Kết quả nổi bật
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Quang Duy - Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, Hồng Minh có 9 thôn với 9.223 nhân khẩu, diện tích tự nhiên 589,3 ha trong đó có 346 ha đất sản xuất nông nghiệp, còn lại là đất ở và đất nuôi trồng thuỷ sản. Xã có đội ngũ cán bộ công chức trẻ, trình độ năng lực cơ bản đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên còn thiếu kinh nhiệm trong thực tiễn. Do đó, xã đang quyết tâm tăng cường cải cách hành chính, nâng cao tiêu chí trong bộ tiêu chí cải cách hành chính, vận hành Bộ phận một cửa nhanh gọn, đảm bảo đúng quy trình. Gắn việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành của xã với nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ công chức xã.
Ông Đặng Quang Duy - Chủ tịch UBND xã Hồng Minh
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của BCH Đảng bộ, sự kiểm tra giám sát của HĐND xã, UBND xã đã duy trì thực hiện quy chế phối hợp công tác với MTTQ, các ban ngành đoàn thể, các thôn, xóm, đội sản xuất trong hoạt động và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn quy định, cùng với sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân trong xã, việc điều hành quản lý xã hội ở địa phương, quản lý đất đai, ngân sách, các hoạt động phong trào được tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022 cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Năm 2022, tổng giá trị thu nhập ước đạt 574 tỷ 842 triệu đồng, tăng 17,5% so với năm 2021, đạt 106% so với kế hoạch năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 62,3 triệu/người/năm. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp ước đạt 130 tỷ 374 triệu đồng, chiếm 22.68% cơ cấu tổng thể, tăng 12,22% so với năm 2021. Lĩnh vực Công nghiệp - TTCN - XDCB ước đạt 214 tỷ 071 triệu đồng chiếm 37.24% cơ cấu tổng thể, tăng 5.23% so với năm 2021. Thương mại dịch vụ ước đạt 230 tỷ 396 triệu đồng chiếm 40,08 % cơ cấu tổng thể, tăng 36,07 % so với năm 2021.
Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao được xã chú trọng thực hiện tuy nhiên hiện mới đạt 9/19 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt hầu hết là những tiêu chí cần đầu tư nguồn vốn lớn. Năm 2022, đưa vào danh mục trình UBND huyện phân bổ vốn giai đoạn năm 2023-2025 với 98 dự án, tổng nguồn vốn theo kế hoạch gần 830 tỷ đồng. Hiện nay đã phân kỳ thực hiện cụ thể trong các năm từ 2023 đến 2025, qua đó phấn đấu về đích NTM nâng cao năm 2025.
Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa tại truj sở UBND xã
Công tác cải cách hành chính của xã có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động văn hóa xã hội, y tế, giáo dục đều duy trì tổ chức tốt hoạt động và đạt kết quả cao.
Thực hiện đề án 06 về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện cải cách hành chính, xã thành lập ban chỉ đạo, mỗi thôn thành lập tổ do bí thư chi bộ làm tổ trưởng để triển khai, hướng dẫn đến từng hộ dân. Hiện nay, tỷ lệ số hộ đã thực hiện giao dịch qua mạng internet đạt 30%. Đội ngũ cán bộ, công chức theo biên chế là 10 người trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đều đạt chuẩn, 100% trình độ đại học với tuổi đời bình quân hiện tại là 32 tuổi, thông thạo vi tính, đáp ứng yêu cầu đổi mới, góp phần tích cực thực hiện chính quyền điện tử theo kế hoạch đề ra.
Phát huy nghề truyền thống, sản phẩm OCOP
Kinh tế của xã chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã có khoảng 70% số hộ có hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn bán. Trên địa bàn xã có tổng số 16 doanh nghiệp, quy mô hoạt động nhỏ, chủ yếu là về xây dựng. Trong sản xuất nông nghiệp, xã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP là rượu trắng và rượu Bách Nhật của thôn Tân Độ đạt 3 sao. Xã có 2 mô hình sản xuất VietGAP gồm mô hình nuôi ba ba và mô hình nuôi nhím, dúi do 4 hộ gia đình áp dụng. Các mô hình thực hiện có quy mô khá lớn, được sự quan tâm hỗ trợ của thành phố như mô hình nuôi ba ba đã được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật và hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để thực hiện. Hiện nay, các mô hình này đang thực hiện sản xuất con giống.
Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, xã Hồng Minh xây dựng và đưa ra những biện pháp để duy trì, bảo tồn và phát triển ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề trong đó có nghề làm rượu thôn Tân Độ. Cũng như bao thôn, xã của huyện Phú Xuyên, thôn Tân Độ thuộc xã Hồng Minh có nghề sản xuất rượu truyền thống lâu đời nhất. Người dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề nông, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng kinh tế trong thôn lại phát triển nhờ nghề làm rượu truyền thống.
Hiện tại, Tân Độ có 70 hộ sản xuất và kinh doanh rượu trên tổng số 120 hộ toàn thôn. Hai sản phẩm đạt OCOP 3 sao là rượu trắng và rượu bách nhật của Tân Độ của hộ kinh doanh tiêu biểu Vũ Văn Thiếu. Với chất lượng thơm ngon, quy trình sản xuất áp dụng công nghệ truyền thống, Rượu trắng của hộ kinh doanh Vũ Văn Thiếu không chỉ đáp ứng thị trường thành phố Hà Nội và một số địa phương khác trên cả nước. Đến nay Rượu trắng Tân Độ đã được khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những mô hình kinh tế của xã đang dần phát triển mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, xã đang khuyến khích các hộ có đất ruộng làm nông nghiệp không hiệu quả xây dựng đề án chuyển đổi mục đích sang sản xuất kinh tế khác để mang lại hiệu quả hơn.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính
Định hướng phát triển
Trong định hướng của mình, xã Hồng Minh quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng tỷ lệ thương mại - dịch vụ, công nghiệp - TTCN, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lúa, cây rau màu các loại, cây ăn quả theo hướng hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế cao, phát triển mạnh chăn nuôi. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, từng bước xây dựng quê hương Hồng Minh ngày càng văn minh, hiện đại./.
Thuý Hồng