Hà Tĩnh – Phát huy mọi nguồn lực, xây dựng tỉnh nông thôn mới

Đăng ngày: 08/03/2022 , 09:30 GMT+7
Tình hình thu hút đầu tư khởi sắc, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chiến lược chuyển đổi số được triển khai đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị… là những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh năm 2021.

Với sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục hậu quả của thiên tai năm 2020 và đại dịch COVID-19, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh năm 2021 đã thu được kết quả tích cực.

Kinh tế tăng trưởng khá

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tốc độ tăng trưởng GDRP của Hà Tĩnh năm 2021 ước tăng 5,02% so với năm 2020, xếp thứ 4 trong 6 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 67,03 triệu đồng/người/năm (tăng 4,91 triệu đồng/người/năm so với năm 2020).

Về cơ cấu kinh tế của tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 15,52%; khu vực công nghiêp - xây dựng 43,95%; khu vực dịch vụ 31,76%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8,77%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 của tỉnh diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất cây trồng đạt khá, đặc biệt là lúa xuân đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay với 58,95 tạ/ha; sản lượng gỗ khai thác tăng so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành khai khoáng tăng 16,03%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,93%. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 ước tính tăng 12,64% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 ước đạt 46.778,58 tỷ đồng, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 41.939,38 tỷ đồng, tăng 1,99% so với năm trước.

Thu hút đầu tư khởi sắc

Nhờ chính sách thu hút đầu tư, kinh tế Hà Tĩnh có những bước tăng trưởng vượt bậc

Một trong những điểm sáng của tỉnh năm qua là thu hút đầu tư trên địa bàn mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ước tính cả năm, tỉnh thu hút 52 dự án đầu tư, trong đó 51 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 14.600 tỉ đồng và 01 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 2,5 tỉ USD. Trong đó có 02 dự án lớn là Dự án Nhà máy Luyện gang thép công suất 500.000 tấn/năm của Công ty CP Gang thép Vũng Áng, vốn đầu tư gần 2.268 tỷ đồng và dự án Nhà máy sản xuất Cellpin VINES của Công ty CP Giải pháp năng lượng VINES (VinGroup) có tổng mức đầu tư hơn 8.814 tỷ đồng.

Trong năm, tỉnh đã khởi công 03 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp với tổng mức 700 tỷ đồng; khánh thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/12/2021, toàn tỉnh thành lập mới 1.086 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 13.259 tỷ đồng (tăng 15,6% về số lượng và 80% về số vốn đăng ký). Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 là 7,8 tỷ đồng). Hiện nay cũng đang có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất đầu tư vào tỉnh như: Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn VSIP, Công ty CP GS Holding…

Những đổi mới và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đang thực sự là “đòn bẩy” quan trọng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư tại địa phương. Với vai trò đầu mối, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh đã triển khai hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ điện tử mức độ 3, 4 nhằm phòng chống dịch; công khai toàn bộ TTHC và quy trình thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Tỉnh và Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Sở; thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC của Sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Tỉnh.

Sở cũng tập trung rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC ở 02 lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp; đầu tư, tạo điều kiện giải quyết nhanh gọn và kịp thời hơn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực

Sau 10 năm qua thực hiện Đề án xây dựng chính phủ điện tử tại Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020 theo Quyết định số 4123/QĐ-UBND ngày 23/12/2011 của UBND tỉnh, năm 2021 đánh dấu một bước tiến mới của tỉnh Hà Tĩnh trong việc triển khai chuyển đổi số toàn diện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đáng chú ý, ngày 22/10/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 29/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 4224/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) làm nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành TT&TT Hà Tĩnh đang góp phần quan trọng vào công tác chuyển đổi số của Tỉnh. Thời gian qua Sở TT&TT đã tập trung triển khai đồng bộ các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý trên địa bàn; tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động; tổ chức hướng dẫn, thực hiện các nội dung về chuyển đổi số, minh bạch thông tin hoạt động của cơ quan nhà nước; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm an toàn thông tin mạng, triển khai hệ thống giám sát và điều hành thông minh (IOC) của tỉnh. Chỉ đạo Cổng TTĐT của Tỉnh và các trang TTĐT các cấp, ngành đăng tải đầy đủ, kịp thời về các chính sách, quy hoạch, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các dự án kêu gọi đầu tư… để doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, việc điều hành, tác nghiệp trực tuyến trên địa bàn tỉnh được duy trì đồng bộ; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ các sự kiện chính trị, xã hội; tham mưu xây dựng công trình trạm BTS dùng chung tại hồ Kẻ Gỗ phục vụ phòng chống thiên tai... Trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngành đã tham mưu, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành đảm bảo hoạt động trong thời gian phong tỏa, giãn cách; lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly vào hệ thống camera toàn quốc; xây dựng bản tin COVID-19 hằng ngày bằng công nghệ AI, bản đồ dịch tễ Covidmaps...

Phấn đấu xây dựng tỉnh nông thôn mới

Những năm qua, Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 171/182 xã đạt chuẩn NTM (tỉ lệ 94%),19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hai xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 8/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Hạ tầng nông thôn Hà Tĩnh sạch đẹp, khang trang

Từ những kết quả đạt được, tỉnh Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chọn thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Để cụ thể hóa chủ trương đó, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”. Tỉnh xác định: Tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tổng hợp ở nông thôn. Ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế, nhất là các loại cây ăn quả, hải sản chế biến, các sản phẩm OCOP, trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và đẩy mạnh liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã. Quan tâm phát triển công nghiệp chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm; khôi phục các làng nghề truyền thống, phát triển các ngành nghề mới; khuyến khích người dân phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, gắn với thương mại, dịch vụ ở nông thôn. Đặc biệt, chú trọng chuyển đối số ngành nông nghiệp để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, chuyển đổi số Chương trình OCOP để thúc đẩy ngành nông nghiệp Hà Tĩnh phát triển.                                                                                                                                                                                 

                                                                                         Tuấn Thành

Đăng ngày: 08/03/2022 , 09:30 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác