Thời gian qua, ngành Công Thương Thái Nguyên đã thực hiện khá hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, công tác quản lý cụm công nghiệp cũng như giám sát hoạt động thương mại trên địa bàn.
Điểm nhấn của ngành năm 2024 là giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước; Các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức thành công với hàng loạt các sự kiện tiêu biểu như “Hội chợ triển lãm Công Thương – OCOP Thái Nguyên 2024”; Chương trình “Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na và nông sản tỉnh Thái Nguyên 2024”.... Những sự kiện này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm địa phương mà còn tạo cơ hội kết nối tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại bền vững.
Đến nay, ngành Công Thương Thái Nguyên cũng đã hoàn thiện quyết toán các đề án khuyến công địa phương và quốc gia năm 2023, xây dựng các chương trình và đề án sản xuất tiêu dùng bền vững năm 2024, đồng thời tham gia Hội nghị Khuyến công và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc tại Hà Nội. Đặc biệt, ngành Công Thương Thái Nguyên đã hỗ trợ 12 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và khảo sát xây dựng, trình thẩm định 22 đề án khuyến công địa phương năm 2024. Những nỗ lực này đã góp phần phát triển sản xuất công nghiệp bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Năm 2024, ngành Công Thương Thái Nguyên đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các quyết định thành lập và điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các cụm công nghiệp. Tính đến nay, Thái Nguyên có 27/41 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích lên tới 1.069 ha và tổng vốn đăng ký đạt 10.798,44 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp này đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, điện lực và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cũng được ngành Công thương Thái nguyên đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, ngành đã tiến hành 4 cuộc thanh tra và 11 cuộc kiểm tra nhằm bảo đảm tính minh bạch và an toàn trong hoạt động kinh doanh tại các siêu thị, sàn thương mại điện tử...Những nỗ lực này đã góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương tại Thái Nguyên.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngành Công Thương Thái Nguyên đang tập trung vào một loạt các giải pháp và mục tiêu chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh và xây dựng mới các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư. Hạ tầng kỹ thuật sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện tại các khu, cụm công nghiệp để tạo nền tảng cho công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, từ đó tối ưu hóa nguồn tài nguyên và tăng cường sản xuất hàng hóa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, địa phương sẽ huy động các nguồn lực nhằm đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại và hệ thống điện cho khu vực nông thôn miền núi, giúp cải thiện chất lượng sống và hỗ trợ sản xuất hàng xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển bền vững.
Một trong những giải pháp được ngành Công Thương Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, đó là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng đảm bảo tính công khai, minh bạch và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục cấp phép cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Ngành Công Thương Thái Nguyên tiếp tục chú trọng triển khai các chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại cho giai đoạn 2021-2025. Đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, xem đây sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và gia tăng giá trị hàng hóa, từ đó góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng địa phương và quốc tế.
Tuấn Thành