Hải Phòng đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Đăng ngày: 21/08/2024 , 14:06 GMT+7
Kinh tế số đang trở thành xu hướng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng. Thời gian qua, Thành phố Hải Phòng đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số nhằm trở thành một trong những thành phố dẫn đầu về kinh tế số, đóng góp tích cực cho nền kinh tế số của quốc gia, coi việc thúc đẩy kinh tế số là động lực quan trọng hàng đầu.

Triển khai Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, và đặc biệt là Quyết định 58/QĐ-UBQGCĐS ngày 19/4/2024 ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của UB quốc gia về CĐS, xác định chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số". Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng 2030 đặt ra chỉ tiêu phát triển Kinh tế số năm 2025 đạt tỷ trọng 25%/GRDP, năm 2030 đạt 35%/GRDP; UBND TP Hải Phòng đã ban hành các kế hoạch cụ thể để triển khai nghị quyết, chương trình, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Theo đó, Thành phố Hải Phòng đã quan tâm thu hút đầu tư trong phát triển công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Thu hút đầu tư của Thành phố liên tục đứng top đầu của cả nước đã góp phần tăng cường tỷ trọng kinh tế lõi ICT. Nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn điện tử LG, Fuji Xerox, Haengsung Electronics, VinGroup... hoạt động trong lĩnh vực ICT, kinh tế số hiệu quả đã có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế của thành phố. 8 tháng đầu năm 2024 đã thu hút thêm khoảng 1,5 tỷ USD đầu tư vào Thành phố. Trên địa bàn Thành phố hiện đã đạt gần 1000 danh nghiệp công nghệ số hoạt động; gần 9000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số.

Hải Phòng đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng số nhằm thúc đẩy số hóa các ngành kinh tế. Cụ thể: Số trạm phát sóng 4G mới được xây dựng tăng 6% so với cuối năm 2023, tăng 21,8% so với đầu năm 2022. Cơ bản xoá toàn bộ các vùng lõm sóng. Vùng phủ 4G đạt khoảng 95%, nâng tốc độ tải khoảng 16% so với cuối năm 2023, cao hơn 62% so với yêu cầu tối thiểu của Bộ TTTT. Mạng băng rộng cố định đạt vùng phủ 96% hộ gia đình (năm 2022 mới đạt 82%). Đã có thêm 1 Trung tâm dữ liệu điện toán đám mây của doanh nghiệp viễn thông được khai trương và đưa vào hoạt động.

  Ngoài việc triển khai thử nghiệm 5G thương mại tại các khu trung tâm tương tự tại các địa phương khác, để thúc đẩy các ngành mũi nhọn là cảng biển và công nghiệp, Thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai 5G tại các cảng Tân Vũ, Đình Vũ và triển khai mạng 5G dùng riêng cho nhà máy thông minh đầu tiên trên toàn quốc tại công ty Pegatron (Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II).

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp triển khai hợp đồng điện tử đạt trên 80%, số lượng doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt hơn 40%.

Hải Phòng quan tâm đến số hóa ngành kinh tế cảng biển

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển Hải Phòng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc, đứng thứ 2 toàn quốc, bao gồm 53 cảng, sản lượng hàng hoá qua cảng 6 tháng đầu năm đạt 75,7 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ, chiếm trên 25% lưu lượng toàn quốc. Do đó, Thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số lĩnh vực cảng biển. Trong thời gian qua, việc đưa các giải pháp công nghệ số made in Vietnam, nền tảng chuyển đổi số cảng biển vào ứng dụng đã góp phần chuyển đổi số nhanh với 100% các cảng có hệ thống quản lý cảng TOS, khoảng >40% số cảng đã ứng dụng các nền tảng cảng biển số, với nhiều ưu việt như triển khai nhanh (2-4 tuần thay vì 16-18 tháng),giá trị chỉ 10-20% so với các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài, năng lực đón tàu tăng khoảng 150%, khả năng giải phóng hàng hóa tại bãi tăng 30%, các thủ tục hành chính, dịch vụ Cảng giảm mạnh từ 6-8h với 12 điểm chạm xuống chỉ còn 3 phút với 2 điểm chạm. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất và tối ưu hóa phục vụ khách hàng đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều cảng như: chụp ảnh tự động, nhận diện tình trạng vỏ container tại tuyến cầu tàu; ứng dụng camera đầu cần trục giám sát, ghi nhận hoạt động điều hành, khai thác; ứng dụng định vị dẫn hướng tự động và giải pháp giám sát hành trình và nhiên liệu cho xe vận chuyển nội bộ; ứng dụng giải pháp cổng thông minh nhận dạng mã container, nhận diện biển số xe đầu kéo, rơ moóc; tích hợp Cổng điện tử và ứng dụng trên di động thực hiện thao tác kiểm tra và giao nhận tự động… Sau khi đưa vào ứng dụng đã giúp khách hàng xây dựng kế hoạch và điều hành sản xuất chính xác, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động của cảng, các đối tác và khách hàng. Hệ thống tương tác với các lái xe, doanh nghiệp vận tải qua môi trường mạng, tỷ lệ sử dụng giao dịch điện tử, chứng từ điện tử lên tới >90%.

Đồng thời, Thành phố đã giao Sở Công thương nghiên cứu triển khai nền tảng chuyển đổi số liên ngành lĩnh vực logistics nhằm liên kết các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, chia sẻ dữ liệu nhằm tăng khả năng chuyển đổi số nhanh lĩnh vực này

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, năm 2023, Hải Phòng đứng thứ 5/63 tỉnh thành về chỉ số phát triển thương mại điện tử sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu. Đạt được những kết quả đó là do Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hoá đơn điện tử, thuế điện tử…

Đến nay, hầu hết các Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đều thực hiện thu thuế bằng hình thức điện tử, liên thông với Kho bạc Nhà nước Hải Phòng, Cục thuế HP, Cục Hải quan Hải Phòng, Bảo hiểm xã hội TP... Thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 27.212 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm 2023. Số lượng doanh nghiệp triển khai hợp đồng điện tử đạt trên 80%, số lượng doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 99%.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý dữ liệu nông sản thành phố Hải Phòng (nongsan.haiphong.gov.vn) nhằm cung cấp thông tin dữ liệu nông sản thành phố phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thành phố ban hành kế hoạch hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển ngành nông nghiệp, Hải Phòng đã đẩy mạnh phổ biến, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thuỷ sản, đến nay tổng số tàu cá đã được đăng ký và cập nhật trên phần mềm Vnfishbase là 898 tàu (trong đó Lmax từ 6m đến dưới 12 m: 399 tàu, Lmax từ 12m đến dưới 15m: 188 tàu, Lmax từ 15m trở lên: 311 tàu),898/898 tàu cá được đánh dấu theo quy định, đạt 100%; số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình 310/311 tàu, đạt tỷ lệ 99,67%; Tổ chức Hội nghị “Trình diễn cánh đồng công nghệ GLOBALCHECK” giới thiệu, trình diễn công nghệ thiết bị dẫn đường không người lái NX510 trên máy cấy và sử dụng máy bay nông nghiệp không người lái để gieo hạt giống, rải phân bón..., tại cánh đồng Kênh Hữu, thôn Kênh Hữu, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo. Hội nghị nhằm Hỗ trợ và thúc đẩy các cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất.

Với những nỗ lực nêu trên, theo công bố của Tổng cục Thống kê cuối tháng 12/2023, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hải Phòng đạt 29,7%, tức là cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành uỷ đề ra là 25% vào năm 2025. Đây là kết quả không nhỏ của sự nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng.

PV

Đăng ngày: 21/08/2024 , 14:06 GMT+7

Tin liên quan