Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 28

Đăng ngày: 25/10/2021 , 09:52 GMT+7

Sau 6 phiên thảo luận vào ngày 22/10, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính APEC 2021 lần thứ 28 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Niu-Di-Lân - Ngài Grant Robertson (nước chủ nhà của APEC 2021) và sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thành viên, cùng các tổ chức tài chính quốc tế đã thành công tốt đẹp.

Kết thúc Hội nghị, các quốc gia thành viên đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 28, trong đó các Bộ trưởng Tài chính APEC nhận định các giải pháp chính sách tài chính tiền tệ đúng đắn mà các nền kinh tế APEC đã áp dụng để vượt qua nhiều thách thức để tiến tới các thành tựu phục hồi kinh tế vĩ mô trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2021.

Các quốc gia thành viên tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 28

Hội nghị đánh giá cao các ưu tiên của APEC 2021 đã có tầm quan trọng đặc biệt để các nền kinh tế cùng tham gia và hành động. Các Bộ trưởng Tài chính APEC cam kết hiện thực hóa Tầm nhìn Putrajaya về một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040 vì sự thịnh vượng của tất cả người dân.

Các Bộ trưởng Tài chính nhận định: Từ năm 2020 đến nay, hoạt động kinh tế trong khu vực APEC đã tăng trưởng trở lại sau khi vượt qua suy thoái toàn cầu. Việc duy trì các chính sách hỗ trợ, tiếp cận vắc xin và mở cửa của các nền kinh tế đã củng cố đà phục hồi này. GDP thực tế của khu vực APEC dự kiến sẽ tăng trên 6% vào năm 2021. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách xa để đạt được sự phục hồi hoàn toàn và quá trình phục hồi cũng mang tính đặc trưng bởi những sự khác biệt lớn giữa các nền kinh tế và tồn tại sự chênh lệch giữa các nhóm khác nhau trong xã hội và các lĩnh vực công nghiệp tiếp tục chịu các tác động không cân xứng do đại dịch.

Sự phục hồi kinh tế cũng tiềm ẩn những rủi ro bao gồm: sự lây lan của các biến thể mới của vi-rút COVID-19 dẫn đến làn sóng lây nhiễm bổ sung và tái áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tỉ lệ tiêm chủng thấp, cùng với các rủi ro kinh tế như áp lực lạm phát, những nguy cơ mới về gián đoạn chuỗi cung ứng và những suy giảm nguồn cung ứng.

Hỗ trợ phục hồi kinh tế mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện

Các Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương và các cơ quan quản lý tài chính tiếp tục ứng phó với hậu quả của đại dịch COVID-19 bằng các giải pháp chính sách hiệu quả và sáng tạo. Các nền kinh tế APEC đã thực hiện các biện pháp tài chính và tiền tệ chưa từng có, điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh từng nền kinh tế của các quốc gia thành viên, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm thiểu và phục hồi các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch.

Các quốc gia thành viên quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ chính sách hiện có để giải quyết các hậu quả bất lợi của đại dịch COVID-19 và hỗ trợ quá trình phục hồi mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm, được điều chỉnh cho phù hợp với các trường hợp cụ thể của các nền kinh tế. Điều này bao gồm việc tránh rút lại sớm các biện pháp hỗ trợ, cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các lĩnh vực và người lao động hiểm nghèo, cũng như giải quyết các tác động kinh tế và xã hội của cuộc khủng hoảng đối với các nhóm chịu nhiều tác động nhất.

Các quốc gia thành viên APEC sẽ cố gắng duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, song song với việc duy trì tính bền vững lâu dài và bảo vệ trước những rủi ro suy giảm cũng như các tác động tiêu cực khác. Các Bộ trưởng Tài chính APEC hoan nghênh việc IMF phân bổ chung Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) gần đây để giúp đáp ứng nhu cầu dài hạn trên toàn cầu về thanh khoản và hỗ trợ các nền kinh tế dễ bị tổn thương tài trợ cho các hoạt động phục hồi kinh tế và chi tiêu liên quan đến y tế linh hoạt hơn, bao trùm và bền vững hơn, phải nỗ lực để đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận hệ thống y tế một cách an toàn và bình đẳng, có khả năng chống chọi với những cú sốc hiện tại và tương lai, từ đó hướng tới mục tiêu chung là đạt được mức độ bao phủ sức khỏe toàn dân.

Các Bộ trưởng Tài chính nhận định: Các quốc gia thành viên sẽ chỉ có thể khắc phục tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và kinh tế bằng cách tăng tốc tiếp cận công bằng vắc xin COVID-19 một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng. Hội nghị khẳng định vai trò của tiêm chủng mở rộng chống lại COVID-19 như một loại hàng hóa công toàn cầu. Để đạt được mục tiêu đó, các Bộ trưởng cho rằng, cần đẩy mạnh nỗ lực mở rộng sản xuất và cung cấp vắc xin, hỗ trợ các nỗ lực chia sẻ vắc xin trên toàn cầu và khuyến khích việc tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin theo các điều kiện được thống nhất.

Hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò củng cố và phối hợp giữa các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, cơ cấu, thương mại và đầu tư ở mỗi nền kinh tế, trong đó thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bền vững và bao trùm trong khu vực.  

Các Bộ trưởng Tài chính APEC hoan nghênh Chương trình nghị sự APEC về Cải cách Cơ cấu (EAASR) được các Bộ trưởng thông qua gần đây và tái khẳng định kết quả của Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Phụ trách Thương mại (MRT) ngày 5/6 bao gồm tuyên bố của MRT về Chuỗi cung ứng vắc xin COVID-19 và về các dịch vụ hỗ trợ việc vận chuyển hàng thiếu yếu. Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của một môi trường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và có thể dự đoán được, với WTO đóng vai trò trung tâm, để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong thời điểm đầy thách thức như hiện nay.

Hội nghị cũng ghi nhận việc áp dụng nhanh chóng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, đặc biệt là trong việc duy trì các hoạt động kinh tế và giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực dễ bị tổn thương bằng cách cung cấp các cách thức tiếp cận dễ dàng trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính. Do đó, Hội nghị khuyến khích các sáng kiến thúc đẩy chuyển đổi số để hỗ trợ các nỗ lực hướng tới sự phục hồi mạnh mẽ và bao trùm trong khu vực.

Chính sách tài khóa và giải quyết những thách thức lâu dài

Các Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh: Chính sách tài khóa và hệ thống ngân sách hỗ trợ đã đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với các tác động của đại dịch COVID-19, duy trì việc làm và sinh kế, tài trợ cho các dịch vụ công cần thiết và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương. Với cuộc khủng hoảng COVID-19 chưa kết thúc và việc phục hồi chưa hoàn tất, chính sách tài khóa cần được điều chỉnh thận trọng để duy trì sự phục hồi kinh tế trong khi vẫn duy trì tính bền vững tài khóa dài hạn. Các mục tiêu này cũng có thể phát triển theo thời gian và các khuôn khổ cần phải đủ linh hoạt để thích ứng với các hoàn cảnh và nhu cầu thay đổi mà không làm tổn hại đến uy tín tài khóa.

Các Bộ trưởng hoan nghênh báo cáo Đối thoại Chính sách Tài khóa và Báo cáo Ngân sách trong APEC và mong muốn tiếp tục học hỏi kinh nghiệm và đổi mới lẫn nhau và từ các phân tích mà các tổ chức quốc tế đã đóng góp. Đồng thời, các Bộ trưởng Tài chính cam kết để đảm bảo sự phục hồi bền vững trong giải quyết những thách thức và quá trình chuyển đổi cơ cấu lâu dài bao gồm tận dụng lợi thế của kỹ thuật số và các công nghệ khác để phục hồi tăng trưởng năng suất, tăng tính hòa nhập và phúc lợi, xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc trong tương lai và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như suy giảm đa dạng sinh học. Tính cấp thiết của hành động này càng trở nên rõ ràng hơn trong điều kiện chịu tác động của đại dịch.

Các Bộ trưởng đã thảo luận về tầm quan trọng của việc điều chỉnh chính sách chi tiêu và thuế với các mục tiêu chính sách để vượt qua những thách thức này và hỗ trợ phục hồi, đồng thời xây dựng lại vị thế tài chính của các quốc gia thành viên vào thời điểm thích hợp.

Các Bộ trưởng khuyến khích sự hợp tác với Ủy ban Kinh tế và các ủy ban khác của APEC để thúc đẩy Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040 và hoan nghênh chủ đề của Báo cáo Chính sách Kinh tế APEC 2022 về “Cải cách cơ cấu và phục hồi xanh sau các cú sốc kinh tế” qua đó các nền kinh tế có thể chia sẻ thông tin và so sánh cách thức tiếp cận chính sách xanh và hỗ trợ khu vực chuyển đổi sang một tương lai phát thải khí nhà kính thấp.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, đầu tư và tài chính bền vững trong việc thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi cơ cấu và hội nhập khu vực, các Bộ trưởng Tài chính cũng khuyến khích tìm kiếm các phương tiện để huy động tài chính dài hạn và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân.

Thực thi chương trình hành động Cebu (CAP)

Sau khi xem xét lộ trình và Chiến lược thực thi CAP, các Bộ trưởng Tài chính APEC tái khẳng định các mục tiêu cấp cao của CAP nhằm thúc đẩy hội nhập tài chính; thúc đẩy cải cách tài khóa và minh bạch; tăng cường khả năng phục hồi tài chính; và tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp tài chính. Chúng tôi ghi nhận vai trò quan trọng của CAP trong việc đạt được Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040.

Các Bộ trưởng cũng tán thành Chiến lược cập nhật để thực hiện Kế hoạch hành động Cebu và khuyến khích việc xác định sớm các sáng kiến và sản phẩm của các nền kinh tế, cũng như hợp tác trong các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng khẳng định và cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự ổn định về thuế và giải quyết tình trạng tránh và trốn thuế trong khu vực APEC. Các Bộ trưởng hoan nghênh thỏa thuận lịch sử về cấu trúc thuế quốc tế bền vững và công bằng hơn mà Khuôn khổ bao trùm của OECD/G20 về Xói mòn cơ sở và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) đạt được vào ngày 8/10. Chúng tôi nhận thấy bản chất đầy tham vọng của lộ trình triển khai có trong kế hoạch thực hiện được thiết lập để hoàn thành các công việc kỹ thuật còn lại theo cách tiếp cận hai trụ cột về phân bổ lại lợi nhuận của các doanh nghiệp đa quốc gia và mức thuế tối thiểu toàn cầu hữu hiệu, hướng tới thực thi hiệu quả vào năm 2023.

PV

 

Đăng ngày: 25/10/2021 , 09:52 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác