước phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, trở thành khu trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhất vùng.

PV

Đăng ngày: 09/08/2024 , 16:45 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác