Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Tỉnh Thái Nguyên có tiềm năng và lợi thế vượt trội trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU vào ngày 21/10/2019 về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Thái Nguyên hiện đang tập trung phát triển các cây trồng và vật nuôi có lợi thế, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, nâng cao giá trị kinh tế và tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tỉnh xác định 09 sản phẩm nông nghiệp chủ lực và thế mạnh gồm: chè, lúa gạo, rau quả, thịt lợn, thịt gà và trứng gà, cá nước ngọt, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cây quế, và cây dược liệu. Những sản phẩm này không chỉ góp phần gia tăng giá trị kinh tế mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Bám sát định hướng phát triển, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng nhờ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và nỗ lực không ngừng của ngành. Với việc triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, tỉnh đã khắc phục được nhiều khó khăn và thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh ước đạt 16.389 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010),tăng 3,2% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 15.083 tỷ đồng, lâm nghiệp đạt 729 tỷ đồng (tăng 5,4%) và thủy sản đạt 577 tỷ đồng.
Cây chè ở Thái Nguyên là loại cây trồng chủ lực giúp người dân vươn lên làm giàu
Đặc biệt, cây chè tiếp tục khẳng định là sản phẩm chủ lực và thế mạnh của Thái Nguyên, giữ vững vị trí hàng đầu trong cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm. Với diện tích trồng chè lên tới 22,2 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 272,8 nghìn tấn, đạt 101,6% kế hoạch đề ra. Sau chế biến, sản lượng trà ước đạt 54,6 nghìn tấn với giá trị sản phẩm ước đạt trên 13,8 nghìn tỷ đồng. Giá trị trung bình thu được trên mỗi hecta đất trồng chè dao động từ 550-650 triệu đồng, thậm chí, các vùng chè đặc sản nổi tiếng như Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh có thể đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi hecta.
Những kết quả nổi bật này không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Thái Nguyên, mà còn thể hiện tiềm năng và lợi thế vượt trội của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây chè – một sản phẩm mang tính thương hiệu quốc gia. Thành công này góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người nông dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững và giữ vững vai trò chủ lực của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên tập trung triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa nền nông nghiệp địa phương. Trước hết, tỉnh xác định sẽ chú trọng vào việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, đảm bảo sự nhất quán và quyết liệt trong thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được xem là cơ sở quan trọng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chiến lược.
Ngoài ra, tỉnh cũng xác định đẩy mạnh việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của các sản phẩm nông nghiệp. Công nghệ tiên tiến giúp tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh còn gắn kết quá trình chế biến với vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư công nghệ bảo quản tiên tiến nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm trong chuỗi cung ứng an toàn.
Sản phẩm “Trà ướp Sen” của HTX Trà Sơn Dung (TP. Thái Nguyên) là 1 trong 22 sản phẩm được tôn vinh Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên năm 2024
Song song với đó, Thái Nguyên cũng chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là chè, giúp nâng cao uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc phát triển thương hiệu không chỉ giúp sản phẩm của tỉnh trở nên nổi bật mà còn gia tăng giá trị kinh tế, mang lại lợi ích lớn hơn cho người sản xuất. Để tăng cường năng lực sản xuất, tỉnh khuyến khích các hình thức tổ chức sản xuất đa dạng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tạo ra đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại.
Thái Nguyên đặc biệt ưu tiên việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp địa phương. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư giúp tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp Thái Nguyên đang từng bước chuyển mình, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tuấn Thành