Tập huấn về phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do cho các doanh nghiệp

Đăng ngày: 18/07/2022 , 17:57 GMT+7

Tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, ngày 14/7/2022, Cục Phòng vệ thương mại và Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do”.

Hội nghị tập huấn có sự tham gia của các diễn giả đến từ Cục Phòng vệ thương mại cùng sự tham dự của hơn 50 đại biểu là các công chức, viên chức thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các viện trường, các chuyên gia pháp lý tham gia lĩnh vực phòng vệ thương mại (PVTM) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại hội nghị tập huấn, các diễn giả đã chia sẻ về pháp luật PVTM của thế giới và Việt Nam; ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; thực tiễn và tác động của các biện pháp PVTM trong thời gian qua.

Sáu tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt hơn 3.178 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu của các DN trong nước ước đạt hơn 207 tỷ đồng, tăng 821% so với cùng kỳ. Đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chủ yếu ở các nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ tùng ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử, hỗ trợ điện tử; dệt may; sản xuất vật liệu xây dựng…

Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hoá của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu Chính phủ sử dụng các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình. Do đó, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Trên thực tế, số lượng vụ việc PVTM với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Úc và Canada là các thị trường có tần suất điều tra nhiều. Việc bị điều tra và áp dụng biện pháp PVTM khiến một số mặt hàng xuất khẩu phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của cả ngành hàng và công ăn, việc làm của hàng triệu lao động, đặc biệt là gây tác động lớn đến chính sách xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã tiến hành điều tra 25 vụ việc PVTM, trong đó có 16 vụ việc chống bán phá giá, 06 vụ việc tự vệ, 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM và 01 vụ việc chống trợ cấp. 16 biện pháp PVTM hiện đang áp dụng đối với một số mặt hàng nhập khẩu. Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức và hiểu biết về lĩnh vực PVTM góp phần giúp các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện PVTM ở nước ngoài, hạn chế những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.

PV.

Đăng ngày: 18/07/2022 , 17:57 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác