Từng bước chiếm lĩnh thị phần
Thời gian vừa qua, Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành cơ khí khi từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển. Nếu như trước đây phần lớn các sản phẩm cơ khí phải nhập khẩu thì nay đã dần được thay thế bằng sản phẩm do chính ngành cơ khí trong nước chế tạo. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước đã thể hiện rõ năng lực vượt trội tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã đầu tư để nâng cao sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao, phục vụ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), hướng tới xuất khẩu các sản phẩm cơ khí. Có thể nói, gam màu sáng trong bức tranh của ngành cơ khí đã góp phần làm thay đổi diện mạo nền kinh tế, qua đó tạo việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước kể cả trực tiếp và gián tiếp .
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước đã đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nên các sản phẩm như khuôn mẫu, linh kiện cơ khí, nhựa và cao su kỹ thuật... về cơ bản đã được đáp ứng ở mức cao. Cụ thể, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85 - 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ôtô (tùy chủng loại xe),khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ, 40 - 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng, cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%),đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có nhiều kết quả đáng ghi nhận là: Phú Thọ tăng 42,1%; Lai Châu tăng 39,9%; Bắc Giang tăng 28,3%; Quảng Nam tăng 20,7%; Thanh Hóa tăng 19,3%. Cũng trong 11 tháng năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: ô tô tăng 22,4%; thép thanh, thép góc tăng 21,7%; thép cán tăng 14,1%...
Chỉ số sản xuất máy móc thiết bị của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính cả năm 2024, chỉ số sản xuất của ngành này tăng 5% so với năm 2023. Lĩnh vực cơ khí chế tạo đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách. Công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho ngành xe máy đạt tỷ lệ nội địa hóa lên đến 85- 95%. Sản lượng sản xuất động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều trong năm 2024 ước đạt 368,68 triệu chiếc, tăng 4,16% so với năm 2023. Các sản phẩm này được sản xuất chủ yếu tại Đồng Nai (chiếm 96,34% tổng sản lượng của cả nước); Phú Thọ (chiếm 3,45%); Hải Dương (chiếm 0,21%)… Tiếp đến là động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37,5W, ước đạt 407,38 triệu chiếc, tăng 0,17% so với năm 2023; máy khâu loại dùng cho gia đình đạt 3,9 triệu cái, tăng 30,65%; máy biến đổi điện quay đạt 121,47 nghìn bộ, giảm 17,42%…
Hiện ngành cơ khí Việt Nam vẫn đang tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng; dụng cụ và ô tô và phụ tùng ô tô. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, ngành cơ khí đã đóng góp gần 24% tổng GDP của cả nước. Con số này phản ánh vai trò quan trọng của ngành trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng, với giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 3,62%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành cũng đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, ngành cơ khí hỗ trợ đáng kể cho nhiều ngành công nghiệp khác, cung cấp các sản phẩm thiết yếu như máy móc, thiết bị và phụ tùng, từ đó cải thiện hiệu quả sản xuất và giảm chi phí cho các ngành khác.
Nỗ lực cho mục tiêu cao hơn
Tuy đã chủ động nâng cao năng lực hoạt động và đạt được nhiều kết quả hơn mong đợi nhưng trên thực tế đa phần các doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp và rất khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, thị phần cơ khí ở thị trường trong nước phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), việc các các doanh nghiệp cơ khí trong nước không chiếm được nhiều thị phần là do có nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy… vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các doanh nghiệp FDI đảm nhiệm. Bên cạnh đó, những ràng buộc trong cơ chế đấu thầu khiến cho nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không thể tham gia được vào các dự án, công trình trong nước và thua thiệt ngay trên sân nhà. Phần lớn nguyên nhân còn là do các doanh nghiệp trong nước hạn chế về mặt công nghệ.
Trên thực tế, cũng đã có một số doanh nghiệp có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, có khả năng chế tạo được các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, nhưng số doanh nghiệp này còn quá ít ỏi và cũng đang gặp nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển bền vững. Hiện mỗi năm, Việt Nam phải chi một số tiền lớn để nhập máy móc, thiết bị để phục vụ yêu cầu xây dựng các công trình, phát triển ngành công nghiệp trong nước, trong khi ngành cơ khí chế tạo Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Thậm chí, trình độ sản xuất của ngành cơ khí Việt Nam được đánh giá mới đang ở giai đoạn đầu của 3.0 do thiếu nguồn lực đầu tư công nghệ mới, hạ tầng kỹ thuật, kĩ năng còn yếu. Trình độ cơ khí chế tạo, nhất là cơ khí chính xác, trụ cột của sản xuất công nghiệp, vẫn lạc hậu so với nhiều nước. Nhiều doanh nghiệp gặp không ít thách thức trong cải tiến công nghệ, chất lượng lao động cũng như chất lượng hạ tầng… để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ thị trường quốc tế.
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, dù đã có nhiều bước tiến trong sản xuất các sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, nhiều sản phẩm đã kết nối và vươn được ra nước ngoài, song nhìn chung toàn ngành, sản phẩm của đa số doanh nghiệp trong nước vẫn có chất lượng và độ chính xác thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Đặc biệt, trong bức tranh kinh tế toàn ngành, hiện cơ khí Việt Nam còn thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm quốc tế và đóng vai trò dẫn dắt.
Cơ khí Việt Nam trước nhiều cơ hội lớn
Ngành cơ khí hiệnđược coi là ngành công nghiệp mang tính “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp một cách toàn diện vào nền kinh tế quốc gia. Không chỉ là nền tảng của công nghiệp nặng và cơ sở hạ tầng, ngành còn tạo ra giá trị gia tăng qua nhiều phương diện khác, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế cả nước.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế toàn cầu, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đứng trước rất nhiều cơ hội lớn. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp cơ khí có ưu thế hơn khi xuất khẩu, mở rộng thị trường đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào.
Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), năm 2024 Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút thêm nhiều dự án FDI khi có nhiều khách hàng nước ngoài sang Việt Nam để tìm nhà cung cấp mới bên cạnh những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới như Samsung, LG, Amkor, Honda, Intel… Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam trong bối cảnh đơn hàng toàn cầu suy giảm vì tác động của suy thoái kinh tế thế giới.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang là ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút trên 16,4 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng vốn, đưa công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành thu hút vốn FDI lớn nhất nền kinh tế. Kết quả này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi của ngành tại Việt Nam. Chưa kể, những năm gần đây, nhiều tỉnh thành phía Bắc có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng đột phá đi kèm với các công nghệ, giải pháp cho sản xuất bền vững, giảm thiểu chất thải và nhiên liệu, nguyên liệu nhằm xây dựng nhà máy thông minh, hiện đại.
Theo đánh giá của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), trong thời gian tới, dự báo về thị trường xuất khẩu của cơ khí Việt Nam là cực kỳ lớn, có thể làm bất cứ sản phẩm nào đáp ứng cho bất cứ ngành kinh tế nào, góp phần cải thiện cán cân thương mại và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Trước cơ hội mở rộng thị trường và có thêm nhiều đơn hàng quốc tế, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã chủ động nâng cao năng lực hoạt động, thậm chí nhiều công đoạn sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam còn có đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ…
Chủ động thích ứng chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế, ngành cơ khí Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển lớn. Sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Intel, LG, Canon, Panasonic, Qualcomm, Microsoft… tại Việt Nam đã chứng tỏ tiềm năng phát triển mạnh mẽ của đất nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài việc mang đến nguồn vốn đầu tư lớn các tập đoàn này còn chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý, giúp nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm cơ khí sang các thị trường lớn. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế. Do vậy, để giữ được thị phần, các doanh nghiệp cần tận dụng dư địa từ các hiệp định thương mại tự do đã có để tìm kiếm thêm cơ hội mới.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, bên cạnh việc bổ sung và điều chỉnh một số cơ chế, chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thì ngành cơ khí rất cần đẩy mạnh nội địa hóa, nâng cao tỷ trọng sản xuất trong nước. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư nghiên cứu, phát triển về công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng cao của thị trường.
Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, Ngành, Hiệp hội đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã tự tìm kiếm giải pháp phù hợp để tiếp tục đưa các sản phẩm cơ khí trong nước tiếp cận và duy trì thị trường ở nước ngoài. Một số sản phẩm như máy móc, thiết bị đã khẳng định được vị thế ở một số quốc gia (Mỹ, Nhật Bản, Nga…) như máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô…
Thực tế cho thấy, cơ hội cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển để cạnh tranh không phải không có, nhưng, hàng loạt các vướng mắc, bất cập vẫn đang khiến doanh nghiệp cơ khí nội địa loay hoay tìm cách để bứt phá. Để không bị thua thiệt ngay trên sân nhà, ngành cơ khí Việt Nam rất cần những ưu đãi về thuế và tín dụng nhằm khuyến khích doanh nghiệp cơ khí đầu tư vào công nghệ và máy móc hiện đại. Chính phủ cũng nên khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, vốn và thuế, đồng thời cần xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành cơ khí nhằm tập trung nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các doanh nghiệp./.
PV.
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại Số 1.2025