Indonesia đứng thứ ba trong ASEAN về hoạt động sản xuất

Đăng ngày: 06/05/2022 , 22:16 GMT+7

Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của Indonesia đã tăng 0,6 điểm lên 51,9 điểm, trong khi PMI của Thái Lan tăng 0,1 điểm lên mức tương đương để cùng chia sẻ vị trí thứ ba trong ASEAN.

Các nhân viên làm đậu phụ tại một nhà máy nhỏ ở Surabaya. (Nguồn: AFP)

Một báo cáo mới đây của IHS Markit – chi nhánh của công ty thông tin tài chính S&P Global, cho thấy tâm lý trong lĩnh vực sản xuất của Indonesia đã có sự cải thiện trong tháng Tư để vượt lên hầu hết các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác.

Theo báo cáo, chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của Indonesia đã tăng 0,6 điểm lên 51,9 điểm, trong khi PMI của Thái Lan tăng 0,1 điểm lên mức tương đương để cùng chia sẻ vị trí thứ ba trong ASEAN.

Báo cáo trên cũng cho thấy tốc độ tăng trong chỉ số PMI của Indonesia nhanh nhất kể từ tháng Một, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế gia tăng sau khi các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 được nới lỏng.

Singapore và Philippines đứng đầu ASEAN về chỉ số PMI. Trong đó, PMI của Singapore có mức tăng đáng kinh ngạc lên tới 3,1 điểm so với tháng trước lên 58,1 điểm, trong khi PMI của Philippines tăng 1,1 điểm lên 54,1 điểm.

Trong tháng Tư, PMI của Việt Nam vẫn không thay đổi ở mức 51,7 điểm, trong khi PMI của Malaysia tăng 2 điểm lên mức 51,6 điểm. Chỉ số PMI của toàn bộ khu vực ASEAN tăng 1,1 điểm lên 52,8 điểm, đánh dấu tháng thứ bảy tăng liên tiếp.

Báo cáo của S&P Global cho biết nhu cầu khách hàng mạnh hơn đã hỗ trợ sự gia tăng đơn đặt hàng và sản lượng trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, việc làm đã tăng gần đạt kỷ lục so với hai kỳ khảo sát trước đó.

S&P Global cũng lưu ý rằng nhu cầu đã bắt đầu tăng đáng kể trong bối cảnh các hạn chế chống đại dịch COVID-19 dần được dỡ bỏ ở các nước ASEAN, thúc đẩy các đơn đặt hàng mới và gia tăng sản lượng của các nhà máy.

Trong khi các nhà quản lý mua hàng Indonesia nhìn chung vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 12 tháng tới, niềm tin kinh doanh của họ đã sụt giảm so với tháng trước.

Theo báo cáo của S&P Global, một số vấn đề vẫn ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất của Indonesia, ví dụ tình trạng hạn chế nguồn cung và áp lực giá cả do lạm phát toàn cầu tăng cao.

Sau khi báo cáo trên được công bố, Bộ Tài chính Indonesia đã đánh giá cao thành công của chính phủ nước này xử lý trong việc xử lý đại dịch và bày tỏ hy vọng rằng hoạt động mua hàng tồn kho của các nhà sản xuất sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa đối với quá trình phục hồi trong nước.

Trong một thông cáo, người đứng đầu Cơ quan Chính sách Tài khóa (BKF) thuộc Bộ Tài chính Febrio Kacaribu cho rằng để tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất trong bối cảnh áp lực giá cả, chính phủ cần tích cực can thiệp về giá và phi giá thông qua bảo trợ xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương, cũng như thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức nhằm duy trì cân bằng cung và cầu.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp (CELIOS) Bhima Yudhistira cảnh báo rằng chi phí sản xuất đầu vào có thể tăng do các yếu tố lạm phát, đồng nghĩa với việc tăng doanh thu sẽ ít có lợi hơn do tỷ suất lợi nhuận giảm.

Theo ông Bhima, thách thức thực sự đối với lĩnh vực sản xuất của Indonesia sẽ diễn ra sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri và quyết định nâng lãi suất điều hành mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn để mở rộng sản xuất./.

 (Theo TTXVN/Vietnam+)

 

Đăng ngày: 06/05/2022 , 22:16 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác