Đà Nẵng thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài

Đăng ngày: 28/01/2021 , 09:43 GMT+7

Cải cách hành chính được xem là giải pháp quan trọng và có hiệu quả cao của Đà Nẵng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo kế hoạch của thành phố Đà Nẵng, trong năm nay, Thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các thủ tục hành chính và hoàn thành trung tâm dữ liệu chung, chia sẻ, tích hợp cho các sở, ngành, địa phương.

Khu vực sản xuất của công ty ICT Vina, 100% vốn Hàn Quốc tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Tại Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng, dự án “Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises,” đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 110 triệu USD là ví dụ điển hình cho những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, thu hút vốn đầu tư đầu tư nước ngoài FDI của thành phố Đà Nẵng trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến rất phức tạp trên toàn thế giới. Đây là dự án FDI lớn thứ 2 đến từ Mỹ đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, được đăng ký thực hiện bởi Công ty Hayward Quartz Technology Inc, có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ),là nhà cung cấp hàng đầu hỗ trợ tất cả các OEM (thiết bị gốc) trong phân khúc kinh doanh chất bán dẫn. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô 61.578m2, vốn đầu tư 66 triệu USD, dự kiến khởi công xây dựng quý 2 tới và hoạt động chính thức vào quý 2/2023.

Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng, đến tháng 1/2021 đã thu hút được 23 dự án, trong đó 11 dự án FDI có tổng vốn đầu tư 510,1 triệu USD (chiếm tỷ lệ 65,6%) và 12 dự án trong nước với vốn đầu tư là 6.291 tỷ đồng.

Mặc dù năm 2020 có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp do tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong năm 2020, với kết quả phòng chống dịch bệch Covid-19 hiệu quả, Việt Nam đã duy trì và thu hút hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) với những tăng trưởng khả quan nhất. Tại thành phố Đà Nẵng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp mới được 87 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 129,177 triệu USD; có 20 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 80,057 triệu USD; có 105 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với giá trị là 3,63 triệu USD.

Cải cách hành chính - giải pháp quan trọng và hiệu quả

Trong thời gian qua, Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm phát triển công nghệ cao trong tương lai. Đặc biệt, là công tác cải cách thủ tục hành chính được đổi mới, các thủ tục nhanh gọn, giảm bớt thời gian và phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Thành phố Đà Nẵng đang xây dựng mô hình thành phố thông minh, có ưu thế trong nhiều lĩnh vực như du lịch dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin... Trong thời gian tới, KOTRA sẽ tăng cường các hoạt động kết nối thông tin, hỗ trợ đưa các đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc tới khảo sát đầu tư tại thành phố này.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Đà Nẵng, trong 10 năm qua, Thành phố đã đơn giản hóa được hơn 300 thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý hơn 90 ý kiến, kiến nghị của người dân liên quan đến thủ tục hành chính. Đà Nẵng đã ban hành 15 đề án liên thông, liên kết nhiều lĩnh vực quan trọng như đầu tư và đăng ký doanh nghiệp; xây dựng và quản lý đô thị; tư pháp; lao động-thương binh và xã hội; đất đai; văn hóa. Đặc biệt, Đà Nẵng đã đơn giản hóa, rút ngắn 20% thời gian xử lý hồ sơ đối với nhiều thủ tục hành chính.

Đà Nẵng hiện đang là địa phương liên tục đứng đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, thành phố đã cơ bản xây dựng thành công các thành tố chính của Chính phủ điện tử gồm: Trung tâm dữ liệu, mạng đô thị (MAN); hệ thống kết nối không dây công cộng với 430 trạm thu phát sóng chuyên dụng; hệ thống thông tin chính quyền điện tử; cổng dịch vụ công và 400 phần mềm, ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị phục vụ quản lý Nhà nước.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách về tổ chức bộ máy, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ. Các sở, ngành tiếp tục phối hợp rà soát thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết các lĩnh vực, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao số lượng hồ sơ trực tuyến, nâng dịch vụ công trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến lên mức độ 4. Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, trong năm nay sẽ hoàn thành trung tâm dữ liệu chung, chia sẻ, tích hợp cho các sở, ngành, địa phương. Đà Nẵng cam kết tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn thành phố mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư và tích cực tìm kiếm các dự án tiềm năng để làm cơ sở cho hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, cấp phép đầu tư trong những năm tiếp theo.

Với những nỗ lực đó, Đà Năng đang hướng tới mục tiêu thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ...; Ưu tiên các hoạt động đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững; thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chuẩn bị các dự án khả thi để thu hút làn sóng đầu tư từ nước ngoài nhằm phát triển hội nhập nhanh và bền vững./.

PV.

Đăng ngày: 28/01/2021 , 09:43 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác