Thanh Hóa: Tập trung phát triển công nghiệp với đột phá là công nghiệp năng lượng và chế biến chế tạo

Đăng ngày: 04/07/2021 , 12:22 GMT+7

Lĩnh vực công nghiệp được xác định là động lực số 1 dẫn dắt sự tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn tới, với định hướng, mục tiêu: Phát triển công nghiệp nặng làm nền tảng; công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo là đột phá; phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến chế tạo.

Thanh Hoá là tỉnh phía Bắc của vùng Bắc Trung Bộ, có vị trí địa chính trị quan trọng; là tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, đứng thứ 5 về diện tích (11.134,6 km2) và thứ 3 về dân số (3,5 triệu người) trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước; có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; có mạng lưới giao thông đường bộ với 8 tuyến quốc lộ huyết mạch quốc gia, đường thủy nội địa 697,5 km với các sông lớn, cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch cảng hàng không quốc tế, cảng biển nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT; có cửa khẩu quốc tế Na Mèo và cửa khẩu quốc gia Tén Tần thông thương với nước bạn Lào...

Trong những năm gần đây, kinh tế Thanh Hóa luôn tăng trưởng cao. GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng 11,2%/năm. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thanh Hóa vẫn duy trì mức tăng trưởng GRDP khá 6,08%, trong đó công nghiệp tăng trên 11,2%; quy mô nền kinh tế tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 08 cả nước, cùng với những quan trọng kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh Thanh Hóa thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại Hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và đặc biệt là Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Lĩnh vực công nghiệp được xác định là động lực số 1 dẫn dắt sự tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn tới, với định hướng, mục tiêu: Phát triển công nghiệp nặng làm nền tảng; công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo là đột phá; phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến chế tạo. Để tạo thể chế mới đột phá cho phát triển công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó bên cạnh việc quy hoạch các khu kinh tế (02 KKT) và các khu công nghiệp (08 KCN),Tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư phát triển cụm công nghiệp (CCN).

Năm 2003, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch 68 CCN. Các lần điều chỉnh gồm: Năm 2005, điều chỉnh quy hoạch số CCN toàn tỉnh là 105 cụm; Năm 2011, điều chỉnh còn 55 CCN; Năm 2015, điều chỉnh thành 57 CCN;

Năm 2017, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt qui hoạch đến năm 2025 là 70 CCN; qua một số lần bổ sung, đến nay tổng số CCN được quy hoạch trên địa bàn tỉnh 78 CCN, với tổng diện tích 1.599,69 ha.

Về phương án phát triển CCN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã rà soát, đề nghị cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, với số lượng 132 CCN, tổng diện tích 5.570,83 ha.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, trong tổng số 78 CCN được quy hoạch, có 52 CCN đã có doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm; tổng diện tích đất đã thuê là 563,4 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 48,6%; số lượng doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trong CCN là 302 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp là 11.386,8 tỷ đồng; số lao động thu hút vào CCN đạt 56.631 lao động.

(Theo moit.gov.vn)

Đăng ngày: 04/07/2021 , 12:22 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác