Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới
Mặc dù những năm đầu thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 còn gặp nhiều khó khăn, song với cách làm sáng tạo cùng sự nỗ lực và quyết tâm cao, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Giang đã đạt kết quả toàn diện, đi vào chiều sâu, duy trì vị trí “tốp” đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Hết năm 2024, số đơn vị cấp huyện có Quyết định công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là 06/10 huyện, đạt tỷ lệ 60% tổng số huyện, thị xã, thành phố. Đối với cấp xã, tính hết năm 2024, có 151/175 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 08 xã đặc biệt khó khăn). Hết năm 2024, có 62/151 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 41,05%. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 14/152 xã, đạt tỷ lệ 9,27%. Hết năm 2024, tỉnh Bắc Giang không còn xã dưới 15 tiêu chí.
Thực hiện Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025 tỉnh Bắc Giang còn 143 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, tỉnh Bắc Giang phấn đấu trong năm xây dựng 02 xã NTM; 06 xã NTM nâng cao; 03 xã NTM kiểu mẫu; dự kiến hết năm 2025 toàn tỉnh có121/143 xã đạt chuẩn NTM, 59/121 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16/121 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Được biết, năm 2025, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Bắc Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh định hướng phát triển NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững gắn với quá trình đô thị hóa và quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính; ưu tiên nguồn lực thực hiện NTM ở các xã đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại các xã đã đạt chuẩn.
Mùa vải sớm ở xã Phúc Hoà - Địa phương đạt NTM kiểu mẫu năm 2024
Đạt được kết quả trên, năm 2024, tỉnh Bắc Giang đã triển khai mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng NTM, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn thông minh và hiện đại. UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã phê duyệt triển khai thí điểm mô hình xã thương mại điện tử tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên. Bên cạnh việc tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về thương mại điện tử và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Giang thực hiện đầu tư, phát triển cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử như xây dựng mô hình bán hàng trực tiếp các sản phẩm của xã và các vùng lân cận; đầu tư, lắp đặt mới hệ thống loa truyền thanh thông minh cơ sở; lắp đặt duy trì hệ thống thiết bị phát mạng internet không dây (Wifi) miễn phí…
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang cũng đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ các cấp. Đồng thời, phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp khu vực nông thôn, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện.
“Người dân là chủ thể” trong xây dựng nông thôn mới
Xác định "xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, người dân là chủ thể", tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về chương trình. Theo đó, người dân không chỉ là người thụ hưởng mà còn là người trực tiếp tham gia vào quá trình lập kế hoạch, giám sát và thực hiện các công trình, dự án tại địa phương. Cùng với cơ chế, chính sách của nhà nước và của tỉnh, mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều chủ động xây dựng chương trình hành động phù hợp với địa phương mình. Nhờ có sự truyền thông kịp thời, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên nhận thức của người dân về chương trình được nâng cao. Vai trò chủ thể của người dân được phát huy khi người dân chủ động tham gia đóng góp ngày công, tiền của vào xây dựng các công trình công cộng, tham gia hiến đất làm đường… đồng lòng thực hiện các mục tiêu một cách hiệu quả.
Năm 2024, toàn tỉnh Bắc Giang đã vận động người dân hiến 25.732 m2 đất, đóng góp trên 9,3 tỷ đồng và 7.115 ngày công để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, trong đó các huyện Việt Yên, Tân Yên, Lục Ngạn…là các địa phương điển hình trong cuộc vận động này. Thông qua đó, đời sống, vật chất tinh thần người dân được nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, người dân hài lòng cao đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và các cấp ủy chính quyền.
Đối với vùng đồng bào miền núi, tỉnh đã kêu gọi những người có uy tín trong cộng đồng đã tham gia hàng nghìn buổi vận động người dân chung sức cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng NTM; vận động hơn 4.000 hộ hiến hàng chục nghìn m² đất để mở rộng, cứng hóa các tuyến đường. Với vai trò “hạt nhân” trong tuyên truyền, những người có uy tín trong cộng đồng đã vận động bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng nông thôn mới, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Chương trình xây dựng NTM đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo nên những làng quê đáng sống
Có thể nói, những kết quả đạt được là minh chứng rõ ràng cho vai trò trung tâm và sự đóng góp to lớn của người dân trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang. Kết quả này là sự quan tâm của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng. Thông qua chương trình, diện mạo nông thôn trên toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, khởi sắc. Hạ tầng nông thôn được đổi mới với nhiều cung đường khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân được nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy… Chương trình xây dựng NTM đã góp phần tạo nên những làng quê đáng sống, phát triển bền vững trong tương lai./.
Tuấn Thành – Kim Hồng